Hà Nội

Sưng mí mắt kèm đau nhức mắt là bệnh gì?

16-09-2023 07:05 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Sưng mí mắt và đau nhức mắt có thể là biểu hiện của một số bệnh lý nghiêm trọng ở mắt.

Sưng mí mắt trên và đau do nhiều nguyên nhân trong đó có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân thông thường, dễ nhận biết như: Dị ứng ở mắt, viêm mi mắt, lẹo, thậm chí do viêm kết mạc...

Hiện đang có nhiều người đau mắt đỏ nên khi có biểu hiện sưng mí mắt, kèm theo đau, cộm ngứa.. rất nhiều người lo lắng mình bị đau mắt đỏ.

Tuy nhiên điều này không hẳn đúng, dưới đây là những bệnh lý liên quan đến tình trạng này.

Do viêm bờ mi

Xung quanh mi mắt của một số người có thể tập trung nhiều vi khuẩn hơn những người khác. Và chúng thường là tác nhân gây ra một số bệnh lý cho mắt như viêm bờ mi. 

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh lý này là: Lông mi bị nhớn, tạo vảy như gàu ở xung quanh lông mi. Người bệnh lúc này thường gặp phải tình trạng sưng mắt trên. Đây lại là một bệnh lý mạn tính, hiện chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn.

Viêm bờ mi thường có xu hướng diễn biến ồ ạt, nghiêm trọng thành đợt nặng rồi lại thuyên giảm dần. Đôi khi nó có thể dẫn đến tình trạng nghiêm trọng hơn. Khi thấy tình trạng này ở mắt ngày càng diễn biến nặng hơn, khiến bạn bị đau nhiều nên đi khám mắt sớm.

Do đau mắt đỏ

Bệnh lý này còn gọi là viêm kết mạc. Nguyên nhân thường bắt nguồn từ vi khuẩn, virus, các dị nguyên gây hại từ môi trường bên ngoài... khiến màng bao phủ bên ngoài tròng trắng của mắt và lớp sau mi mắt bị nhiễm trùng. 

Đau mắt đỏ là bệnh dễ lây nhiễm qua đường hô hấp thành dịch lớn. Bệnh đa phần không gây nguy hiểm cho người bệnh nhưng khiến họ khó chịu và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày.

Khi gặp phải tình trạng viêm kết mạc này người bệnh thường có một số biểu hiện đặc trưng sau: Mắt đỏ, sưng đau mí trên, đổ ghèn nhiều, nước mắt rơi không kiểm soát... thông thường sẽ xuất hiện ở một bên mắt trước rồi lan dần sang bên mắt còn lại sau một đến hai ngày.

Sưng mí mắt, kèm đau nhức không chỉ là đau mắt đỏ mà còn do bệnh lý nào? - Ảnh 1.

Sưng mí mắt do bệnh đau mắt đỏ ngoài biểu hiện sưng đau mí trên còn kèm theo đổ ghèn nhiều.

Do dị ứng ở mắt

Các tác nhân gây hại từ môi trường như: Phấn hoa, kích ứng với thức ăn, uống thuốc bị dị ứng, bị côn trùng đốt... đều có thể dẫn đến tình trạng mắt sưng đau mí trên ở 1 bên hoặc cả 2 bên mắt. 

Tình trạng dị ứng mắt sưng đi kèm với một số biểu hiện khác như: Mắt cộm, xốn, ngứa ngáy, đỏ mắt, tiết dịch nhiều bất thường... khiến người bệnh thấy khó chịu.

Do chắp lẹo

Bệnh lý chắp mắt xảy ra khi tuyến dầu nhờn nằm dọc theo viền trong của mí mắt trên bị tắc nghẽn tạo ra nốt sưng khu trú tại mí mắt trên, có thể khiến toàn bộ mí mắt bị sưng tấy làm mắt bị viêm và nhiễm trùng. 

Chắp mắt cũng có thể xuất hiện ở mí dưới. Chắp mắt nhìn ngoài có hình dạng như nốt mụn mủ, sẽ khiến cho người bệnh bị cản trở thị lực.

Tương tự, lẹo mắt khiến sưng đau mí. Lẹo mắt là tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng nhỏ hình thành ở gốc lông mi thường khiến mắt bị sưng mí trên. Hơn nữa, tình trạng nhiễm trùng ở mắt này còn có xu hướng lan ngược vào mi mắt khiến cho cả mí mắt trên bị sưng và đỏ lên. Khi quan sát sẽ thấy có cả mủ ở bên trong vết sưng. Nếu lấy tay chạm vào nốt mủ này sẽ có cảm giác đau.

Sưng mí mắt, kèm đau nhức không chỉ là đau mắt đỏ mà còn do bệnh lý nào? - Ảnh 2.

Hình ảnh sưng đau mí do chắp lẹo.

Do viêm tế bào ổ mắt

Đây là bệnh lý nhiễm khuẩn sâu ở bên trong các mô của mí mắt. Viêm tế bào ổ mắt có thể lan nhanh ra toàn bộ vùng mắt gây đau đớn cho bệnh nhân. 

Bệnh lý này cần được chẩn đoán và điều trị bằng kháng sinh bởi các chuyên gia nhãn khoa. Nếu tình trạng nhiễm trùng nặng hơn bạn có thể được chỉ định tiêm trực tiếp thuốc kháng sinh theo đường tĩnh mạch.

Do herpes mắt

Nguyên nhân gây ra bệnh lý này do virus herpes ký sinh bên trong và ở xung quanh mắt. Bệnh có thể gặp phải ở bất kỳ đối tượng nào nhưng thường phổ biến nhất ở trẻ em. Herpes mắt có những biểu hiện giống với viêm kết mạc nhưng không phải lúc nào cũng gây ra những thương tổn rõ rệt như vậy.

Thông thường chẩn đoán bệnh lý này bác sĩ sẽ chỉ định lấy mẫu bệnh phẩm ở mắt để nuôi cấy và tìm virus. Hiện nay chưa có phương pháp hiệu quả được công nhận có thể điều trị dứt điểm bệnh lý Herpes mắt, tuy nhiên các loại thuốc kháng virus có thể kiểm soát tốt các dấu hiệu của bệnh như: Sưng mí mắt trên và đau, đỏ mắt, đổ ghèn, rỉ...

Sưng mí mắt, kèm đau nhức không chỉ là đau mắt đỏ mà còn do bệnh lý nào? - Ảnh 3.

Thăm khám mắt ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường.

Cần làm gì khi sưng mí mắt?

Trong đa phần các nguyên nhân gây ra tình trạng mí bị sưng đau người bệnh đều có thể tự khắc phục tại nhà bằng một số biện pháp đơn giản như: Vệ sinh mắt sạch sẽ loại bỏ tác nhân gây hại, chườm mắt giảm nhanh sưng đau, không dụi mắt, chạm tay vào mắt, rửa tay thường xuyên, sạch sẽ, uống nhiều nước.... Những lúc này nên hạn chế tối đa việc sử dụng kính áp tròng, trang điểm vào phần mí mắt.

Tuy nhiên cũng không được chủ quan, cần theo dõi mắt thường xuyên. Khi khắc phục tại nhà bằng các biện pháp đơn giản trên không làm tình trạng sưng đau mí trên thuyên giảm, hoặc gia tăng cấp độ nặng cần tới ngay cơ sở y tế để thăm khám và được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Tại cơ sở y tế, tùy thuộc vào nguyên nhân mà các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị phù hợp cho từng tình trạng bị sưng đau mí mắt. Một số phương pháp có thể được sử dụng như: Dùng thuốc chống dị ứng; Dùng thuốc kháng sinh; Sử dụng nhóm thuốc chống viêm corticoid...

Trong trường hợp bệnh nhân bị viêm nhiễm nặng, dùng các loại thuốc khác không đạt hiệu quả mới được chỉ định sử dụng. Đối với trường hợp do mụn, lẹo cần phải trích thì các bác sĩ dùng thủ thuật rạch, dẫn lưu dịch để loại bỏ viêm nhiễm giảm sưng đau. Nếu do nguyên nhân nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể sẽ chỉ định phẫu thuật, liệu pháp điều trị thích hợp để khắc phục các nguyên nhân gây ra tình trạng khó chịu này ở mắt.

Lưu ý cần biết khi bị đau sưng mắt là tuyệt đối không được tự nặn ở nhà vì tự xử lý y tế không đúng cách có thể khiến tình trạng nhiễm trùng ở mắt trở nặng hơn.

Không dụi mắt, thói quen này cần phải bỏ. Luôn rửa tay thường xuyên, sạch sẽ với xà phòng và nước. Khi ra ngoài nên đeo kính râm để bảo vệ mắt tránh khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài.

Với những người bệnh buộc phải trang điểm ở mắt cần biết cách tẩy trang đúng quy trình để hạn chế tối đa khả năng gây viêm nhiễm ở mi.

Tóm lại: Sưng mí mắt và đau có thể là tiềm ẩn những vấn đề, bệnh lý ở mắt. Bởi vậy, khi thấy dấu hiệu bất thường bạn cần đi thăm khám ngay để hạn chế biến chứng có hại cho sức khỏe đôi mắt. Không quá lo lắng, không được chủ quan tự mua thuốc về dùng dẫn đến biến chứng có thể hại thậm chí mù lòa.

Mỗi tuần khám 700- 800 ca đau mắt đỏ: Người đã mắc bệnh có thể bị lại không?Mỗi tuần khám 700- 800 ca đau mắt đỏ: Người đã mắc bệnh có thể bị lại không?

SKĐS - Thống kê sơ bộ của Bệnh viện Mắt TW cho thấy, những tuần gần đây ghi nhận trung bình khoảng 700 trường hợp đau mắt đỏ (còn gọi là viêm kết mạc) đến khám. Trung bình 100 ca khám có khoảng 30 ca đau mắt đỏ. Riêng tuần vừa qua là 800 ca, có một số ca biến chứng do đau mắt đỏ.

BS. Mai Thị Anh
Ý kiến của bạn