Sưng đau khớp gối đến phòng khám tư tiêm thuốc, cụ ông bị suy hô hấp

04-01-2019 08:53 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Mới đây, khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân 75 tuổi bị sưng đau khớp gối trái đi khám tại phòng khám tư, được bác sĩ tiêm thuốc vào khớp gối (không rõ loại thuốc), sau tiêm 2 ngày khớp gối trái không đỡ đau mà ngày càng sưng to và lan rộng xuống cẳng chân và lên đùi,

Bệnh nhân tên là  N.V.N (nam, 75 tuổi) ở Thanh Trì (Hà Nội) nhập viện với biểu hiện sốt cao 38.6 độ C, khó thở, chân trái sưng tấy lan tỏa từ đùi xuống cẳng chân.

Qua khai thác thông tin được biết bệnh nhân có tiền sử bệnh ung thư gan cách đây 1 năm đã điều trị nút mạch 1 lần, mới phát hiện bệnh đái tháo đường nhưng chưa điều trị. Trước khi vào viện 10 ngày, bệnh nhân sưng đau khớp gối trái đi khám tại phòng khám tư, được bác sĩ tiêm thuốc vào khớp gối (không rõ loại thuốc), sau tiêm 2 ngày khớp gối trái không đỡ đau mà ngày càng sưng to và lan rộng xuống cẳng chân và lên đùi, sốt cao 38 - 39 độ C.

Bệnh nhân vào bệnh viện tuyến huyện, được chẩn đoán viêm mô tế bào chân trái, tụ máu đùi trái, điều trị kháng sinh 3 ngày tình trạng diễn biến nặng hơn, khó thở tăng dần, ý thức lơ mơ. Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Bước đầu tiếp nhận, các bác sĩ khoa Cấp cứu nhận định đây là tình trạng nhiễm trùng nặng, có thể nhiễm khuẩn huyết đường vào từ khớp gối mà nguyên nhân hàng đầu là vi khuẩn tụ cầu vàng. Bệnh nhân được làm các xét nghiệm, cấy máu, chụp X-quang tim phổi có tổn thương phổi lan tỏa 2 bên, điều trị kháng sinh mạnh, thở oxy liều cao. Sau 2 ngày điều trị bệnh diễn biến nặng lên, bệnh nhân đi vào suy hô hấp nên được đặt ống nội khí quản, thở máy, dùng thuốc vận mạch.

Kết quả cấy máu 2 lần đều như dự đoán, bệnh nhân bị nhiễm khuẩn máu do tụ cầu vàng. Mặc dù được điều trị rất tích cực, hỗ trợ hô hấp, sử dụng 3 loại kháng sinh mạnh liều cao, song tình trạng bệnh nhân tiến triển nặng dần, ngừng tuần hoàn và tử vong sau 5 ngày điều trị.

Theo ThS.BS Trịnh Huy Bình, Đây là trường hợp rất đáng tiếc do biến chứng nhiễm khuẩn nặng sau tiêm khớp mà không đảm bảo các nguyên tắc vô trùng tại các cơ sở y tế.

Tiêm khớp là phương pháp điều trị tại chỗ một số bệnh lý xương khớp được coi là phổ biến, đơn giản, ít tốn kém, hiệu quả cao. Tuy nhiên, lạm dụng tiêm khớp có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường, để lại hậu quả nghiêm trọng, đáng tiếc. BS Bình nhấn mạnh.

Lạm dụng tiêm khớp có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường, để lại hậu quả nghiêm trọng, đáng tiếc.

Tiêm khớp đã được áp dụng điều trị trong lĩnh vực khớp học trên 40 năm nay, và ngày càng khẳng định đây là một trong những phương pháp điều trị an toàn có hiệu quả, và chi phí thấp trong điều trị tại chỗ một số bệnh lý xương khớp. Do tính ưu việt của phương pháp điều trị này, nên hiện nay một số cơ sở y tế và cán bộ y tế đã lạm dụng tiêm khớp trong khi không nắm vững chỉ định, chống chỉ định cũng như kỹ thuật tiêm, gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc như nhiễm khuẩn vị trí tiêm, viêm khớp mủ, nhiễm khuẩn huyết, đứt gân, teo cơ, huỷ xương… Đây thực sự là một vấn đề cần phải khuyến cáo cho cả cán bộ y tế và người bệnh cẩn trọng khi áp dụng liệu pháp điều trị này.

Những trường hợp được chỉ định tiêm khớp:

- Tiêm khớp chỉ được chỉ định điều trị tại chỗ cho các bệnh lý phần mềm cạnh khớp (gân, dây chằng, bao khớp…).

- Một số bệnh viêm màng hoạt dịch khớp không đặc hiệu như: thoái hoá ở khớp giai đoạn nhẹ, viêm khớp dạng thấp, Gout, bệnh lý cột sống thể huyết thanh âm tính, viêm khớp sau chấn thương (không có tràn máu khớp do chấn thương).

Cần lưu ý rằng chỉ nên áp dụng tiêm khớp sau khi các biện pháp điều trị nội khoa không có kết quả (vật lý trị liệu, thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid) nhằm tránh việc lạm dụng tiêm khớp và tiêm phần mềm quanh khớp.

BS Bình giải thích, tuy là một trong các thủ thuật điều trị đơn giản, ít tốn kém, an toàn và có hiệu quả cao, nhưng nếu lạm dụng liệu pháp trong khi không đảm bảo các nguyên tắc vô trùng, không nắm vững chỉ định, chống chỉ định, vị trí giải phẫu, kỹ thuật tiêm và liệu trình điều trị thì sẽ gây ra nhiều tai biến như:

- Nhiễm khuẩn khớp tiêm dẫn đến viêm mủ: do không thực hiện tốt quy tắc vô khuẩn khi tiêm, tiêm thuốc quá liều lượng, thuốc tiêm không đảm bảo chất lượng… Đây là một tai biến nặng cần phải xử lý kịp thời và điều trị kháng sinh liều cao càng sớm càng tốt để tránh nguy cơ huỷ hoại xương khớp, dính khớp, nhiễm khuẩn huyết cho người bệnh.

- Đau tăng sau khi tiêm 12 - 24 giờ: do phản ứng viêm màng hoạt dịch với tinh thể thuốc (viêm khớp vi tinh thể), thường khỏi sau một ngày, không phải can thiệp.

- Teo da, mất sắc tố da tại chỗ tiêm do tiêm nhiều lần vào một vị trí, hoặc tiêm quá nông.

Để đạt được hiệu quả tốt của phương pháp điều trị tại chỗ, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa khớp để được các bác sĩ khám, tư vấn, chẩn đoán bệnh, chỉ định và tiến hành tiêm khớp (nếu cần) nhằm tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. BS Bình khuyến cáo.

 

Không áp dụng tiêm khớp cho các trường hợp

- Viêm khớp nhiễm khuẩn: viêm khớp mủ, lao khớp.

- U xương khớp (lành tính và ác tính).

- Tổn thương khớp do bệnh lý thần kinh, bệnh máu.

- Nhiễm khuẩn ngoài da vùng tiêm khớp.

Thận trọng chỉ định tiêm khớp đối với bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh máu, nhiễm nấm, suy giảm miễm dịch. Thực tế cho thấy nếu quá lạm dụng tiêm khớp trong các trường hợp này có thể làm cho bệnh tiến triển nhanh và trầm trọng hơn, nhiều khi nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Không phải loại thuốc nào cũng sử dụng để tiêm khớp

Do thiếu hiểu biết nên một số người đã sử dụng cả thuốc kháng sinh, vitamin B12, thậm chí cả các thuốc chống viêm không steroid (voltaren, diclofenac…) để tiêm vào ổ khớp. Điều này rất nguy hiểm vì các thuốc này sẽ gây phản ứng viêm mạnh ở màng hoạt dịch, sụn khớp… làm khớp sưng to, rất đau và có thể dẫn đến hậu quả viêm dính khớp, làm mất khả năng vận động của khớp.

Vì vậy cần phải nhấn mạnh rằng, hiện nay chỉ nên sử dụng các thuốc sau đây để tiêm khớp như: các chế phẩm steroid ở dạng dịch treo, chậm tan (Hydrocortison acetate, Diprospan, Depo-Medrol); một số thuốc tiêm khớp đặc biệt khác (Axit osmic 1%, Hyaluronate sodium, huyết tương giàu tiểu cầu, tế bào gốc…).

 



Lê Mai
Ý kiến của bạn