Suy dinh dưỡng thể thấp còi: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

26-09-2024 09:41 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Suy dinh dưỡng thể thấp còi là một dạng suy dinh dưỡng mãn tính. Bệnh thường do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm dinh dưỡng, bệnh lý và điều kiện sống.

1. Tổng quan về suy dinh dưỡng thể thấp còi

Suy dinh dưỡng thể thấp còi là gì?

  • Suy dinh dưỡng thể thấp còi là một dạng suy dinh dưỡng mãn tính, xảy ra khi trẻ không đạt được chiều cao tương xứng với độ tuổi do thiếu hụt dinh dưỡng kéo dài.
  • Suy dinh dưỡng thể thấp còi phản ánh sự phát triển kém của trẻ không chỉ về thể chất mà còn liên quan đến sự phát triển trí não và khả năng miễn dịch của trẻ.
  • Tình trạng này xảy ra trong 1.000 ngày đầu đời từ khi thụ thai đến khi trẻ 2 tuổi và có thể để lại các hậu quả lâu dài như chậm phát triển trí tuệ, giảm khả năng học tập và tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường và tim mạch khi trưởng thành.
Suy dinh dưỡng thể thấp còi: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

TS.BS Nguyễn Hữu Châu Đức, Giảng viên chính Bộ môn Nhi (Trường Đại học Y-Dược, Đại học Huế); Phó trưởng khoa Nhi Tiêu hóa - Dinh dưỡng - Bệnh Nhiệt đới (Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế).

2. Nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng thể thấp còi

Suy dinh dưỡng thể thấp còi thường do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm yếu tố dinh dưỡng, bệnh lý và điều kiện sống.

Thiếu hụt dinh dưỡng:

  • Trẻ không được cung cấp đủ các dưỡng chất thiết yếu để phát triển cơ thể.
  • Protein: Giúp xây dựng và phát triển cơ bắp. Thiếu protein ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phát triển cơ thể và chiều cao.
  • Sắt: Hỗ trợ sản sinh hồng cầu và ngăn ngừa thiếu máu, giúp cơ thể hấp thu và vận chuyển oxy đến các mô.
  • Kẽm: Giúp tăng cường hệ miễn dịch, kích thích sự phát triển của xương và tế bào.
  • Vitamin A và D: Vitamin A hỗ trợ tăng trưởng và phát triển hệ miễn dịch, trong khi vitamin D giúp hấp thu canxi, từ đó duy trì sức khỏe xương và phát triển chiều cao.

Nhiễm trùng mạn tính:

  • Trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng như tiêu chảy kéo dài hoặc viêm phổi tái diễn không chỉ tiêu hao năng lượng mà còn làm cơ thể trẻ không thể giữ lại các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển.

Môi trường sống không đảm bảo:

  • Môi trường sống không đảm bảo vệ sinh, thiếu nước sạch và điều kiện y tế kém khiến trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng đường ruột.
  • Các bệnh này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ mà còn cản trở khả năng hấp thu chất dinh dưỡng.

Yếu tố kinh tế - xã hội:

  • Trẻ em ở các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn thường không có điều kiện tiếp cận với thực phẩm đầy đủ và dịch vụ y tế.
  • Sự thiếu thốn về tài chính dẫn đến bữa ăn thiếu dưỡng chất, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Sức khỏe và dinh dưỡng của bà mẹ trong thời kỳ mang thai:

  • Sức khỏe của mẹ trước và trong thời kỳ mang thai có vai trò quan trọng trong việc xác định sức khỏe của trẻ sau khi sinh.
  • Trẻ sinh ra từ các bà mẹ thiếu dinh dưỡng hoặc mắc bệnh mạn tính có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng.
Suy dinh dưỡng thể thấp còi: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi có nhiều biểu hiện rõ rệt, cả về mặt lâm sàng và cận lâm sàng.

Thiếu kiến thức dinh dưỡng:

  • Nhiều cha mẹ không biết cách cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho trẻ trong từng giai đoạn phát triển, dẫn đến bữa ăn thiếu chất và không cân đối.
  • Điều này không chỉ làm giảm khả năng phát triển của trẻ mà còn gây ra những vấn đề khác như rối loạn tiêu hóa và thiếu vi chất dinh dưỡng.

3. Triệu chứng của suy dinh dưỡng thể thấp còi

Trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi có nhiều biểu hiện rõ rệt, cả về mặt lâm sàng và cận lâm sàng.

3.1. Triệu chứng lâm sàng

Chậm phát triển chiều cao:

  • Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để chẩn đoán suy dinh dưỡng thể thấp còi.
  • Trẻ có chiều cao thấp hơn mức trung bình theo tuổi.
  • Theo WHO, trẻ có chiều cao dưới -2 độ lệch chuẩn so với biểu đồ tăng trưởng chuẩn được coi là thấp còi. Ở mức độ nặng, chiều cao của trẻ có thể dưới -3 độ lệch chuẩn.

Da xanh xao và niêm mạc nhợt nhạt:

  • Trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi thường thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng như sắt và vitamin, dẫn đến tình trạng thiếu máu.
  • Da và niêm mạc của trẻ xanh xao, lưỡi và môi nhợt nhạt là dấu hiệu cho thấy trẻ bị thiếu máu.

Mất lớp mỡ dưới da:

  • Trẻ bị suy dinh dưỡng thường có lượng mỡ dưới da ít hoặc giảm rõ rệt. Điều này dễ quan sát ở các vùng cơ thể như bụng, cánh tay, mông và đùi.
  • Khi sờ vào cơ thể trẻ, da có thể cảm thấy khô và kém đàn hồi.

Cơ bắp kém phát triển:

  • Trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi thường có cơ bắp kém phát triển, đặc biệt ở các vùng như cánh tay, chân và bụng.
  • Cơ thể trẻ yếu ớt, gầy gò, và khối cơ rất ít, dẫn đến việc vận động khó khăn hoặc chậm biết đi, đứng, và các hoạt động vận động khác.

Chậm phát triển về trí tuệ và tâm lý:

  • Trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi có nguy cơ cao bị chậm phát triển trí tuệ, bao gồm khả năng học hỏi, khả năng tập trung, và phản ứng với các kích thích bên ngoài.
  • Trẻ có thể biểu hiện sự thiếu hứng thú trong các hoạt động học tập, vui chơi và tương tác xã hội.

Thóp đóng chậm (ở trẻ nhỏ):

  • Thóp trước của trẻ bình thường sẽ đóng hoàn toàn vào khoảng 18-24 tháng tuổi.
  • Tuy nhiên, ở trẻ suy dinh dưỡng, thóp có thể đóng muộn do tình trạng thiếu canxi và vitamin D, ảnh hưởng đến sự phát triển của xương.

Các dấu hiệu thiếu vi chất:

  • Thiếu vitamin A: Khô mắt, giảm thị lực, xuất hiện vệt Bitot (các mảng trắng ở giác mạc).
  • Thiếu canxi và vitamin D: Răng mọc chậm, thóp chậm đóng, biến dạng xương (chân vòng kiềng, cong vẹo cột sống).
  • Thiếu kẽm: Chậm lành vết thương, viêm da, rụng tóc.

3.2. Triệu chứng cận lâm sàng

Trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi có thể được phát hiện qua các xét nghiệm cận lâm sàng như:

  • Lượng hemoglobin (Hb) và hồng cầu (RBC) thường giảm. Trẻ thiếu sắt có thể có Hb dưới 10g/dL.
  • Nồng độ sắt huyết thanh thấp.
  • Giảm albumin huyết thanh
  • Giảm nồng độ kẽm và vitamin D

4. Suy dinh dưỡng thể thấp còi có lây nhiễm không?

Suy dinh dưỡng thể thấp còi không phải là bệnh lây nhiễm.

Suy dinh dưỡng thể thấp còi: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 3.

Suy dinh dưỡng thể thấp còi là bệnh không lây nhiễm.

5. Điều trị suy dinh dưỡng thể thấp còi

Việc điều trị suy dinh dưỡng thể thấp còi cần kết hợp:

Cải thiện chế độ dinh dưỡng:

  • Đối với trẻ dưới 2 tuổi: Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, từ tháng thứ 7 cần cho trẻ ăn bổ sung và đủ số bữa mỗi ngày.
  • Trẻ 1-2 tuổi ngoài bú mẹ cần ăn thêm 4 bữa/ ngày, nếu không có sữa mẹ thì mỗi ngày phải uống từ 400-500 ml sữa bổ sung.
  • Đối với giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì, chế độ dinh dưỡng phải được điều chỉnh để bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho trẻ.
  • Protein có trong thịt, cá, trứng, đậu nành và các sản phẩm từ sữa, giúp trẻ phát triển cơ bắp và tăng trưởng.
  • Sắt có trong các loại thịt đỏ, gan, rau xanh đậm và các loại đậu.
  • Kẽm có trong hải sản, thịt, ngũ cốc nguyên cám và các loại hạt.
  • Vitamin A, D có trong dầu cá, sữa, trứng, và các loại rau củ màu cam như cà rốt, bí ngô.

Điều trị bệnh nhiễm trùng:

  • Các bệnh như tiêu chảy kéo dài, viêm phổi, và nhiễm trùng đường hô hấp đều làm giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng của trẻ, do đó cần điều trị kịp thời và dứt điểm.

Tư vấn dinh dưỡng và theo dõi chăm sóc y tế:

  • Cha mẹ hay người chăm sóc trẻ nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế định kỳ để theo dõi tình trạng phát triển.
  • Các chuyên gia dinh dưỡng sẽ đưa ra các chỉ dẫn cụ thể về chế độ ăn uống và cách chăm sóc nhằm tối ưu hóa sự phát triển của trẻ.

Bổ sung vi chất:

  • Trong nhiều trường hợp, trẻ có thể cần bổ sung vi chất dinh dưỡng như sắt, kẽm, vitamin A, D dưới dạng thực phẩm chức năng để đảm bảo trẻ nhận đủ lượng dinh dưỡng cần thiết.

6. Cách phòng bệnh suy dinh dưỡng thể thấp còi

Phòng bệnh suy dinh dưỡng thể thấp còi cần:

  • Dựa trên việc chăm sóc dinh dưỡng hợp lý và đảm bảo trẻ có điều kiện sống lành mạnh.
  • Quản lý tốt thai nghén và chăm sóc đầy đủ bà mẹ sau sinh.
  • Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài ít nhất 12 tháng.
  • Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, cha mẹ cần đảm bảo bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu như protein, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất.
  • Tiêm chủng giúp phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, tiêu chảy – những bệnh có thể gây suy dinh dưỡng nếu không được điều trị kịp thời
  • Giữ vệ sinh sạch sẽ, cung cấp nước uống an toàn và xử lý phân đúng cách giúp ngăn ngừa nhiễm trùng, qua đó giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ và phòng tránh nguy cơ suy dinh dưỡng.
4 ảnh hưởng của suy dinh dưỡng đến trẻ cha mẹ cần biết4 ảnh hưởng của suy dinh dưỡng đến trẻ cha mẹ cần biết

SKĐS - Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt năng lượng và các chất dinh dưỡng làm ảnh hưởng đến quá trình sống, hoạt động và tăng trưởng bình thường của cơ thể trẻ.





TS.BS Nguyễn Hữu Châu Đức
Giảng viên chính Bộ Môn Nhi, Trường Đaị học Y - Dược, Đại học Huế
Ý kiến của bạn