Cơ quan khứu giác của con người rất đáng ngạc nhiên, có thể phát hiện từ 10.000 - 100 tỷ mùi khác nhau. Thông tin giác quan này đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chất lượng cuộc sống và an toàn thể chất của con người. Ví như hương thơm của đồ ăn sẽ kích thích sự ngon miệng, mùi khó chịu cảnh báo hỏa hoạn, hóa chất độc hại hoặc thực phẩm ôi thiu... Cảm giác mùi đóng góp rất lớn cho hương vị của thực phẩm. Đây là lý do tại sao một số người bị suy giảm khứu giác nghĩ rằng họ đang bị một vấn đề về vị giác. Mùi hương cũng tạo ra những mối liên hệ với mọi người và nơi chốn, như với mùi hương của một loại nước hoa hay những ký ức về bờ biển hoặc vùng quê nào đó... Có nghĩa là mùi không chỉ liên quan và ảnh hưởng tới cuộc sống thể chất mà thậm chí còn liên quan tới cả cuộc sống tinh thần của một người. Khi giác quan này bị hạn chế, suy giảm, người bệnh cần được sớm điều trị để tránh bị cô lập và đe doạ tới sức khoẻ thể chất và chất lượng cuộc sống.
Vì sao bị suy giảm khứu giác?
Các nguyên nhân gây ra tình trạng giảm khứu giác bao gồm: hẹp hốc mũi bẩm sinh; biến dạng vách ngăn mũi; chít hẹp hốc mũi sau chấn thương; do chấn thương ở não; do tổn thương của thần kinh khứu giác ngoại biên hoặc trung ương; do các bệnh cúm, sổ mũi cấp tính, một số bệnh nhiễm khuẩn; viêm xoang cấp hoặc mạn tính; viêm mũi phì đại cấp tính hoặc mạn tính kèm theo polip, bịt tắc cửa mũi sau; các bệnh gây ngạt tắc vùng khứu giác; do rối loạn thần kinh chẳng hạn viêm thần kinh khứu giác do độc tố hoặc virut; do sử dụng phương pháp trị liệu như tia xạ, liệu pháp hoá chất, lọc máu; do những thương tổn về thần kinh trong một số bệnh: Alzheimer, đa xơ cứng, bệnh Parkinson, bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp..., do sự lão hoá của cơ thể.
Suy giảm khứu giác làm suy giảm chất lượng sống, thậm chí gây nguy hiểm.
Thống kê cho thấy có khoảng 250 loại thuốc khác nhau có ảnh hưởng đến khứu giác và vị giác, bao gồm: kháng sinh (như ampicillin và tetracyclin), thuốc chống trầm cảm (như amitriptylin), thuốc kháng histamin (chẳng hạn như loratadin)... Những người tiếp xúc thường xuyên, lâu dài với một số hóa chất, người nghiện thuốc lá hoặc sử dụng các chất ma túy cũng có khả năng bị giảm khứu giác.
Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người mắc bệnh tiểu đường týp 1 có thể gặp khó khăn khi phát hiện và phân biệt mùi hương. Điều này liên quan tới các tổn thương thần kinh tiểu đường, được gọi là bệnh lý thần kinh ngoại vi.
Mặc dù ung thư ở đầu và cổ có thể không ảnh hưởng trực tiếp đến cảm giác ngửi nhưng điều trị chiếu tia xạ có thể gây ra tình trạng suy giảm, thậm chí mất ngửi.
Tuổi tác là một yếu tố hàng đầu trong giảm khứu giác. Cảm giác ngửi mùi tốt nhất khi người ta ở tuổi 30 - 60 và bắt đầu yếu đi sau đó. Do đó, giảm khứu giác ảnh hưởng đến 39% người trên 80 tuổi.
Ngoài ra, cũng có đến 22% trường hợp mất khứu giác không rõ nguyên nhân. Một số người bẩm sinh mất khứu giác.
Làm thế nào để cải thiện suy giảm khứu giác?
Tình trạng giảm khứu giác có thể được cải thiện mà không cần điều trị, đặc biệt nếu nó là do dị ứng theo mùa hoặc nhiễm các bệnh liên quan đường hô hấp.
Nhưng nếu suy giảm khứu giác do nguyên nhân tổn thương não hoặc tổn thương do viêm đối với các tế bào cảm thụ khứu giác, sự hồi phục hoàn toàn không khả thi, ngay cả khi phẫu thuật.
Trong một số trường hợp khác, có thể hồi phục khả năng khứu giác bằng dùng thuốc và luyện tập ngửi mùi hương.
Điều quan trọng là người bệnh cần ý thức được sự bất thường của khứu giác bản thân để tìm đến bác sĩ.
Suy giảm khứu giác có thể đáp ứng tốt với điều trị, đặc biệt là khi được điều trị sớm.
Chẩn đoán và điều trị thường bắt đầu bằng khám sức khoẻ và kiểm tra tiền sử bệnh của người, đặc biệt là các vấn đề hô hấp trên. Bác sĩ sẽ kiểm tra mũi, xoang và các cấu trúc xung quanh. Nội soi mũi cũng có thể được chỉ định để phát hiện các khối u. Ngoài ra, bác sĩ sẽ kiểm tra xem mũi có polip, lệch vẹo vách ngăn hay phì đại cuốn mũi... Nếu các xét nghiệm này là âm tính, chụp MRI có thể được thực hiện để tìm kiếm các vấn đề liên quan đến não.
Phẫu thuật có thể là một cách điều trị hiệu quả khi polip mũi, vách ngăn lệch...
Các loại thuốc như steroid và thuốc chống histamin có thể được sử dụng để làm giảm viêm khi nguyên nhân là dị ứng hoặc viêm đường hô hấp.
Những lưu ý trong sinh hoạt
Những người bị suy giảm khứu giác cần chú ý để đảm bảo rằng suy giảm khứu giác không gây ra thêm các vấn đề về sức khoẻ và an toàn. Ví dụ, một người mất khứu giác có thể ăn phải đồ ăn ôi thiu hoặc không muốn ăn dẫn tới thiếu chất, suy dinh dưỡng hay ăn quá nhiều. Do đó, cần theo dõi chặt hạn sử dụng của thực phẩm, định lượng ăn uống. Lưu ý lắp đặt các thiết bị báo cháy trong nhà. Thay bếp gas bằng bếp điện. Cẩn thận khi làm việc với hóa chất gia dụng có khả năng độc.