Suy buồng trứng sớm là một trong những nguyên nhân gây hiếm muộn ở nữ giới. Về lâu dài bệnh lý này sẽ ảnh hưởng cả về chất lẫn tinh thần cho người phụ nữ.
Thế nào là suy buồng trứng sớm?
Suy buồng trứng sớm là tình trạng ngừng hoạt động chức năng buồng trứng ở những phụ nữ sau tuổi dậy thì và trước tuổi 40, biểu hiện thường thấy là bất thường về chu kỳ kinh như thiểu kinh hoặc không có kinh kéo theo giảm khả năng sinh sản.
Phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh tự nhiên hiếm khi còn thấy kinh trở lại, nhưng người phụ nữ bị suy buồng trứng sớm có thể hành kinh trở lại dù không đều. Người mãn kinh tự nhiên không thể có thai nhưng trong một vài trường hợp suy buồng trứng sớm vẫn có thể mang thai.
Nhận biết tình trạng này?
Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh là kinh nguyệt không đều. Đôi khi không chú ý đến hiện tượng này và cho rằng đó là do stress. Một số phụ nữ bị suy buồng trứng sớm có những triệu chứng khác tương tự mãn kinh tự nhiên, bao gồm cơn bốc hỏa, vã mồ hôi về đêm, dễ kích động, khó tập trung tư tưởng, ít quan tâm đến tình dục, đau khi quan hệ tình dục, âm đạo khô, mất khả năng sinh sản, rối loạn tiết niệu (tiểu nhiều lần, són tiểu...).
Bệnh suy buồng trứng sớm do nồng độ hoóc môn giảm nên bệnh nhân có thể mắc một số bệnh như: stress, loãng xương, suy tuyến giáp, bệnh tim (do những thay đổi về nội tiết tố dẫn đến tăng nguy cơ phát triển bệnh tim sau này),….ảnh hưởng đến sức khỏe của người phụ nữ. Vào giai đoạn muộn, nhiều người còn bị hạ huyết áp và sạm da… Nếu không phát hiện bệnh kịp thời, khi xảy ra sự cố cần phẫu thuật, bệnh nhân dễ rơi vào tình trạng nguy hiểm.
Các phương pháp điều trị
Hiện vẫn chưa có phương pháp phục hồi chức năng hoạt động bình thường của buồng trứng trong điều trị suy buồng trứng sớm mà chỉ có thể điều trị một số triệu chứng bệnh. Sau khi các bác sĩ chuẩn đoán và làm một số xét nghiệm, tùy từng trường hợp để đưa ra phương pháp điều trị hoocmon thay thế (HRT) hay điều trị hiếm muộn.
Với điều trị hocmon thay thế: Nhằm giảm bớt các triệu chứng giống như hội chứng mãn kinh; rối loạn vận mạch, rối loạn chức năng tình dục, các vấn đề về da, tâm trạng, thể chất mệt mỏi… và ngăn ngừa hệ quả của sự thiếu hụt estrogen như tình trạng loãng xương.
Với điều trị hiếm muộn: Có rất nhiều phương pháp điều trị được thực hiện nhằm phục hồi chức năng của buồng trứng như dùng corticosteroid, oestradiol, clomiphene citrate, …
Tuy nhiên, cũng có khoảng 5-10% số bệnh nhân mang thai mà không cần điều trị. Những người khác muốn có thai cần áp dụng phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm: Lấy trứng của phụ nữ khác cho kết hợp với tinh trùng của chồng rồi đặt vào tử cung bệnh nhân.
Bác sĩ Lê Thị Châu