Dưới đây là những giải đáp thắc mắc về vấn đề phản ứng sưng, tấy, đau nhức tại vết tiêm sau khi tiêm vaccine COVID-19 và dinh dưỡng hợp lý sau khi tiêm của TS.BS. Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam.
Tại sao lại sưng sau tiêm vaccine COVID-19?
Sưng, tấy đỏ hoặc gây đau nhức vết tiêm vaccine COVID-19 là một trong những phản ứng sau tiêm mà nhiều người gặp phải và thường sẽ tự khỏi sau một vài ngày. Trên thực tế, cơ thể của mỗi người có phản ứng khác nhau với việc tiêm vắc xin.
Phản ứng tại chỗ: gồm các triệu chứng đỏ, sưng, chai, cứng tại chỗ tiêm… thường tự khỏi trong vòng vài ngày đến 1 tuần.
Phản ứng sau tiêm vaccine COVID tại cánh tay – hay "Cánh tay COVID" là một phản ứng của hệ thống miễn dịch mà một số người gặp phải sau khi tiêm vaccine Moderna.
Các triệu chứng của "cánh tay COVID" bao gồm:
Ngứa, có thể ngứa dữ dội. Phát ban đỏ/hoặc đổi màu vùng da quanh chỗ tiêm với các kích thước khác nhau. Trong một số trường hợp, phát ban có thể lan tới bàn tay hoặc ngón tay. Sưng tấy. Đau. Da vùng tiêm cảm thấy nóng ấm khi chạm vào. Xuất hiện các cục u cứng dưới da tại vị trí tiêm.
Các triệu chứng thường kéo dài từ 3 đến 5 ngày. Tình trạng này sẽ không tiến triển nặng nề đến mức đe dọa tính mạng hoặc phản ứng dị ứng nghiêm trọng nào, và cũng không liên quan đến phản vệ sau tiêm. Thông thường, các triệu chứng sẽ tự biến mất sau một thời gian.
Tuy nhiên, nếu các triệu chứng xảy ra nghiêm trọng/hoặc nếu cảm thấy rất khó chịu hay lo lắng về các triệu chứng của bản thân, hãy thông báo với các chuyên gia y tế, tiêm chủng.
Theo báo cáo giám sát sau tiêm vaccine COVID-19 năm 2021, vaccine COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech cũng có thể gây ra phản ứng "Cánh tay COVID" sau tiêm nhưng tỷ lệ xảy ra ít hơn.
Đối với vaccine Janssen của Johnson&Johnson, chưa phát hiện thấy phản ứng sau tiêm này. Các triệu chứng "Cánh tay COVID" thường xuất hiện khoảng 7 ngày sau mũi tiêm đầu tiên, 2 ngày sau mũi tiêm thứ hai.
Tại sao không nên chườm hay bôi đắp lên vết tiêm vaccine COVID-19?
Trên thực tế, cơ thể của mỗi người có phản ứng khác nhau với việc tiêm vaccine. Nếu thấy vết tiêm sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm: tiếp tục theo dõi. Nếu thấy sưng to nhanh, bất thường nên đi khám ngay.
Tuyệt đối không chườm, bôi bất cứ chất gì vào vết tiêm. Có những trường hợp, từ vết tiêm hở có thể sẽ bị vi khuẩn tấn công, gây nên tình trạng nhiễm khuẩn huyết vô cùng nguy hiểm.
Không có chỉ định kiêng đồ nếp sau tiêm vaccine COVID-19
Trước tiên, cần khẳng định rằng, không có một loại thức ăn cụ thể nào chống chỉ định sau khi tiêm vaccine COVID-19.
Sau khi tiêm vaccine COVID-19, chúng ta có thể ăn được các loại thức ăn lành mạnh, nhiều dinh dưỡng mà chúng ta không bị dị ứng, dễ tiêu hoá. Vì vậy, chúng ta nên duy trì một chế độ ăn lành mạnh sau khi tiêm vaccine với đầy đủ dưỡng chất.
Chưa có cơ sở khoa học kiểm chứng về ảnh hưởng của đồ nếp lên vết tiêm vaccine. Có một điều lưu ý: Gạo nếp có cấu tạo tinh bột dạng nhánh nên tinh bột thường chắc, khó chia cắt và độ dẻo cao nên khi ăn nhiều cảm thấy no lâu, khó tiêu. Vì vậy trẻ nhỏ, người già, người mới ốm dậy, đau dạ dày không nên ăn nhiều đồ nếp.
Gạo nếp và gạo tẻ không có sự khác biệt về giá trị dinh dưỡng
Trong thực tế, gạo nếp và gạo tẻ gần như tương đồng về mặt giá trị dinh dưỡng. Sự khác biệt duy nhất giữa gạo nếp và gạo tẻ là do cảm quan của chúng ta về độ dính và độ dẻo.
Trong 100g gạo nếp có chứa: 346 kcal, 8.4 g đạm, 74.9 g tinh bột, 16 mg canxi.
Trong 100g gạo tẻ có chưa: 344kcal, 7.6g đạm, 76.2g tinh bột, 30mg canxi.
Cả gạo nếp và gạo tẻ đều có nhiều vitamin như: Vitamin B1, B2, B5, B6,... và các khoáng chất: sắt, magie, phopho, kali, natri, kẽm, đồng...
Sở dĩ có sự khác nhau về độ dẻo của hai loại gạo này là bởi hai thành phần amilozơ và amylopectin trong mỗi hạt tinh bột. Trong đó, amilopectin có vai trò quyết định đến tính dẻo của hạt. Trong gạo, ngô tẻ, lượng amilopectin chiếm 80%, còn trong gạo, ngô nếp, lượng amilopectin có tới 90% nên xôi thường rất dẻo, dính vào nhau.
Một số thực phẩm nên tránh sau tiêm vaccine COVID -19
Người sau khi tiêm vaccine COVID-19 nên tránh uống rượu trước và sau khi tiêm vì rượu có khả năng ức chế hệ thống miễn dịch, có thể khiến cơ thể mất nước.
Tốt nhất, nên kiêng uống bia rượu trong vòng một vài ngày hoặc lâu hơn sau tiêm vaccine COVID-19. Rượu còn làm suy yếu khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, tăng nguy cơ biến chứng và có thể gây khó khăn trong việc nhận biết ảnh hưởng do rượu hay vắc xin.
Thức ăn nhanh, thức ăn chế biến bằng cách chiên, rán, nướng thường chứa nhiều dầu mỡ, chất béo bão hòa làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể, gây ra những tác hại cho sức khỏe. Nên tránh nhóm thức ăn này trước và sau khi tiêm vaccine nói chung, vaccine COVID-19 nói riêng.
Xem video đang được quan tâm:
Sau khi tiêm vaccine COVID-19, nên ăn và không nên ăn thực phẩm gì?