Sụt cân có phải mắc ung thư không?

26-04-2023 16:00 | Ung thư
google news

SKĐS - Rất nhiều người cảm thấy lo lắng bản thân mắc bệnh ung thư khi bỗng dưng sụt cân nhiều mà mọi chế độ sinh hoạt, ăn uống, tập thể dục vẫn bình thường. Liệu có phải sụt cân là mắc ung thư không?

Tình trạng sụt cân là khi trọng lượng cơ thể giảm ít nhất 5% so với tổng cân nặng trong vòng 6 đến 12 tháng mà không có bất kỳ lý do thay đổi nào trong sinh hoạt, chế độ ăn. Mặc dù không chắc đã mắc ung thư nhưng tình trạng sụt cân ở một cơ thể khỏe mạnh hoàn toàn bình thường trước đó có thể tiềm ẩn nhiều vấn đề sức khỏe.

Nguyên nhân của sụt cân

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt cân, có thể lý do rất đơn giản là do sự thay đổi môi trường sống hoặc căng thẳng quá mức, thường không nghiêm trọng và có thể cải thiện trong thời gian ngắn. Nhưng biểu hiện sụt cân cũng rất có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý cần được thăm khám ngay.

Dưới đây là nguyên nhân chính gây sụt cân

Những bệnh lý điển hình có thể dẫn đến tình trạng sụt cân nhanh và bất thường như:

- Sụt cân do bệnh ác tính như ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư trực tràng, ung thư tá tràng, ung thư phổi, lymphoma, ung thư thận, ung thư tiền liệt tuyến,…

- Sụt cân do bệnh lý tiêu hóa lành tính như loét dạ dày – tá tràng, bệnh celiac, bệnh viêm ruột,…

- Sụt cân do bệnh rối loạn tâm thần, đặc biệt là trầm cảm, các rối loạn liên quan ăn uống,…

- Sụt cân do bệnh nội tiết như cường giáp, đái tháo đường, suy thượng thận,…

Theo nghiên cứu sụt cân ở các bệnh lý ung thư chiếm 15 – 37%, sụt cân ở rối loạn tiêu hóa chiếm 10 – 20% và sụt cân ở rối loạn tâm thần chiếm 10 – 23%..... Tuy nhiên, có khoảng 25% trường hợp sụt cân không rõ nguyên nhân. Người ta cũng tìm thấy một số thuốc và các sản phẩm thảo dược có thể gây sụt cân bất thường, bao gồm: Lạm dụng chất gây nghiện như rượu, amphetamines, cocaine, opioid, thuốc lá,…

Ngưng thuốc sau khi sử dụng cần sa kéo dài hoặc các thuốc hướng tâm thần liều cao cũng có thể sụt cân. Loại thảo dược hoặc các thuốc không kê đơn như 5 hydroxytryptophan, nha đam, caffeine, cascara, chitosan, crôm, bồ công anh, cây ma hoàng, thảo dược lợi tiểu…cũng có thể khiến sụt cân.

Sụt cân có phải mắc ung thư không? - Ảnh 1.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt cân, có thể do sự thay đổi môi trường sống hoặc căng thẳng quá mức thậm chí mắc ung thư.

Vậy sụt cân như nào cần phải lo lắng?

Khi sụt cân không quá lo sợ hãy tìm xem các nguyên nhân, thói quen có thay đổi gì không dẫn đến tình trạng sụt cân. Hoặc người bệnh cần tìm xem ngoài sụt cân có kèm theo các biểu hiện nào khác không? Cụ thể.

- Sụt cân kèm theo người mệt mỏi:

Rất có thể do nguyên nhân gây ra bởi các bệnh lý như suy thượng thận, ung thư, bệnh thận mạn tính, trầm cảm, nhiễm trùng, viêm động mạch tế bào khổng lồ, hội chứng thận hư, bệnh u hạt.

- Sụt cân kèm theo sốt, ra mồ hôi trộm về đêm:

Rất có thể do nguyên nhân gây ra bởi các bệnh lý như ung thư, nhiễm trùng, viêm động mạch tế bào khổng lồ.

- Sụt cân kèm theo xuất hiện hạch bạch huyết:

Rất có thể do nguyên nhân gây ra bởi các bệnh lý như nhiễm trùng, ung thư, bệnh u hạt.

- Sụt cân kèm theo đau bụng mạn tính:

Rất có thể do bệnh ung thư đại – trực tràng.

- Sụt cân kèm theo ho, khó thở, ho máu:

Rất có thể do nguyên nhân gây ra bởi các bệnh lý như ung thư phổi, lao, bệnh u hạt, nấm phổi, nhiễm HIV / AIDS.

- Sụt cân kèm theo tiểu ra máu:

Rất có thể do bệnh ung thư thận hoặc ung thư tuyến tiền liệt.

- Sụt cân kèm theo sợ nóng, run tay, lo lâu, vã mồ hôi:

Rất có thể bạn đã mắc bệnh lý cường giáp.

Sụt cân có phải mắc ung thư không? - Ảnh 2.

Sụt cân có kèm theo các biểu hiện mệt mỏi, mất ngủ, đau đầu... cần tới cơ sở y tế để được thăm khám.


- Sụt cân kèm theo khát nước quá mức và đi tiểu nhiều:

Rất có thể do bệnh đái tháo đường.

- Sụt cân kèm theo đau xương (không liên quan đến hoạt động, đau chủ yếu về ban đêm):

Rất có thể do bệnh lý ung thư như đa u tủy xương, di căn xương từ ung thư vú, tuyến tiền liệt hoặc ung thư phổi.

- Sụt cân kèm theo đau đầu hoặc các triệu chứng thị giác và đau cơ ở người lớn tuổi:

Rất có thể do bệnh viêm động mạch tế bào khổng lồ.

- Sụt cân kèm theo đau khớp:

Rất có thể do bệnh viêm nội tâm mạc, viêm động mạch tế bào khổng lồ.

- Sụt cân kèm theo đau bụng, mệt mỏi, chóng mặt khi thay đổi tư thế:

Rất có thể do bệnh suy thượng thận. Nếu chỉ có biểu hiện sụt cân và kèm theo đau bụng: Rất có thể do tình trạng thiếu máu, bệnh đái tháo đường, nhiễm giun sán.

- Sụt cân kèm theo phù:

Rất có thể do bệnh thận mạn, hội chứng thận hư.

- Sụt cân kèm theo rối loạn giấc ngủ, giảm ham muốn tình dục, buồn bã:

Rất có thể do tình trạng trầm cảm.

Tóm lại: Sụt cân có rất nhiều nguyên nhân không phải có mỗi nguyên nhân ung thư vì vậy, khi có biểu hiện sụt cân không quá hoang mang mà cần xem xét lối sống, sinh hoạt, chế độ ăn, tập luyện thế nào? Trường hợp không tìm ra lý do tốt nhất đến cơ sở y tế để được thăm khám. Không nên tự uống thực phẩm chức năng tăng cân hoặc dùng thuốc theo mách bảo.

Việc điều trị sụt cân sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng sức khỏe khác nhau ở mỗi bệnh nhân. Các phương pháp điều trị nhằm cải thiện các triệu chứng, kiểm soát biến chứng và điều trị các nguyên nhân cơ bản gây bệnh. Trong một số trường hợp, người bệnh cần thăm khám nhiều lần mới tìm ra được nguyên nhân gây bệnh.

Kể cả sụt cân do nguyên nhân ung thư, thì phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, vị trí ung thư, tình trạng sức khỏe và độ tuổi. Ung thư giai đoạn tiến triển, khó để điều trị bác sĩ có thể giúp người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống bằng cách thực hiện các thủ thuật làm giảm nhẹ triệu chứng.

Mời độc giả xem thêm video:

Sụt cân bất thường có phải do ung thư? | SKĐS


BS CKII. Nguyễn Văn Hòa
Ý kiến của bạn