Giảm sức nghe là hiện tượng rất hay gặp ở NCT - người ta còn gọi là lão thính. Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, tuổi thọ con người ngày càng cao nhưng đồng nghĩa với nó là quá trình lão hóa - nguyên nhân chính gây nên các bệnh tim mạch, tiêu hóa, nội tiết và các rối loạn chức năng, trong đó có rối loạn chức năng nghe.
Suy giảm khả năng nghe (thính lực) theo Y.Guerrier là sự giảm hoặc mất cảm giác thính giác của hệ thống thần kinh đảm nhận chức năng nghe.
Suy giảm khả năng nghe
Suy giảm khả năng nghe ở người cao tuổi (NCT) trước đây ít được quan tâm do đời sống kinh tế khó khăn nên khi về hưu những người này ít giao tiếp với xã hội, do đó mặc dù sức nghe giảm nhưng nhu cầu ít sử dụng đến nên họ thường thu mình lại, hay bị trầm cảm hoặc tai biến mạch não cũng như những bệnh nội khoa khác. Tuy nhiên gần đây, khả năng nghe của những người có tuổi lại là một vấn đề cần được xã hội quan tâm do thói quen sinh hoạt đã thay đổi, khi về hưu những người này vẫn tham gia các công việc của nhiều tổ chức đoàn thể, các câu lạc bộ khiêu vũ, thơ... và theo đó nhu cầu sử dụng chức năng nghe cũng tăng theo.
Suy giảm sức nghe chưa được quan tâm và đánh giá đúng mức từ mọi phía. Về phía người bệnh, họ không ý thức được đầy đủ về tầm quan trọng khi chức năng nghe bị giảm cũng như khả năng điều trị y tế và coi như nghiễm nhiên đến tuổi đó là ai cũng nghe kém. Về phía người thân quan niệm các cụ già nặng tai là chuyện bình thường, nên ít quan tâm để đưa các cụ đi chữa bệnh cũng như ngại tiếp xúc với họ do phải nói to họ mới nghe thấy. Điều này gián tiếp làm tăng thêm sự mặc cảm vốn đã ngày càng trầm trọng ở các cụ. Việc chăm sóc sức khỏe cho NCT là mối quan tâm của toàn xã hội, chính vì thế không thể thiếu được vai trò quan trọng của việc phòng và điều trị suy giảm sức nghe cho nhóm đối tượng này.
Từ năm 1934, Crowe và cộng sự lần đầu tiên chứng minh được sự liên quan giữa hiện tượng teo đét của cơ quan Corti vùng loa đạo ở tai trong và sự suy giảm sức nghe ở NCT. Khi tuổi trên 50, toàn bộ tai con người bị thoái triển: da ống tai ngoài dần dần bị teo, mất nước, ứ đọng dáy tai tạo thành nút dáy, trong khi đó màng nhĩ xuất hiện dấu hiệu dày đục, mất bóng, xuất hiện các mảng xơ nhĩ, chuỗi xương con ở tai giữa bị tổn thương dạng xốp xơ, hiện tượng canxi hóa các khớp xương trong chuỗi dẫn truyền âm thanh làm giảm sức nghe.
Quá trính lão hóa làm tổn thương các tế bào nghe ngày càng nặng lên theo tuổi. Dây thần kinh thính giác và các mạch máu nuôi dưỡng cũng bị thoái hóa, kết hợp với sự đặc dần của các ống xương mà nó đi qua đem lại hậu quả là làm cho dây thần kinh bị chèn ép, không được nuôi dưỡng, ngày một thoái hóa dần. Suy giảm sức nghe ở NCT cũng bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố như sự xơ cứng của các mạch máu trong ốc tai gây rối loạn sinh hóa, nội dịch trong tai trong và làm ảnh hưởng tới hoạt động giác quan của ốc tai. Các nhân tố di truyền thúc đẩy nhanh quá trính lão hóa chung của toàn cơ thể nên nếu quan sát các bạn sẽ thấy nhiều gia đình bị suy giảm sức nghe có tính di truyền. Sự giảm sút của các hormon tuyến thượng thận và sinh dục làm gia tăng theo sự suy giảm sức nghe ở người cao tuổi.
NCT hay phàn nàn rằng họ khó nghe trong môi trường ồn ào, hay khi nói chuyện với nhiều người một lúc làm khả năng giao tiếp của họ bị hạn chế. Nếu người cao tuổi phải làm việc hoặc sinh sống trong môi trường tiếng ồn lớn cũng làm trầm trọng thêm điếc tuổi già và điếc sẽ tiến triển nhanh hơn.
Thói quen sử dụng các chất kích thích nhiều năm như rượu, thuốc lá, thuốc lào… là tác nhân của vô số bệnh tim mạch, ung thư phổi, ung thư đường hô hấp, tiêu hóa trên, đồng thời cũng là tác nhân làm nặng thêm sự giảm sức nghe ở người cao tuổi. NCT đồng thời cũng sử dụng nhiều loại thuốc chữa bệnh khác, trong đó có một số thuốc gây độc tai trong như các kháng sinh nhóm aminosid, các thuốc lợi tiểu (furosemid), thuốc giảm đau (aspirin), chống loạn nhịp (quinidin), thuốc hạ huyết áp (resepine). Trên một số người, các bệnh cũ đã mắc để lại di chứng đối với sức nghe như viêm màng não, quai bị, zona tai…
Suy giảm sức nghe ở NCT ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nhiều cụ muốn xem tivi chương trình mình yêu thích nhưng lại phải bật thật to tiếng làm ảnh hưởng tới sinh hoạt chung trong gia đình, thậm chí cả hàng xóm nên các cụ thường ngại sử dụng vì nghĩ mình làm phiền tất cả những người xung quanh. Các cụ cảm thấy cô lập, ai nói cũng không nghe thấy, nói to quá mọi người xung quanh lại khó chịu nên dẫn tới ngại tiếp xúc hay nói cách khác họ chủ động cô lập mình vào cuộc sống câm lặng.
Các biện pháp cải thiện suy giảm sức nghe ở NCT
Sử dụng các thuốc tăng tưới máu vi mạch dọc theo dây thần kinh thính giác và tăng sử dụng oxy ở các tế bào thần kinh như tanakan, lucidril, vincamin, nootropin, duxil, serC…giúp chậm thoái hóa của hệ thống thần kinh.
Nhóm thuốc nội tiết: oestrogen với phụ nữ mãn kinh, testosterol với nam, các hormon tuyến yên… để bù lại sự thiếu hụt ở người cao tuổi, làm quá trình chuyển hóa được điều hòa, kéo dài sự bền bỉ cho dây thần kinh nghe.
Nhóm vitamin: vitamin A giúp hệ thống thần kinh chống tiếng ồn và tạo thuận lợi cho sự tái sinh của các mô liên kết nói chung cũng như của các cơ quan thính giác nói riêng. Có thể kết hợp với vitamin B, vitamin E… tăng sức căng bề mặt, chống oxy hóa của các tế bào thần kinh.
Máy trợ thính là một biện pháp quan trọng trong việc cải thiện thính lực, tuy nhiên việc đeo máy trợ thính không phải là không khó chịu nếu không đúng chỉ định và sử dụng không đúng cách. Chính vì thế người bệnh phải đi đo cụ thể xem sức nghe của mình bị thiếu hụt là bao nhiêu? Loại tần số nào bị giảm và giảm cụ thể là bao nhiêu? Để có chỉ định dùng loại máy thích hợp, phải có chỉ định và hiệu chỉnh máy nghe phù hợp với từng mức độ suy giảm sức nghe trên từng bệnh nhân.
Ngoài ra, một số trường hợp đặc biệt mà NCT vẫn cần đến sức nghe để làm việc như những chính khách, nhà ngoại giao... Họ không muốn sử dụng máy nghe nên có thể cấy điện cực ốc tai - nếu đúng chỉ định.
Để quá trình suy giảm sức nghe tiến triển chậm, giúp cho chất lượng cuộc sống luôn được đảm bảo thì việc duy trì một cuộc sống lành mạnh, kể cả thể chất và tinh thần là một yếu tố được đề cao.
TS. BS. Phạm Thị Bích Đào