Hà Nội

Suy giảm collagen do đâu?

26-12-2024 11:26 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Collagen chính là một thành phần quan trọng của làn da, có khả năng tăng cường sức khỏe, đồng thời làm tăng tính đàn hồi của làn da. Khi cơ thể thiếu hụt collagen sẽ khiến da bị khô và xuất hiện những nếp nhăn. Vậy, nguyên nhân nào gây suy giảm collagen?

Lợi ích của collagen

Collagen là một loại prrotein có số lượng phong phú nhất ở trong cơ thể người. Có thể dễ dàng tìm thấy được collagen ở xương cơ, da hay gân. Ngoài ra có thể tìm thấy được collagen ở các cơ quan khác như mạch máu, răng, giác mạc…

Collagen chính là một thành phần quan trọng của làn da, có khả năng tăng cường sức khỏe, đồng thời làm tăng tính đàn hồi và quá trình hydrat hóa. Khi cơ thể già hơn thì quá trình sản xuất collagen chậm hơn sẽ khiến cho làn da khô và xuất hiện những nếp nhăn xấu xí.

Không chỉ giúp nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh hơn, collagen còn có khả năng duy trì được sự toàn vẹn của các sụn khớp với vai trò như một lớp cao su để bảo vệ khớp của bạn. Khi lượng collagen bị suy giảm thì bạn cũng sẽ có nguy cơ mắc phải những căn bệnh thoái hóa khớp cao hơn.

Xương với thành phần chủ yếu là các collagen có thể giúp giữ được một cấu trúc chắc chắn và khỏe mạnh nhất. Khi quá trình sản xuất collagen mất dần đi thì khối lượng xương cũng sẽ trở nên yếu hơn.

Bên cạnh những tác dụng kể trên thì tổng thể sức khỏe của con người cũng sẽ được cải thiện tốt hơn nhờ collagen. Đối với tóc và móng, collagen sẽ ngăn ngừa sự giòn gãy của móng tay và kích thích cho tóc được chắc khỏe, mọc nhanh hơn, dài hơn. Nhìn chung, collagen mang lại cho người dùng rất nhiều lợi ích về sức khỏe, đặc biệt là làn da.

Suy giảm collagen do đâu?- Ảnh 1.

Collagen là một loại protein có số lượng phong phú nhất trong cơ thể người.

Nguyên nhân gây suy giảm collagen

Đi cùng với sự phát triển của tuổi tác, số lượng collagen sinh ra trong cơ thể ngày càng ít đi.

Một số nguyên nhân gây suy giảm collagen

Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, hút thuốc lá, căng thẳng kéo dài… gây suy giảm collagen, khiến làn da, sức khỏe tổng thể xuống cấp nhanh chóng.

Một nghiên cứu đã quan sát collagen dưới tia cực tím và phát hiện ra rằng cấu trúc collagen sau đó bị "sụt giảm đáng kể". Tia UV tác động tiêu cực đến collagen thông qua nhiều cơ chế khác nhau. Điều đó bao gồm những thay đổi DNA đối với các tế bào tạo ra collagen, việc sản xuất các gốc tự do, ảnh hưởng trực tiếp đến lượng collagen.

Tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời làm suy giảm sản xuất collagen. Do đó, thoa kem chống nắng, tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều có thể giúp ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa da sớm.

Việc sản xuất collagen bắt đầu giảm khoảng 1% mỗi năm trong cơ thể của hầu hết mọi người vào đầu tuổi 20. Tuy nhiên, độ tuổi chính xác mà quá trình này bắt đầu ở mỗi người là khác nhau. Sự suy giảm collagen diễn ra nhanh hơn trong và sau thời kỳ mãn kinh.

Tuổi tác tăng, cơ thể già đi là quy luật không thể tránh khỏi, nằm ngoài tầm kiểm soát của mỗi người. Cơ thể chúng ta luôn cân bằng việc sản xuất và suy thoái collagen. Khi còn trẻ, cơ thể sản xuất nhiều collagen hơn bị phá vỡ. Sự cân bằng đó sẽ sai lệch theo tuổi tác vì quá trình tái tạo mô giảm.

Ngoài ra, việc tuân theo một chế độ ăn nhiều đường bổ sung, thực phẩm chế biến nhanh có thể dẫn đến lão hóa sớm do góp phần vào quá trình gọi là glycation, làm giảm sự luân chuyển collagen. Điều này cũng cản trở khả năng tương tác của collagen với các tế bào, protein xung quanh.

Căng thẳng kéo dài có thể làm giảm khả năng sản xuất collagen một cách tự nhiên. Ít collagen được sản xuất hơn trong trạng thái căng thẳng vì nhiều nguồn lực của cơ thể được sử dụng để chống lại căng thẳng, chứng viêm mà nó tạo ra.

Suy giảm collagen do đâu?- Ảnh 2.

Nên ăn chế độ dinh dưỡng bổ sung thực phẩm giàu collagen.

Di truyền là một yếu tố quan trọng trong việc xác định lượng collagen mà cơ thể bạn tạo ra và phá vỡ. Vì vậy, nếu cha mẹ, ông bà có làn da đẹp trong nhiều năm, thì khả năng cao là làn da của bạn sẽ giống họ. Tuy nhiên, điều này không đúng hoàn toàn vì lượng collagen phụ thuộc vào chế độ ăn uống, lối sống, môi trường...

Tóm lại: collagen có mặt trong hầu hết các bộ phận của cơ thể, cần thiết để duy trì một sức khỏe tốt. Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy collagen có tác dụng tăng sự đàn hồi da, chống lão hóa da, nhanh lành sẹo, tăng cường hệ miễn dịch, giúp xương, tóc, móng, răng chắc khỏe, giảm biến chứng ở xương, sụn, phòng ngừa loãng xương, xốp xương.

Vì vậy, chúng ta cần thay đổi ngay từ hôm nay thói quen sinh hoạt lành mạnh: Nên ăn chế độ dinh dưỡng bổ sung thực phẩm giàu collagen và các loại vitamin A, C, protein như rau màu xanh đậm, thực phẩm màu đỏ, tím, tôm, cá, thịt gà, trứng, nước hầm xương,... Việc sinh hoạt khoa học, có chế độ ăn đầy đủ, tập thể dục thường xuyên là một trong những cách giảm thiểu lão hóa, suy giảm collagen.

Cách tăng cường collagen hàng ngày dễ thực hiệnCách tăng cường collagen hàng ngày dễ thực hiện

SKĐS - Bạn có thể bổ sung collagen cho da một cách tự nhiên bằng chế độ dinh dưỡng hàng ngày mà không cần đến các phương pháp điều trị hoặc thực phẩm bổ sung đắt tiền.

BS. Nguyễn Lan Anh
Ý kiến của bạn
Tags: