Sưng, nóng đỏ vùng da, thận trọng với viêm mô tế bào

03-01-2023 18:32 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Viêm mô tế bào là tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính ở da và mô dưới da với các biểu hiện là sưng, nóng, đỏ, đau vùng da… Đáng chú ý, nhiều trường hợp có mụn nhọt, tổn thương hở đã tự ý đắp thuốc lá theo truyền miệng gây bội nhiễm nặng nề.

Tự đắp lá thuốc vào mụn, vết thương hở... nguy cơ viêm mô tế bào

Theo ghi nhận, năm nào cũng có trường hợp bệnh nhân nhập viện vì viêm mô tế bào, áp xe da, trong đó đa phần là trẻ nhỏ. Một số trường hợp diễn tiến nặng hơn do người thân đắp lá vào vết thương như: lá ổi, lá lục bình, lá thuốc nam…

Rất may, phần lớn trường hợp khi được nhập viện kịp thời, đáp ứng tốt với điều trị bằng kháng sinh. Cũng có trường hợp đến trễ do một số phụ huynh đắp lá trên vùng da sưng đỏ, khiến tổn thương sưng tấy, làm cho tình trạng nhiễm trùng nặng hơn.

Cụ thể, gần đây nhất, bệnh nhân L.V.T tại xã Tân Lập, huyện Bắc Quang đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang (Hà Giang) trong tình trạng cẳng chân phải có vết thương hoại tử, chảy dịch mủ có mùi hôi. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị nhiễm trùng, viêm tấy lan tỏa cẳng chân phải.

Theo lời kể của gia đình, người bệnh bị ngã và có vết thương hở ở chân, cử động khó khăn, người nhà đã lấy lá thuốc bó theo kinh nghiệm truyền miệng. Sau khoảng 10 ngày, chân người bệnh đau nhức ngày một tăng, sưng nề, có dịch mủ hôi và rất khó vận động, lúc này người nhà mới đưa vào viện khám và điều trị.

Trước đó, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp cũng tiếp nhận nữ bệnh nhân T.T.H (26 tuổi, trú tại Thạch An) đến khám với các biểu hiện đau nhức vùng đầu gối, khó vận động. Bệnh nhân kể lại trước đó trong khi lao động bị ngã, đầu gối có một vết thưởng hở, sau đó về nhà bệnh nhân tự lấy lá cây đắp vào vết thương. Bệnh nhân đau nhức, khó vận động nên đi khám, qua thăm khám các bác sĩ nhận thấy vết thương đã sưng đỏ và có mủ nên đã chỉ định cho bệnh nhân nhập viện điều trị.

Từ những trường hợp trên cho thấy, người dân tuyệt đối không nên coi thường vết thương nhỏ, đặc biệt là đối với các chấn thương, tổn thương hở. Không nên tự ý sử dụng bất cứ loại thuốc gì khi chưa có chỉ định của bác sĩ, hay đắp các loại lá cây trên vùng tổn thương. Những việc làm này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, có thể gây bội nhiễm, hoại tử, thậm chí nhiễm trùng huyết nguy hiểm đến tính mạng.

photo-1672718261673

Viêm mô tế bào khuỷu tay.

Nguyên nhân viêm mô tế bào và phân loại

Viêm mô tế bào là một nhiễm trùng cấp tính ở da và mô dưới da nên đây là bệnh khá phổ biến. Biểu hiện thường khởi phát ở một vùng da sưng, nóng, đỏ và đau; sau đó nhanh chóng lan rộng. Bệnh có thể xảy ra bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, tuy nhiên thường gặp vùng da ở chi thể đặc biệt là chi dưới.

Tổn thương cũng có thể lan rộng đến hạch lympho và đi vào máu, nếu không được điều trị có thể đe dọa đến tính mạng.

Nguyên nhân gây bệnh là có vi khuẩn xâm nhập, thường gặp tụ cầu vàng (Streptococcus) và liên cầu (Staphylococcus)…. Bệnh thường vi khuẩn này có trên bề mặt da nhưng không gây hại. Tuy nhiên khi gặp điều kiện thuận lợi như cơ thể suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi, có vết cắt hoặc vết trầy xước, vết đứt, vết nứt trên da… thì chúng sẽ xâm nhập vào các lớp bên dưới da và gây ra tổn thương viêm, nhiễm trùng.

Có nhiều loại viêm mô tế bào khác nhau, tùy thuộc vào vị trí nhiễm trùng và nguyên nhân gây bệnh. Một số loại theo vị trí bao gồm: Viêm mô tế bào quanh mắt; Viêm mô tế bào mặt, phát triển quanh mắt, mũi và hai bên má; Viêm mô tế bào vú; Viêm mô tế bào quanh hậu môn.

Ở người lớn thường gặp viêm mô tế bào ở chi thể, trong khi trẻ em có xu hướng phát triển bệnh ở mặt hoặc cổ.

Các biểu hiện của viêm mô tế bào

Khi viêm mô tế bào sẽ có các biểu hiện đặc trưng là đau và cảm giác ngứa, rát trên vùng da bị tổn thương; Da mềm sưng, nóng, đỏ, căng bóng; Vùng da đỏ hoặc vết loét trên da lan nhanh; Tạo mủ và áp xe, người bệnh có biểu hiện sốt.

Trong trường hợp nặng người bệnh có thể xuất hiện những biểu hiện nguy hiểm như: người ớn lạnh, mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, mê sảng, đau cơ, da ấm nóng, vã mồ hôi.

Các triệu chứng cho thấy bệnh viêm mô tế bào đang lan tỏa là người bệnh buồn ngủ, chảy dịch hoặc rỉ dịch màu vàng trong hoặc mủ ra từ bên trong da, có nhiều phồng rộp da, thậm chí còn hôn mê.

Để chẩn đoán, ngoài khám lâm sàng các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm, cấy máu hoặc lấy các bệnh phẩm từ vết loét, nứt nhằm xác định nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn gì để từ đó chỉ định kháng sinh cho phù hợp. Người bệnh cần tuân thủ dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Nếu trường hợp nặng có áp xe tại chỗ các bác sĩ sẽ trích rạch, tháo mủ.

Tóm lại: Viêm mô tế bào là tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính ở da rất hay gặp để phòng bệnh cần vệ sinh da thường xuyên sạch sẽ, vệ sinh thật cẩn thận các vết trầy xước ngoài da ngay khi phát hiện.

Cách vệ sinh da tổn thương là cần lau rửa vết thương thường xuyên bằng nước sát khuẩn hoặc nước sạch, nước muối sinh lý; sử dụng thuốc bôi để vùng da tổn thương nhanh lành hơn (theo đơn hướng dẫn của bác sĩ).

Đối với vết thương nghiêm trọng, vết mổ thì nên băng lại để hạn chế bụi bẩn, vi khuẩn xâm nhập. Nếu như phát hiện vết thương hở, vết trầy xước bị nhiễm trùng, nên đi khám để được điều trị đúng cách. Tuyệt đối không tự ý đắp thuốc lá, thảo dược theo mách bảo để phòng viêm mô tế bào.

Mời độc giả xem thêm video:

Mách bạn 4 mẹo giúp giảm ngủ ngáy hiệu quả ở phụ nữ.


BS. Vũ Thị Thanh Hoa
Ý kiến của bạn