Sừng trâu, da trâu - Vị thuốc đa năng

19-05-2019 07:20 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Trong y học, nhiều bộ phận của con trâu được dùng làm thuốc trị bệnh từ lâu đời. Đặc biệt, trong Đông y, ngày nay, tê giác là loài động vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng, đã được đưa vào Sách Đỏ và cấm săn bắt nên người ta đã dùng sừng trâu thay sừng tê giác.

Sách Danh y biệt lục viết: “Sừng trâu có thể dùng chữa chứng đau đầu do thời khí nóng lạnh thất thường”; Sách Đại Minh bản thảo viết: “Sừng trâu sắc lấy nước uống có thể trị chứng phong do nhiệt độc và sốt cao”.

Các nhà khoa học cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu về tác dụng chữa bệnh của sừng trâu, cho thấy việc sử dụng sừng trâu và sừng tê giác mang lại kết quả điều trị cơ bản như nhau đối với 30 loại bệnh: viêm não B, trẻ nhỏ sốt nóng trong mùa hè, ban xuất huyết do giảm tiểu cầu, thần kinh phân liệt...

Sừng trâu

Sừng trâu - tên thuốc là ngưu giác hay thủy ngưu giác. Dược liệu có vị ngọt, đắng, hơi chua, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, chống co giật, tiêu sưng, mát huyết, giảm đau, giải độc, cầm máu, được dùng trong những trường hợp sau:

Chữa sốt cao, viêm họng, ho: sừng trâu 4-8g, tán bột, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống 1 lần trong ngày. Hoặc mài sừng trâu với nước nóng cho đến khi trắng như sữa phối hợp với thạch cao, lượng bằng nhau mà uống.

Sừng trâu, da trâu Sừng trâu cho vị thuốc thủy ngưu giác có tác dụng thanh nhiệt, tiêu sưng, cầm máu, giảm đau…

Chữa chảy máu cam, thổ huyết: sừng trâu, mạch môn, mẫu đơn mỗi vị 8g, sắc uống.

Chữa đau lưng, liệt dương tiểu tiện sẻn: nõ song trâu (ngưu giác tai) 50g, ba kích 250g, hà thủ ô 50g, câu kỷ tử 50g, rễ cỏ chỉ 50g. Tất cả thái nhỏ, sao khô, tán bột mịn trộn với mật ong, hoàn viên bằng hạt nhãn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 3 viên. Dùng trong 1 tháng.

Chữa băng huyết: sừng trâu 40g đốt tồn tính, tán bột; tóc rối 40g đốt thành tro, bồ hóng 20g. Tất cả trộn đều, uống mỗi ngày 8g với nước sắc lá ngải cứu. Dùng 3 ngày liền.

Chữa kinh phong trẻ em: Bột sừng trâu 5g, câu đằng 15g, bọ cạp 2,5g, nam tinh chế 5g. Sắc uống.

Chữa đại tiện ra máu, kinh nguyệt ra máu cục: nõ song trâu (ngưu giác tai) 12-20g mài lấy nước uống hoặc giã nhỏ, sắc uống.

Chữa viêm gan virut: Bột sừng trâu 50g; sài hồ, phục linh, hoàng kỳ, đan sâm, cam thảo mỗi vị 15g tán bột, hoàn viên. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 5g.

Chữa ban xuất huyết do dị ứng: sừng trâu 50g, sinh địa hoàng 15g, xích thược 10g, đan bì 10g. Sắc uống.

Da trâu

Da trâu - tên thuốc là ngưu bì. Đem cạo bỏ hết lông, thịt, gân, màng, cắt thành từng miếng, phơi hay sấy khô. Khi dùng, để nguyên bản hoặc chế biến thành keo theo cách ngâm da trâu vào nước vôi trong 1 ngày đêm. Sau đó, rửa sạch, luộc chín rồi cắt nhỏ, nấu với nước xâm xấp và sôi liên tục trong 1 ngày, 1 đêm. Chắt lấy nước thứ nhất. Thêm nước, tiếp tục nấu để được nước thứ hai, thứ ba. Gộp các nước chắt lại, lọc kỹ, cô cách thủy thành cao đặc. Cao này có tên là keo da trâu, tên thuốc là minh giao. Dược liệu chứa canxi, gepatin, keratin và protid, có vị mặn, ngọt, mùi hơi tanh, tính bình, không độc, có tác dụng giảm đau, cầm máu, nhuận táo, trị phong thấp, chân tay đau nhức, tiểu són, động thai, thổ huyết.

Chữa phong thấp, chân tay đau nhức: da trâu 40g ngâm nước cho mềm, cắt nhỏ, trộn nước cốt gừng, nấu nhỏ lửa cho đặc quánh. Để nguội, phết thuốc lên giấy, dán vào chỗ đau.

Chữa tiểu són: keo da trâu, vỏ hàu (nung đỏ), lộc nhung, tang phiêu diêu (sao với rượu) liều lượng bằng nhau, tán nhỏ, rây bột mịn, trộn với hồ nếp hoàn viên bằng hạt ngô. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 25 viên với nước muối pha ít rượu vào lúc đói.

Chữa động thai: keo da trâu 20g, tầm gửi cây dâu 50g, lá ngải cứu 12g thái nhỏ, phơi khô, sắc uống trong ngày.

Chữa đau vú: keo da trâu nấu với ít giấm cho tan rồi đắp dán.

Trị sản phụ bị rong huyết: keo da trâu 4g, sợi bông 4g, đốt thành tro uống trong ngày.

Chữa rong huyết, băng huyết: keo da trâu 20g, ngải cứu tươi 15g, ngũ bội tử 15g tán bột. Sắc ngải cứu lấy nước, bỏ bã, thái cao da trâu cho vào đun loãng ra rồi hòa với bột ngũ vị tử, uống ngày 1 thang.

Chữa rong kinh, băng huyết: cao da trâu 10g, muội nồi 8g, cao ích mẫu 3g trộn đều, uống với nước đun sôi để nguội.

Thuốc cầm máu: da trâu khô đốt thành than, tán nhỏ, rắc vào nơi tổn thương. Đôi khi còn phối hợp với chân gà. Sở dĩ như vậy vì chất canxi, gelatin, keratin có trong 2 dược liệu cùng với canxi có sẵn trong máu đã làm tăng nhanh phản ứng đông máu. Hơn nữa, khi bột than da trâu và chân gà khi rắc lên vết thương làm cho máu được tiếp xúc với bề mặt khô và ráp nên làm vỡ nhanh các tiểu cầu làm cho máu chóng đông và cầm lại ngay.


DS. Mai Thu Thủy
Ý kiến của bạn