Mới đây, các bác sĩ khoa Thăm dò Chức năng, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tiếp bệnh nhân nam Dong Xiao M, 33 tuổi, người nước ngoài (hiện thường trú tại Hà Đông, Hà Nội), đến khám với triệu chứng đau, sưng vùng bìu trái.
Bệnh nhân đã được chỉ định làm siêu âm, quá trình siêu âm tinh hoàn các bác sĩ phát hiện được vị trí giữa tinh hoàn trái có khối hỗn hợp kích thước 16x19x16 mm, bờ và ranh giới rõ xung quanh có viền giảm âm, trong khối có những dải tăng âm và những nốt vôi hóa, bìu không có dịch, doppler mầu khối u hỗn hợp không thấy hình ảnh tăng sinh mạch.
Kết hợp giữa khám lâm sàng, cận lâm sàng và khai thác tiền sử của người bệnh các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị ung thư tinh hoàn trái Teranoma, giai đoạn I và chỉ định phẫu thuật kịp thời. Hiện bệnh nhân đang trong giai đoạn ổn định, hồi phục rất tốt.
ThS. BS Bùi Thị Dương Thảo - Trưởng khoa Thăm dò Chức năng, BVĐK Hà Đông cho biết, tinh hoàn của nam giới có chức năng là sản xuất kích tố sinh dục nam và tinh trùng để làm nhiệm vụ sinh sản. Một số bệnh lý ung thư của tinh hoàn thường gặp ở độ tuổi trẻ từ 15 và 34, chính vì vậy việc phát hiện sớm cho người bệnh là việc làm cần thiết để giữ gìn được sức khỏe và thiên chức làm bố của họ.
Ung thư tinh hoàn là một bệnh khá hiếm gặp so với các loại ung thư khác, căn bệnh này có thể chữa được với hiệu quả khá cao nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, điều trị bằng một hoặc kết hợp các phương pháp với nhau. Tự kiểm tra thường xuyên tinh hoàn có thể giúp xác định sự tăng trưởng sớm, có cơ hội điều trị thành công ung thư tinh hoàn cao nhất.
Gần như tất cả bệnh ung thư tinh hoàn bắt đầu từ các tế bào mầm - các tế bào trong tinh hoàn sản xuất tinh trùng chưa trưởng thành. Nguyên nhân gây ra các tế bào mầm trở thành bất thường và phát triển thành ung thư, có ba loại chính ung thư tinh hoàn Seminoma, nonseminomas (teratoma), khối u mô đệm.
Các giai đoạn ung thư:
- Giai đoạn I: Ung thư giới hạn trong tinh hoàn.
- Giai đoạn II. Ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết ở bụng.
- Giai đoạn III. Ung thư đã lan đến các bộ phận khác của cơ thể. Ung thư tinh hoàn phổ biến nhất là lây lan đến phổi, gan, xương và não.
Có phòng ngừa, chữa khỏi ung thư tinh hoàn được không?
Bác sĩ Thảo cũng khuyến cáo đối với các em bé nhỏ tuổi chưa biết tự kiểm tra tinh hoàn của mình thì các bậc phụ huynh nên định kỳ kiểm tra cho con trai nhằm phát hiện sớm những bất thường như vùng bìu hoặc tinh hoàn to hơn bất thường sẽ đưa đến bệnh viện khám để được chẩn đoán sớm nhất các bệnh lý.
Đối với những nam giới đã trưởng thành, bác sĩ khuyên nên thường xuyên tự kiểm tra tinh hoàn, cách kiểm tra tốt nhất là sau khi tắm nước ấm, nhiệt từ nước sẽ làm thư giãn bìu như vậy sẽ dễ dàng hơn để phát hiện điều bất thường.
Có thể kiểm tra từng tinh hoàn bằng cả hai tay, đặt ngón tay giữa vào tinh hoàn đồng thời ngón tay cái trên đầu, lăn nhẹ tinh hoàn giữa ngón cái và các ngón tay.
Bình thường tinh hoàn trơn, có hình dạng hình bầu dục, không có khối gồ lên, nếu sờ thấy một khối u bất thường hoặc thấy cả bìu to lên bất thường cần đến ngay bệnh viện. Ung thư tinh hoàn có khả năng chữa được là rất cao, đặc biệt là khi xác định sớm.