Suốt 7 tháng không nói được sau mắc COVID-19

17-05-2022 14:32 |
google news

SKĐS - Sau quá trình điều trị COVID-19, người phụ nữ 62 tuổi không thể nói được trong vòng 7 tháng, phải hút đàm 2-3 lần/ ngày.

Theo thông tin từ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), bệnh viện vừa thực hiện ca phẫu thuật nối đoạn hẹp thực quản, tháo bỏ canule (ống thông nhựa hỗ trợ hô hấp) thành công cho bà N.T.U.E (62 tuổi, ngụ tại quận 8, TP.HCM) từng bị nhiễm COVID-19 nặng vào tháng 11/2021.

Tháng 11/2021, bà E được xác định đã nhiễm COVID-19 và phải nhập bệnh viện dã chiến trong tình trạng suy hô hấp, hôn mê, phải tiến hành đặt nội khí quản và thở máy kéo dài. Sau đó, bệnh nhân được mở khí quản và cai máy thở.

Suốt 7 tháng không nói được sau mắc COVID-19 - Ảnh 1.

Bệnh nhân đang dần hồi phục và có thể hô hấp, nói chuyện bình thường sau phẫu thuật

Sau quá trình điều trị COVID-19, bà E vẫn phải đeo Canule mở khí quản ở cổ trong thời gian dài. Việc đeo canule thời gian dài sẽ gây kích thích đờm nhớt trong phổi. Sau nhiều lần rút canule thất bại, bệnh nhân không thể nói được và phải hút dịch đờm từ 2-3 lần mỗi ngày trong vòng 7 tháng.

Theo PGS Lâm Huyền Trân - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương chia sẻ: "Đây là trường hợp hẹp khí quản sau đặt nội khí quản dài ngày. Sẹo hẹp nặng gây bít hoàn toàn lòng khí quản một đoạn dài 5-6cm như cái nút chai bám chặt vào đường thở. Bệnh nhân không thở được phải lệ thuộc vào canule mở khí quản. Nếu không phẫu thuật rút ống canule ra, bệnh nhân có thể phải đeo chúng suốt đời.

ThS.BS Ngô Thế Hải - Phó trưởng khoa Tai Mũi Họng của bệnh viện cho biết: "Bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật cắt đoạn sẹo hẹp, nối khí quản, giúp đường thở thông thoáng. Bệnh nhân lớn tuổi, mắc bệnh đái tháo đường, bị hẹp khí quản và đeo canule trong thời gian dài khiến cho vết thương khó lành hơn người bình thường. Tuy nhiên, hậu phẫu vết thương lành tốt. Bệnh nhân thở được thông qua mũi như người bình thường, không phải đeo canule như trước nữa".

Theo các bác sĩ, bệnh nhân đeo canule thường gặp nhiều bất lợi như hạn chế trong quá trình giao tiếp, không nói được, dễ ho, khạc đờm nhiều và có thể mắc bệnh viêm phổi khi không khí đi trực tiếp vào phổi thông qua lỗ mở khí quản.

Chuyên gia y tế chỉ cách tăng kháng thể chủ động chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19Chuyên gia y tế chỉ cách tăng kháng thể chủ động chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19

SKĐS - Theo các chuyên gia y tế, cần nâng cao thể trạng, chủ động bảo vệ bản thân trước những khắc nghiệt của dịch bệnh. Làm thế nào để chăm sóc sức khỏe chủ động, đủ kháng thể thoát hậu COVID-19 là câu hỏi các chuyên gia y tế lý giải cụ thể trong buổi tọa đàm: ‘Kháng thể chủ động chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19’.


P.Thương
Ý kiến của bạn