Sừng tê giác – Niềm tin “chết chóc”

SKĐS - Không biết từ bao giờ người Việt Nam lên cơn say về sừng tê giác, với niềm tin sừng tê giác có thể trị được nhiều bệnh, kể cả ung thư và… liệt dương, cải thiện sinh lý.

Theo Tổ chức Bảo vệ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF), Việt Nam cùng với Trung Quốc là hai nước tiêu thụ sừng tê giác nhiều nhất thế giới, đặc biệt là Việt Nam và đẩy giá thành lên rất cao (300.000 USD cho 1 cái sừng, khoảng 6,5 tỉ đồng VN, mắc hơn cả vàng), điều này kích thích các tay săn trộm và buôn lậu bất chấp mạo hiểm để lấy bằng được sừng tê giác bán ra thị trường.

Vấn đề chính là có gì đặc biệt trong sừng tê giác - các nhà nghiên cứu tại đại học Ohio (Mỹ) đã phân tích sừng tê, kết quả cho thấy trong sừng tê ngoài chất sừng còn có thêm phần lõi canxi và melanin đậm đặc, giúp cho sừng tê giác có hình cong và cứng đặc trưng, cấu tạo này giống với móng ngựa, mỏ chim và mỏ rùa. Ngoài ra sừng tê chẳng có cấu tạo hay thành phần đặc biệt khác.

Sừng tê giác

Sừng tê giác có thật sự chữa được bệnh? Theo bà Lixin Huang, chủ tịch Viện Y  học Cổ truyền Mỹ, sừng tê có mặt trong y học Trung Hoa từ 3000 năm nay, sừng tê khi phối hợp với các chất khác chủ yếu dùng trị nhiễm trùng, sốt, giải độc và chưa từng dùng để trị ung thư hay tăng cường sinh lực. Các nghiên cứu đều cho thấy sừng tê giác chẳng có tác dụng điều trị gì hết, một nghiên cứu tại Đài Loan cho thấy sừng tê giác có thể giúp hạ sốt ở trẻ em, nhưng tác dụng chẳng hơn gì paracetamol.

Các khảo sát cho thấy có 2 nhóm đối tượng chính sử dụng sừng tê giác. Một là các tay nhà giàu thừa tiền, sử dụng sừng tê hằng ngày như uống trà, với niềm tin là sừng tê sẽ giúp họ ngăn ngừa bệnh tật, điều trị liệt dương, tăng cường khả năng sinh lý… Một cách dùng tiền mua sức khỏe đúng nghĩa đen, thay vì họ nên sống một cuộc sống lành mạnh và tập thể thao đầy đủ, đây là nhóm tàn sát tê giác nhiều nhất và bất chấp giá cả. Hai là nhóm những bệnh nhân ung thư, trông mong vào sừng tê giác như một thần dược, giúp trị khỏi ung thư. Điều trớ trêu và nực cười là có bác sĩ chuyên khoa ung thư khi bản thân bị ung thư vẫn cố gắng kiếm bằng được sừng tê để dùng thêm, như là cách trấn an tinh thần.

Vẫn không rõ những điều huyễn hoặc về sừng tê giác bắt đầu từ đâu và khi nào, nhưng người ta vẫn tin và lao vào tìm kiếm, bất chấp việc đã đẩy một loài vật vào nguy cơ tuyệt chủng. Tại Việt Nam, người ta không còn lo lắng về tê giác nữa khi con cuối cùng đã bị tận diệt với chiếc sừng bị cắt cụt vào năm 2010 (!).

Sừng tê giác chẳng có giá trị về mặt y học, và bạn nào muốn nếm thử sừng tê giác ra sao, bạn cứ gặm móng tay - móng chân của mình, đảm bảo bạn sẽ có đủ chất sừng cần thiết.


BS. NGUYỄN TRIÊU VŨ
Ý kiến của bạn