Hà Nội

Sụp mí kèm khó chịu mắt thường xuyên: Có thể bạn mắc Hội chứng nhẽo mi

TS.BS Hoàng Cương

TS.BS Hoàng Cương

23-04-2022 09:30 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS- Hội chứng nhẽo mi là một bệnh ở mắt thường gặp nhưng lại dễ bị bỏ qua. Đáng chú ý là bệnh có liên quan tới các bệnh toàn thân khác.

Sụp mi mắt: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách khắc phụcSụp mi mắt: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách khắc phục

SKĐS - Sụp mi mắt là tình trạng bờ mi trên và da mi mắt bị sa xuống hay sụp xuống. Mi mắt là một bộ phận quan trọng trong việc bảo vệ hệ thị giác và tham gia tạo nên vẻ đẹp của khuôn mặt chính vì vậy hiểu biết về căn bệnh này là vô cùng quan trọng.

Mi mắt trên bị xệ kèm theo viêm kết mạc nhú mạn tính và các vấn đề khác ở mắt gây khó chịu có thể là các dấu hiệu của Hội chứng FES ( Floppy eyelid syndrome)- Hội chứng nhẽo mi.

1. Tổng quan về Hội chứng nhẽo mi

Hội chứng nhẽo mi (FES) đặc trưng bởi mi mắt phía trên dễ bị xệ do sự lỏng lẻo của bản sụn bên dưới và phản ứng viêm kết mạc nhú mãn tính thường đi kèm.

Mặc dù FES đang được ghi nhận thường xuyên hơn do trình độ ngày càng cao của các bác sĩ nhưng nó vẫn thường bị bỏ qua cho đến khi nhiều phương án điều trị bảo tồn bị thất bại. Đáng lưu ý, FES là một trong các bệnh lý bề mặt nhãn cầu có liên quan đến các bệnh toàn thân, ví như chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) và bệnh giác mạc hình chóp.

Tỷ lệ mắc FES ở người trưởng thành nằm trong khoảng từ 3,8- 15,8% (con số thống kê này có khả năng thấp hơn thực tế). Ban đầu, FES được ghi nhận thường gặp ở nam giới béo phì từ 45- 55 tuổi. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây đã cho thấy FES gặp ở các nhóm dân số không béo phì, gồm cả phụ nữ và nam giới ở mọi lứa tuổi.

Sụp mí kèm khó chịu mắt thường xuyên: Có thể bạn mắc Hội chứng nhẽo mi - Ảnh 3.

Hội chứng nhẽo mi: mi trên dễ dàng bị lộn ra chỉ bằng động tác kéo căng góc ngoài nhẹ nhàng


2. Nguyên nhân, sinh lý bệnh

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của hội chứng nhẽo mi còn nhiều tranh luận và chưa được chỉ ra chính xác. Tuy nhiên, người ta thấy có những yếu tố liên quan đến sự hình thành của tình trạng bệnh lý này như mức độ giảm của các sợi đàn hồi trưởng thành trong bản sụn và da mi mắt ở những bệnh nhân bị FES; những sang chấn cơ học trường diễn ( ví dụ như chấn thương giác mạc do dụi mắt quá mức, các hành vi khi ngủ của những người mắc chứng khó thở khi ngủ); tình trạng thiếu máu cục bộ và tái tưới máu (có thể là kết quả của tư thế nằm nghiêng hoặc ngủ nghiêng cũng như tình trạng thiếu oxy không liên tục do OSA).

3. Biểu hiện, triệu chứng của Hội chứng nhẽo mi

FES đặc trưng bởi mí mắt lỏng lẻo theo chiều ngang có thể dễ dàng lật ra với lực kéo sang bên tối thiểu và không có độ rắn chắc của sụn mi. Sự lật ngược thường xuyên của mi dẫn đến phản ứng kết mạc nhú mạn tính. Ngoài ra, bệnh nhân có thể xuất hiện tình trạng mi chờm lên giác mạc nhiều quá hoặc sụp mi.

- Dấu hiệu thường gặp nhất: Đỏ mắt, sợ sáng và cảm giác có dị vật. Xuất tiết dạng nhầy cũng khá phổ biến. Các triệu chứng thường kéo dài trong nhiều năm và nặng nhất vào buổi sáng khi thức dậy. Bên bị ảnh hưởng thường là bên mà bệnh nhân nằm nghiêng sang.

- Một số khó chịu khác bao gồm: Viêm bờ mi, quặm và lật mi, sụp mi. Sụp mi có liên quan chặt chẽ với FES và là dấu hiệu ngay lập tức cần phải nghi ngờ đến Hội chứng nhẽo mi khi gặp các bệnh nhân có dấu hiệu này. Một tỷ lệ đáng kể bệnh nhân FES có những triệu chứng liên quan đến giác mạc, bao gồm bệnh lý giác mạc do hở mi và giác mạc hình chóp. Cuối cùng, FES có liên quan đến béo phì (có chỉ số khối cơ thể- BMI cao) cùng với chứng OSA.

Sụp mí kèm khó chịu mắt thường xuyên: Có thể bạn mắc Hội chứng nhẽo mi - Ảnh 4.

Viêm bờ mi, đỏ mắt ... trong hội chứng nhẽo mi

4. Những rối loạn kèm theo Hội chứng nhẽo mi

- Khó thở khi ngủ (OSA)

Một số nghiên cứu đã báo cáo gần như 100% bệnh nhân có OSA bị FES, trong khi các tác giả khác đưa ra các ước tính thận trọng hơn. Tuy nhiên, tất cả các tài liệu đều tìm thấy mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa FES và OSA. Mối liên quan này vẫn tồn tại ngay cả khi béo phì đã được kiểm soát.

- Giác mạc hình chóp

Mối liên quan giữa FES và giác mạc hình chóp đã được ghi nhận. Báo cáo lần đầu tiên trong một nghiên cứu dọc theo thời gian, cho thấy trong khoảng thời gian 10 năm, 18% bệnh nhân FES đã phát triển giác mạc hình chóp trên lâm sàng hoặc cận lâm sàng ở mắt bên họ ngủ nghiêng thường xuyên nhất.

Sau đó, các nghiên cứu bệnh chứng cũng cho thấy tỷ lệ mắc giác mạc hình chóp tăng lên đáng kể ở bệnh nhân FES. Điều thú vị là bệnh giác mạc hình chóp được phát hiện có tăng lượng biến thể elastin, oxytalan. Mức độ gia tăng của biến thể này cũng được tìm thấy trong các mẫu mô mi mắt của bệnh nhân FES.

5. Chẩn đoán Hội chứng nhẽo mi

Chẩn đoán FES thường dựa trên khám lâm sàng cho thấy mi mắt dễ bị lật ra với lực kéo sang bên, cùng với viêm kết mạc nhú. Hội chứng nhẽo mi nên được nghĩ tới nếu các triệu chứng đã mạn tính, tái phát hoặc kháng trị với các phác đồ thận trọng. Nghi ngờ tăng cao ở những bệnh nhân mắc các bệnh kèm theo như OSA.

Những bệnh nhân bị kích ứng bề mặt mắt mạn tính nên được kiểm tra độ lỏng chặt của mi mắt, thêm các đánh giá nhãn khoa toàn diện.

Những bệnh nhân được chẩn đoán mắc FES cần tiến hành điều tra thêm về các bệnh lý kèm theo. Khám tổng quát bao gồm kiểm tra đèn khe để đánh giá giác mạc hình chóp cũng như viêm kết mạc nhú. Mặc dù các khám nghiệm bổ sung là không cần thiết nhưng các phát hiện về biến dạng mi, sai lạc về vị trí mi hoặc sụp mi có thể hỗ trợ mạnh mẽ cho chẩn đoán.

6. Điều trị và theo dõi bệnh nhân FES

- Các biện pháp bảo tồn:

Ban đầu nên tập trung vào việc thiết lập lại vị trí mi mắt thích hợp và ngăn ngừa tiếp xúc giác mạc. Các biện pháp bao gồm sử dụng các chất bôi trơn tại chỗ, ngoài ra là mang tấm che mắt hoặc kính bảo tồn độ ẩm trong khi ngủ. Dán mi cũng đã được sử dụng như một biện pháp để ngăn chặn sự lật ngược của mi.

Tuy nhiên, các liệu pháp bảo tồn cục bộ như vậy thường không có hiệu quả. Đối với những bệnh nhân mắc chứng ngưng thở khi ngủ (OSA) do tắc nghẽn, sử dụng thiết bị áp suất không khí dương liên tục (CPAP) đồng thời với giảm cân có thể cải thiện đáng kể cả OSA và các triệu chứng ở mắt. Chẩn đoán OSA chính thức nên được chuyển đến bác sĩ nội khoa hoặc chuyên gia về giấc ngủ để đánh giá thêm.

- Các biện pháp phẫu thuật:

Nếu các triệu chứng vẫn tồn tại sau các biện pháp trên, can thiệp phẫu thuật sẽ khá hiệu quả. Các phẫu thuật tập trung vào việc nhắm chặt mi trên để ngăn chặn việc mi bị lật lặp đi lặp lại. Các kỹ thuật bao gồm làm chặt theo chiều ngang thông qua thủ thuật can thiệp vào sụn mi góc ngoài, gấp sụn mi góc ngoài hoặc góc trong, cắt sụn mi toàn bộ chiều dầy. Tất cả các phương pháp phẫu thuật đã được chứng minh là cải thiện triệu chứng cũng như giảm viêm kết mạc.

Tóm lại, Hội chứng nhẽo mi chưa được quan tâm nhiều ở những bệnh nhân có các chứng khó chịu mạn tính ở mắt và có thể biểu hiện ở nhiều hình thái lâm sàng khác nhau. FES nên được xem xét ở những bệnh nhân có các triệu chứng viêm, sai lệch vị trí mi, nhão mi, không đáp ứng được các biện pháp điều trị bảo tồn. Sinh lý bệnh của FES nhắc đến sự kết hợp của chấn thương cơ học lặp đi lặp lại cùng với thiếu máu cục bộ cục bộ và tái tưới máu. FES được chẩn đoán trên lâm sàng và nghi ngờ sẽ được đổ dồn cho những bệnh nhân bị OSA, sụp mi và sa mi và một vài bệnh lý mắt liên quan khác. Cần cố gắng xử trí thận trọng nhưng điều trị bằng phẫu thuật thường dứt điểm. Trong số các biện pháp can thiệp phẫu thuật, thủ thuật tạo dải sụn phía ngoài sau hoặc cắt bỏ sụn hình chêm là những lựa chọn khả thi.

Mời xem video được quan tâm:

Kéo dài tuổi thọ, trẻ lâu nhờ lối sống lành mạnh (3)



TS.BS. Hoàng Cương
Ý kiến của bạn