Vàng da, một triệu chứng quan sát được, có thể là một dấu hiệu của ung thư đường mật hoặc các bệnh lý lành tính khác như sỏi mật, xơ gan, viêm gan,... Vì vậy, khi có biểu hiện vàng da, sụt cân cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Vàng da cảnh giác với ung thư đường mật
Bệnh nhân N.Q.A (56 tuổi) đau âm ỉ hạ sườn phải liên tục nhiều ngày kèm vàng da, nước tiểu sẫm, phân bạc màu... Bệnh nhân vào Bệnh viện Bạch Mai khám, các bác sĩ phát hiện ung thư đường mật di căn gan.
Theo lời kể của bệnh nhân, 4 tháng trước khi nhập viện bệnh nhân xuất hiện triệu chứng bất thường: đau bụng hạ sườn phải, âm ỉ, liên tục, tăng dần, không lan, kèm vàng mắt, vàng da, không nôn, không buồn nôn, nước tiểu sẫm màu, phân bạc màu, gầy sụt 3kg/ tháng.
Bệnh nhân khám tại bệnh viện Bạch Mai được chẩn đoán tắc mật do u phần thấp ống mật chủ, được phẫu thuật nội soi cắt khối tá tụy, nối mật ruột tại khoa Phẫu thuật tiêu hóa gan mật tụy. Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu điều trị.
Sau đó kết quả giải phẫu bệnh nhân ung thư đường mật, xâm lấn tụy, tá tràng, tổn thương ở gan do di căn gan. Sau 6 chu kỳ truyền tĩnh mạch, hóa chất, bệnh nhân đáp ứng tốt, các chất chỉ điểm khối u đã giảm về mức bình thường, phim CT không còn khối u ở gan và ổ bụng.
Ung thư đường mật do đâu?
Ung thư đường mật do nhiều nguyên nhân trong đó hay gặp là nhiễm trùng mạn tính, nhiễm ký sinh trùng, tiếp xúc các hóa chất dùng trong công nghiệp cao su, có nang đường mật, xơ gan bẩm sinh, viêm đường mật xơ hóa nguyên phát, viêm loét đại tràng là các yếu tố thuận lợi đối với ung thư đường mật. Ung thư đường mật trên bệnh nhân viêm loét đại tràng có khuynh hướng diễn tiến trầm trọng hơn.
Các triệu chứng thường gặp là vàng da, xuất hiện ở khoảng 90% các trường hợp. U vùng ống gan chung có triệu chứng sớm hơn khối u các ống gan phải và trái.
Đau bụng xuất hiện ở 30-50% bệnh nhân đôi khi bệnh nhân vào viện vì sốt nhiễm trùng đường mật. Các triệu chứng khác có thể gặp như: ngứa toàn thân, thiếu máu, chán ăn sụt cân. Trong các trường hợp muộn, người bệnh có xuất hiện báng bụng (có dịch trong bụng).
Hiện khó phát hiện sớm ung thư đường mật. Các kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP), chụp đường mật xuyên gan qua da (PTC) và siêu âm qua nội soi (EUS) giúp phát hiện bệnh, nhất là khi cần xác định bản chất mô học của u.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ sinh thiết để xác định bản chất mô học của tế bào khối u, đưa ra phác đồ điều trị chính xác nhất.
Phòng bệnh ung thư đường mật
Không thể dự phòng hoàn toàn bệnh ung thư đường mật, chúng ta chỉ có thể tránh các yếu tố thuận lợi của ung thư đường mật: tránh tiếp xúc hóa chất độc hại, điều trị các bệnh nhiễm trùng mạn tính, bệnh ký sinh trùng như giun sán, bệnh sỏi mật, các bệnh đường mật khác (nang đường mật, xơ gan, viêm đường mật xơ hóa…), bệnh viêm loét đại tràng.
Mọi người nên khám sức khỏe định kỳ hằng năm, nhóm nguy cơ cao như tuổi trên 50, hút thuốc lá nhiều năm, người làm việc trong môi trường tiếp xúc với hóa chất độc hại, các chất phóng xạ hoặc trong gia đình có nhiều người mắc ung thư... cần khám sức khỏe định kỳ để phòng ngừa bệnh.
Trong các trường hợp xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ như: đau vùng bụng trên bên phải, tiểu vàng sậm, vàng da, vàng mắt... nên đến ngay các trung tâm y tế để phát hiện bệnh sớm trong giai đoạn còn phẫu thuật triệt để.