1. Nguyên nhân và triệu chứng gây đau khớp ngón chân cái
Sưng đau khớp ngón chân cái do nhiều nguyên nhân như:
- Bị chấn thương: khi chơi thể thao, vận động sai cách, quá sức hay tai nạn…
- Thói quen vận động và cử động sai tư thế trong thời gian dài.
- Lười vận động: thường xuyên ngồi một chỗ trong thời gian dài, ít vận động khiến cơ bắp yếu đi, xương khớp không còn linh hoạt…
- Sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá gây cản trở quá trình hấp thu chất dinh dưỡng cho xương khớp.
- Ăn uống thiếu chất.
- Bị các bệnh lý: gout, thoái hóa khớp, viêm khớp, viêm khớp dạng thấp….
Các triệu chứng khác đi kèm: Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà các triệu chứng đau khớp ngón chân cái có những biểu hiện khác nhau như:
- Cảm giác bị cứng khớp vào buổi sáng, sau khoảng 20-30 phút khớp sẽ giãn ra.
- Có tiếng lạo xạo khi vận động.
- Sưng, tấy khớp ngón chân cái. Đây là dấu hiệu dễ nhận thấy ở người mắc bệnh gout và viêm khớp dạng thấp.
- Cơ bắp xung quanh khớp yếu dần; Khóa khớp, các khớp ngón chân cái khó cử động.
- Có thể ngón chân cái bị biến dạng.
- Đi lại gặp khó khăn.
Ngoài ra còn có thể xuất hiện một số triệu chứng kèm theo như: Xuất hiện vết bầm, tím ở ngón chân cái; Cảm giác nóng, rát chân; Ngón chân lạnh đột ngột; Các triệu chứng giống như cúm (mệt mỏi, sốt, nổi da gà…); Tê ngón chân cái…
2. Khi nào cần đi khám?
Nếu điều trị tại nhà không đỡ hoặc đau nặng hơn đi kèm một số biểu hiện: Khó thở, thở khò khè; Thay đổi ý thức, dễ nhầm lẫn; Sốt cao trên 38,5 độ C; Không có khả năng đi lại; Ngón chân đỏ tấy, sưng; Xuất hiện các vết loét, mủ ở bàn chân, ngón chân; Bị biến dạng ngón chân… cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
3. Bị sưng đau khớp ngón chân cái là dấu hiệu của bệnh gì?
Khi ngón chân, đặc biệt là ngón chân cái bị sưng đau thì có thể là người bệnh đã mắc một số bệnh:
Các bệnh lý do chấn thương: Bong gân; Trật khớp; Gãy xương.
Do nhiễm trùng: Nhiễm trùng ở ngón chân cái gây ra tình trạng đau nhức và liên quan tới một số bệnh: Viêm mô tế bào; Nhiễm trùng xương (viêm xương); Viêm khớp nhiễm khuẩn…
Do thoái hóa, viêm, tổn thương dây thần kinh như:
- Bệnh bunion: khớp nối ngón chân cái với bàn chân bị bẻ quặp về ngón trỏ làm khớp chân sưng, tấy đỏ. Nguyên nhân có thể do di truyền, mang giày dép không phù hợp hoặc do viêm khớp dạng thấp.
- Viêm bao hoạt dịch: có thể gây ra các triệu chứng như sưng đau ở khớp ngón chân, cứng khớp, ảnh hưởng tới sự linh hoạt của các khớp việc làm di chuyển bị khó khăn.
- Bệnh gout: do nồng độ acid uric trong máu tăng cao. Bệnh gút có thể ảnh hưởng tới bất kì khớp nào: khớp mắt cá chân, ngón chân, bàn chân…. Tuy nhiên, Nhiều trường hợp bệnh khởi phát với cơn đau dữ dội ở khớp ngón chân cái.
- Bệnh viêm khớp ngón chân cái: Là rối loạn của khớp gốc ngón chân cái gây ra cứng khớp và đau khớp ngón chân. Đau có thể tăng khi thời tiết lạnh.
- Bệnh lý thần kinh ngoại biên.
- Viêm khớp dạng thấp: là bệnh viêm mãn tính. viêm và đau khớp và có thể ảnh hưởng tới bất kì khớp nào trên cơ thể nhưng thường xảy ra tại các khớp nhỏ của bàn tay và bàn chân.
- Thoái hóa khớp có thể xảy ra ở khớp dưới cùng của ngón chân được gọi là khớp metatarsophalangeal hoặc MTP.
- Viêm khớp vảy nến: liên quan đến bệnh vảy nến gây nên tình trạng phát ban đỏ, bạc, có vảy trên da và đặc trưng bởi triệu chứng đau, cứng, sưng khớp cả đốt ngón tay và ngón chân.
4. Điều trị thế nào?
Dựa vào nguyên nhân gây đau khớp ngón chân cái bác sĩ sẽ có những phác đồ điều trị riêng cho từng trường hợp:
- Điều trị tại nhà nếu cơn đau đơn giản.
- Có thể chườm nóng hoặc chườm lạnh để giảm sưng viêm.
- Không xoa thuốc hoặc chườm nóng hoặc lạnh đối với các vết thương hở và mưng mủ.
- Để ngón chân được nghỉ ngơi, hạn chế đi lại đặc biệt không làm việc nặng để tránh tạo áp lực lên các khớp ngón chân.
- Có thể dùng nẹp cố định: giúp hỗ trợ giảm áp lực lên ngón chân cái khi vận động.
- Sử dụng thuốc làm giảm cơn đau và kiểm soát các triệu chứng đi kèm. Một số loại thuốc có thể sử dụng như: Paracetamol giảm đau; Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs) như: ibuprofen, naproxen; Chất ức chế xanthine ozyase, allopurilnol, uricozym để hạ acid uric trong máu…; Gel bôi tại chỗ như diclofenac (Voltaren); Tiêm steroid; Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm…
- Vật lý trị liệu: được áp dụng để kiểm soát cơn đau khớp ngón chân cái mang tới hiệu quả lâu dài và ít phát sinh rủi ro. Các chuyên gia vật lý trị liệu sẽ tiến hành các bài tập làm tăng phạm vi chuyển động của ngón chân cái và tăng cường cơ bắp cho chân, từ đó giúp giảm đau, tăng tính linh hoạt cho các khớp.
- Phẫu thuật: là phương án cuối cùng nếu các phương pháp khác không mang lại hiệu quả. Trong một số trường hợp nặng dẫn tới hoại tử, gãy xương hoặc xuất hiện các hạt tophi do bệnh gout, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt bỏ hoặc nối xương để giảm các cơn đau.
5. Lời khuyên của bác sĩ
Bên cạnh việc điều trị, người bệnh cần kết hợp các bài tập và chế độ ăn uống sinh hoạt để đẩy lùi cơn đau cũng như phòng tránh đau khớp ngón chân cái tái phát:
- Hạn chế vận động mạnh, chơi thể thao quá sức: bóng đá, chạy điền kinh, múa bale… luôn khởi động trước mỗi bài tập.
-Thay đổi thói quen sinh hoạt, tránh tác động quá lâu lên khớp ngón chân cái.
- Nên duy trì các bài tập cải thiện tính linh hoạt của khớp ngón chân; Đi giày dép vừa cỡ, tránh mang giày cao gót chèn ép các ngón chân, đặc biệt ngón chân cái.
- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng: Tăng cường các thực phẩm giàu omega-3, tuy nhiên đối với người bị bệnh gout nên nạp một lượng vừa phải; Bổ sung chất xơ như rau họ cải, các loại gia vị, thảo mộc trà xanh, thực phẩm giàu protein…; Hạn chế tối đa đồ ăn nhiều đường, thực phẩm chế biến sẵn và chiên xào.
- Hạn chế rượu bia, đồ uống có cồn, caffeine.
Mời xem video nhiều người quan tâm:
Bộ Y tế cảnh báo dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát vào tháng 11,12 | SKĐS