Super League sau 48 giờ ra đời đã có nguy cơ sụp đổ

22-04-2021 06:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Chính quyền Anh không giấu diếm mục đích sử dụng tất cả biện pháp để ngăn 6 CLB hùng mạnh nhất của Ngoại hạng Anh trở thành một phần của giải đấu này.

Bóng đá châu Âu trải qua một sự kiện khó quên với hàng loạt biến cố xảy ra xung quanh Super League. Trong vòng có 48 giờ đồng hồ sau quyết định chính thức được công bố với toàn thế giới thành lập European Super League đầy tranh cãi và tuyên bố đanh thép của chủ tịch Florentino Perez (Real Madrid), bóng đá châu Âu lại chứng kiến những biến cố khó lường nữa. Chỉ trong ít giờ đồng hồ, các đội bóng Anh lần lượt tuyên bố rời khỏi Super League.

Sức ép khủng khiếp từ dư luận và chính quyền khiến các CLB Anh phải nhượng bộ, không tiếp tục tham gia Super League. Rạng sáng 21/4 theo giờ Anh, lần lượt 6 CLB Anh, gồm Manchester United, Manchester City, Chelsea, Arsenal, Liverpool và Tottenham đã tuyên bố rời Super League, chỉ 2 ngày sau khi ý tưởng thành lập giải đấu được tuyên bố trước toàn thế giới.

Theo Sky Sports, sức ép khủng khiếp từ dư luận, với những cuộc biểu tình của người hâm mộ, chỉ trích đến từ HLV, cựu cầu thủ, quan chức bóng đá,... khiến các CLB đổi ý. Trong bản thông cáo chính thức, ban điều hành Super League cũng thừa nhận các CLB Anh bị "ép buộc rời Super League bởi các áp lực từ bên ngoài". Một trong những người gây sức ép mạnh nhất lên Super League là Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson. Lãnh đạo nước Anh hứa rằng chính phủ sẽ xem xét sử dụng "quả bom lập pháp" để ngăn các CLB Anh tham gia Super League. Sau tuyên bố của Johnson, các nỗ lực chính thức để ngăn cản kế hoạch này được đẩy mạnh. Thủ tướng Boris Johnson đã khẳng định: "Chúng ta cần kích nổ quả bom lập pháp để ngăn chặn ngay lập tức". Các kế hoạch lập pháp cũng dễ dàng được quốc hội thông qua. "Nếu chính phủ quyết tâm làm điều gì đó, chúng tôi sẽ hỗ trợ họ. Quốc hội không cấm hành động nếu cần hành động". Đầu tiên là CLB Chelsea, rồi sau đó là Man City, Arsenal, Liverpool, Man Utd, Tottenham đồng loạt “quay xe” đã để lại một tổn thất lực lượng nặng nề cho nhóm tinh hoa European Super League (ESL) dưới lá cờ dẫn dắt của Real. Có thể nói, cuộc “cách mạng” của 12 đội bóng hàng đầu châu Âu đã thất bại quá sớm sau chỉ vài ngày ồn ào.

Thủ tướng Johnson phản đối kế hoạch Super League

Rất nhiều CĐV phản đối Super League trở thành hiện thực

Thực tế, khi thông cáo thành lập ESL được tung ra, đã có không ít nhận định của những người yêu bóng đá cho rằng chẳng qua đó cũng chỉ là động thái hù doạ để đưa UEFA vào bàn đàm phán và nhượng bộ mà thôi. Nhận định này có khả năng chuẩn xác cao nếu như 6 CLB hàng đầu Premier League không “quay xe” quá sớm. Sau đó Atletico Madrid cũng đã xin dừng cuộc chơi, đến lượt hai đại diện thành Milan đưa ra thông điệp rời giải. Áp lực từ truyền thông, UEFA, giới mộ điệu cùng việc hàng loạt đội bóng Anh rời giải khiến Milan và Inter không thể tiếp tục, dù rất hào hứng với kế hoạch của Super League. "Chúng tôi đã nhận lời tham gia vào dự án Super League với mục đích thực sự là mang đến giải đấu tốt nhất có thể cho người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới và vì lợi ích tốt nhất của CLB cũng như người hâm mộ của chúng tôi. Thay đổi không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng sự tiến hóa là cần thiết để tiến bộ và cấu trúc của bóng đá châu Âu đã phát triển và thay đổi trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, tiếng nói và mối quan tâm của người hâm mộ trên toàn thế giới về Super League đã được bày tỏ rõ ràng. AC Milan phải nhạy cảm với điều này. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc chăm chỉ để mang đến một mô hình bóng đá bền vững" hai đội bóng thành Milan cho biết. Còn Andrea Agnelli, Chủ tịch Juventus, cũng là một trong những người hào hứng nhất với dự án Super League, khẳng định giải đấu "không có khả năng được tổ chức". Dù vậy, Juventus vẫn chưa đưa ra thông điệp rời giải đấu. Con số 3 đội bóng sót lại Super League khiến giải đấu đang ở rất gần bờ vực hủy bỏ, chỉ 2 ngày sau khi kế hoạch tổ chức được công bố với toàn thế giới.

Cơ bản, hãy nhìn vào thực tế bóng đá để thừa nhận sự vùng lên của các CLB sáng lập ESL là đúng đắn. Doanh số bóng đá vẫn tăng nhưng phần nhận về của các CLB thực sự không đáp ứng được phần chi phí mà họ bỏ ra đầu tư cho đội bóng mỗi mùa giải. Có thể nhìn nhận thế này để hiểu câu chuyện mạch lạc hơn. Sự độc quyền của FIFA trên toàn cầu và UEFA ở châu Âu không khác gì một kẻ cai trị độc tài, nhất nguyên và lạm quyền. Họ được coi là một thế lực cai trị và các CLB là các “công dân” trong vương quốc bóng đá vĩ đại ấy.

Không có cuộc cách mạng nào có thể thành công nếu không có sự ủng hộ của quần chúng cả. Song, dù gì đi nữa, cuộc cách mạng mang tên ESL này chắc chắn sẽ là tiền đề cho những “khởi nghĩa” có toan tính kỹ lưỡng sau này. Bản thân UEFA không thể chủ quan với thắng lợi ban đầu của hôm nay. Nếu họ không thay đổi, các cuộc cách mạng bóng đá về sau sẽ có tác động mà kết cục của nó là khôn lường hơn, bởi chúng được đúc rút từ kinh nghiệm xương máu của nhóm Florentino Perez.


Trung Thành-Quang Minh
Ý kiến của bạn