Nuôi hổ để... tăng gia
Những ngày đầu tháng 5/2012, chúng tôi nhận được thông tin khó tin này từ H., một người mới quen quê ở Hà Tĩnh vừa đi lao động chui ở nước ngoài về. H. bảo rằng, nghe đài báo nói về nuôi nhốt hổ ở các trang trại nhiều rồi, giờ có muốn xem nuôi nhốt hổ “như nuôi lợn” thì để anh ta dẫn đi.
Một trong số 4 con hổ tại 1 hộ gia đình mà chúng tôi được tận mắt chứng kiến. |
Không như những làng quê khác, Đô Thành có lợi thế nằm gần với QL 1A, lại gần với các trung tâm kinh tế phía Bắc của Nghệ An nên có đời sống khá phát triển. Con đường dẫn vào xã được rải thảm láng bóng, hai bên là những ngôi nhà tầng, biệt thự giàu có.
Ngôi nhà của hai anh em C. và H. nằm sâu, sát ngoài cánh đồng. Nhìn vẻ bề ngoài cũng bình thường, nhà 1 tầng, khá rộng rãi. Lúc chúng tôi đến thì chỉ có 2 anh em H. và người bố ở nhà.
Hai anh em C. tỏ ra rất niềm nở khi gặp lại bạn cũ và chúng tôi, những người lần đầu tiên đến nhà. Những câu chuyện hàn huyên của đôi bạn từ thời còn chui lủi lao động ở nước ngoài khiến cho không khí vui vẻ hẳn.
Chúng tôi tranh thủ hỏi chuyện về công việc làm ăn của gia đình. H., người em nhanh nhảu giới thiệu, ở cái làng này chẳng thiếu gì. Từ sừng tê, cao hổ, ngà voi, mật gấu xịn cho đến những loại quý hiếm không nơi nào có như hổ sống.., cũng có. Nếu người nào giới thiệu được thì sẽ có tiền môi giới.
“Ngoài hàng sống ra thì các loại sừng tê, cao hổ... ở đây đều là hàng xịn 100%. Nếu có nhu cầu thì các anh có thể yên tâm về chất lượng, chỉ có điều, giá hơi cao nên những ai thực sự muốn mua thì mới kham nổi. Tất nhiên là em đảm bảo không đắt bằng trên thị trường trôi nổi”, H. giới thiệu.
‘‘Các loại hàng đó thì nhiều nơi khác cũng có. Muốn mua hổ sống về nấu cao thì thế nào? Giá cả, phương thức vận chuyển?’’, tôi hỏi H.
Nhanh nhảu đáp lời, H. bảo rằng, ở đây muốn mua hổ sống loại nào cũng có, nhiều nhất là hổ trưởng thành trên 100kg, giá mỗi kg là 4 - 5triệu đồng.
Ba trong số 4 con hổ trưởng thành tại nhà C.. Sau 1 năm chăm bẵm, con lớn nhất đã đạt 1,7 tạ. |
Cao hứng lên, H. tiết lộ luôn chuyện trong nhà anh hiện đang nuôi 4 con hổ từ hơn 1 năm nay. Khi mới mua về thì mới chỉ 3kg, sau hơn 1 năm chăm bẵm, hiện con hổ đực lớn nhất cũng đã lên tới 170kg, con nhỏ nhất là 130kg.
Chuồng cọp bé như chuồng lợn
‘‘Nhà nông chẳng có việc gì làm ra tiền nhiều, sau khi học hỏi cách nuôi hổ, cùng với một hộ khác góp cổ phần, anh em chúng tôi đã quyết định mua hổ về nuôi. Cũng như nuôi con lợn để tăng gia thôi mà anh’’, H. nói.
Thoạt nghe, tôi cũng đã mường tượng cảnh nuôi nhốt ở một vị trí đặc biệt, có thể là đào hầm sâu dưới nhà, hoặc chỗ nào cực kỳ kín đáo. Tuy vậy, khi hỏi đến điểm nhốt hổ thì H. có vẻ lờ đi, không muốn cho người lạ vào.
H. còn nói rằng, trong nhà chỉ có người anh tên C. là có thể tiếp cận, tắm rửa, cho 4 ‘‘đại ca’’ này ăn, bởi C. đã chăm chúng từ khi mới như con mèo. Mặc dù biết hổ nuôi khá hiền nhưng trong nhà chẳng ai dám ‘‘đùa với Chúa sơn lâm’’ vì sợ mất mạng.
Những con hổ được nuôi nhốt tỏ ra khá hiền lành so với đồng loại của nó trong tự nhiên. Người lạ mặt có thể đùa, thậm chí... nhổ râu. |
Khác với H., người anh tên C. có vẻ điềm tĩnh hơn. Công việc của C. là ngày ngày ở nhà để chăm những ‘‘đứa con’’ – cách C. gọi những con hổ của mình. Sau một hồi trò chuyện thân mật, C. nói rằng, để đến trưa, sau khi cho chúng ăn no thì mọi người mới có thể vào xem được.
Khi chứng kiến khu vực nuôi nhốt 4 con hổ, chúng tôi không khỏi sững sờ. Có giàu trí tưởng tượng bao nhiêu chắc không ai dám nghĩ, căn phòng rộng chừng 14m2 nằm sau phòng khách của gia đình C. lại đang là nơi trú ngụ của 4 con hổ trưởng thành.