Hà Nội

Suy giảm miễn dịch do lạm dụng kháng sinh, vì sao?

12-09-2017 07:08 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Hệ lụy của việc lạm dụng kháng sinh đã được đề cập đến khá nhiều, tuy nhiên hệ lụy gây suy giảm miễn dịch thì chỉ mới đây các nhà khoa học mới tìm ra các bằng chứng cụ thể.

Một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng của việc lạm dụng kháng sinh đối với sức khỏe cá nhân và cộng đồng.

Kháng sinh là một chất mà ngay ở nồng độ thấp đã có khả năng ức chế hoặc tiêu diệt vi khuẩn. Tuy nhiên, nếu sử dụng tùy tiện hoặc lạm dụng kháng sinh không những làm cho vi khuẩn kháng thuốc mà còn có khả năng làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể.

Tác hại do vi khuẩn kháng thuốc

Năm 1928, loại kháng sinh đầu tiên là penicillin được tìm ra bởi nhà sinh học Scotland là Alexander Fleming đã mở ra kỷ nguyên vàng của kháng sinh trong y học, nó đã cứu hàng triệu người mỗi năm khỏi cái chết do vi khuẩn gây ra. Tuy nhiên, vi khuẩn càng ngày càng có xu hướng kháng lại kháng sinh. Khi khoa học phát triển, nhiều loại kháng sinh ra đời để chống lại sự kháng kháng sinh của vi khuẩn, nhưng vi khuẩn luôn biến đổi gene để kháng lại các loại kháng sinh thế hệ mới. Vì vậy, thế giới hiện nay mỗi năm có đến 700 ngàn người chết vì nhiễm trùng không có thuốc chữa. Ước tính con số này đến 2020 sẽ lên đến 10 triệu người chết vì nhiễm trùng không có thuốc chữa do vi khuẩn ngày càng kháng thuốc.

Khi bị nhiễm khuẩn, dùng kháng sinh đúng liều bệnh sẽ khỏi, nhưng sự khỏi bệnh đó do kháng sinh hay do miễn dịch? Không phải kháng sinh làm cho người bệnh bị nhiễm trùng khỏe mà do hệ miễn dịch làm việc chống lại vi khuẩn làm cho vi khuẩn chết và người bệnh hết bệnh. Vì vậy, nếu lạm dụng kháng sinh, ngoài việc kháng sinh diệt các vi khuẩn trong cơ thể chúng còn diệt cả những vi khuẩn có lợi, đặc biệt là hệ vi khuẩn chí ở đường hô hấp trên và đường ruột. Sự hiện diện của những vi khuẩn có lợi này có khả năng ức chế sinh sản của vi khuẩn gây bệnh, vì vậy chúng đóng một vai trò quan trọng trong phòng chống dịch bệnh. Nếu những vi khuẩn có lợi này chết, khả năng phòng thủ của cơ thể sẽ giảm xuống, tức là làm cho hệ miễn dịch bị suy giảm.Chỉ dùng kháng sinh theo đơn của bác sĩ.

Chỉ dùng kháng sinh theo đơn của bác sĩ.

Kháng sinh gây suy yếu hệ miễn dịch

Hệ miễn dịch tự nhiên (còn gọi là miễn dịch bẩm sinh) bao gồm các cơ chế đề kháng đã tồn tại trong cơ thể khi chưa có nhiễm trùng và sẵn sàng đáp ứng rất nhanh khi vi sinh vật xâm nhập. Hệ miễn dịch là cơ quan cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể chống lại sự tấn công của vi sinh vật gây bệnh. Hệ miễn dịch được xem là hệ thống hàng rào vật lý bảo vệ con người chống lại nhiễm trùng và giết chết các vi sinh vật bằng các peptide có tính kháng thể (tính miễn dịch) được sản xuất tại chỗ. Hệ miễn dịch khỏe mạnh giúp chuyển hóa những chất độc trong cơ thể thành những chất đỡ độc hơn và đẩy ra khỏi cơ thể bằng nhiều con đường khác nhau. Vì thế, vai trò hệ miễn dịch vô cùng quan trọng, có nhiệm vụ chống “thù trong giặc ngoài” bảo vệ cơ thể khỏe mạnh. Các nghiên cứu cho thấy rằng lạm dụng kháng sinh sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch. Sự ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch được thể hiện ở bệnh nhân lạm dụng kháng sinh sẽ làm giảm số lượng cytokine (tế bào bạch cầu chống lại các tác nhân gây bệnh) và các hormon truyền dẫn quan trọng của hệ miễn dịch trong thời điểm bệnh nhiễm trùng tấn công. Các nhà khoa học thuộc Đại học Virginia (Mỹ) đã phát hiện sử dụng kháng sinh quá liều làm suy yếu khả năng kháng vi khuẩn gây hại ở đường ruột và làm bạch cầu trung tính (neutrophil) - một loại tế bào miễn dịch sẽ hoạt động kém hiệu quả trong việc chống lại các bệnh nhiễm trùng và truyền nhiễm. Bởi vì neutrophil đóng vai trò như là “tấm khiên” che chắn các cơ quan khi những vi sinh vật gây bệnh xâm nhập cơ thể, đặc biệt là trẻ em. Theo Giáo sư, tiến sĩ nhi khoa Howard Bauchner thuộc Đại học Y khoa Boston (Mỹ) cho biết, lạm dụng kháng sinh là tương đương với việc tước đoạt cơ hội tự tăng cường miễn dịch của cơ thể của bé. Trẻ càng dùng kháng sinh thường xuyên, càng dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp và các nhiễm trùng khác. Nguyên nhân là do hệ miễn dịch của trẻ vốn non yếu, lại không có cơ hội phục hồi khi lạm dụng kháng sinh. Nếu chữa trị đúng cách, trẻ có thể vượt qua bệnh nhiễm trùng, đồng thời tạo cơ hội cho hệ miễn dịch của bé “tập dượt chiến đấu”, chống chọi tốt hơn để không bị nhiễm khuẩn lần sau.

Cần sử dụng kháng sinh hợp lý để không ảnh hưởng đến hệ miễn dịch

Để việc sử dụng kháng sinh không ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của cơ thể và phát huy vai trò tác dụng tốt của kháng sinh chống bệnh nhiễm trùng, cần tuân thủ đúng nguyên tắc sử dụng kháng sinh. Đó là, chỉ sử dụng kháng sinh khi xác định chắc chắn mắc bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn (hầu hết trẻ em nhiễm trùng đường hô hấp đều do virut không cần phải dùng kháng sinh). Phải sử dụng kháng sinh đúng liều lượng, đủ ngày. Muốn làm tốt điều này cần có chỉ định của bác sĩ khám bệnh cho mình, không tự động mua thuốc cho mình hoặc người nhà để tự điều trị. Người bệnh không tự thay đổi thuốc và không điều trị ngắt quãng hoặc bỏ thuốc khi thấy bệnh đã đỡ. Với bác sĩ, cần tuân thủ nguyên tắc kê đơn thuốc kháng sinh, không kê đơn tùy tiện. Đối với người bán thuốc phải coi tính mạng bệnh nhân và cộng đồng là hết sức quan trọng, vì vậy, không bán thuốc kháng sinh khi không có đơn thuốc của bác sĩ và không tự động thay thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ khám bệnh. Ngoài ra, cần tăng cường hệ miễn dịch bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập vận động hàng ngày, với trẻ em cần tiêm phòng đầy đủ theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng.


PGS.TS. Bùi Khắc Hậu
Ý kiến của bạn