Sụn xương có tác dụng gì, làm thế nào để bảo vệ?

14-08-2022 14:01 | Y học 360
google news

SKĐS - Sụn đóng vai trò như lớp đệm trong khớp. Nó hoạt động giống như bộ phận giảm sóc, bảo vệ giúp giảm chấn động và tránh sự cọ xát giữa hai đầu xương khi khớp cử động.

Sụn là mô liên kết mềm dẻo được tìm thấy ở nhiều nơi trong cơ thể người và các động vật khác, có trong khớp giữa các xương, khung sườn lồng ngực, vành tai, mũi, các phế quản...

Sụn không giòn chắc bằng xương nhưng lại cứng hơn và không mềm dẻo bằng cơ.

Cấu tạo của sụn

Sụn được cấu tạo bởi những tế bào chuyên biệt gọi là nguyên bào sụn. Nguyên bào sụn sản xuất một lượng lớn chất nền ngoài bào, gồm các thành phần: sợi colagen, chất căn bản chiếm lượng lớn, giàu proteoglyca và sợi elastin .

Sụn được cấu tạo bởi những tế bào chuyên biệt gọi là nguyên bào sụn. Ảnh minh họa

Sụn được cấu tạo bởi những tế bào chuyên biệt gọi là nguyên bào sụn. Ảnh minh họa

Người ta chia sụn thành ba loại, đó là sụn chun, sụn trong và sụn xơ.

  1. Sụn trong: gặp ở các sụn khớp, sụn đường hô hấp, sụn sườn.
  2. Sụn chun: có thành phần sợi là sợi chun. Các sợi chun phân bố quanh các ổ sụn, trong chất căn bản và từ màng sụn xâm nhập vào mô sụn. Sụn chun gặp ở vành tai và nắp thanh quản.
  3. Sụn xơ: có thành phần cấu tạo là sợi collagen type I, chúng tạo thành các bó khá lớn và xếp song song nhau. Sụn xơ gặp trong 1 số dây chằng.

Nguyên bào sụn bị giữ lại trong chất nền gọi là tế bào sụn. Chúng nằm trong ổ sụn, có thể có đến 8 tế bào sụn trong 1 ổ sụn.

Sụn không chứa mạch máu. Tế bào sụn được nuôi dưỡng bởi sự thẩm thấu, sự thẩm thấu này được hỗ trợ bằng áp lực tạo nên bởi lực nén của sụn khớp hay sự đàn hồi của sụn chun. Do đó, so với các loại mô liên kết khác, sụn sinh trưởng và sửa chữa chậm hơn.

Sụn xương cấu tạo bởi 3 thành phần chính là tế bào sụn, chất căn bản sụn và sợi liên kết.

Vai trò của sụn xương đối với cơ thể

Sụn đóng vai trò như lớp đệm trong khớp. Nó hoạt động như một bộ phận giảm sóc, bảo vệ giúp giảm chấn động và tránh sự cọ xát giữa hai đầu xương khi khớp cử động. Phần sụn trong che phủ đầu xương trở thành sụn khớp. Khi sụn bị hư hỏng hoặc mòn đi, khớp cũng bị ảnh hưởng và gây đau, cứng và hạn chế chuyển động.

Trước tuổi trưởng thành, các vùng giữa đầu xương và thân xương vẫn tồn tại một tấm sụn gọi là sụn đầu xương, một cấu trúc giúp xương dài tăng trưởng về chiều dài. 

Khi càng lớn tuổi hoặc vận động nhiều khiến các mô sụn dần bị bào mòn, do các chất dịch nhờn không đủ bôi trơn khiến sụn ngày càng xấu đi. Đến khi bề mặt xương cọ sát vào nhau, lâu dần gây nên gai xương hoặc xương tổn thương dẫn đến đau và viêm xương khớp. 

Do không chứa mạch máu hay dây thần kinh nên sụn rất dễ bị thoái hóa âm thầm theo thời gian mà không có dấu hiệu nào cảnh báo trước. 

Việc bảo vệ và chăm sóc sụn rất quan trọng, bởi nó giúp cơ thể khỏe mạnh khi bước đến các giai đoạn của tuổi đặc biệt là tuổi trung niên, cao tuổi.

Việc bảo vệ và chăm sóc sụn rất quan trọng, bởi nó giúp cơ thể khỏe mạnh khi bước đến các giai đoạn của tuổi đặc biệt là tuổi trung niên, cao tuổi.

Lời khuyên của thầy thuốc

Việc bảo vệ và chăm sóc sụn rất quan trọng, bởi nó giúp cơ thể khỏe mạnh khi bước đến các giai đoạn tuổi trung niên, cao tuổi.

Vì thế bạn cần:

  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học. Chọn các loại thực phẩm tốt cho xương khớp, thực phẩm giàu canxi, vitamin và khoáng chất, giàu omega-3. Đó là cấc loại cá biển, cá hồi, tôm, cua. Ăn trái cây, rau màu xanh.
  • Không nên lao động quá sức, bê vác nặng, quá sức.
  • Có chế độ rèn luyện chơi thể thao các môn như đi bộ, cầu lông, bóng bàn, đạp xe…
  • Cần điều chỉnh chế độ ăn mỗi ngày như giảm lượng muối tiêu thụ, giảm lượng caffein hàng ngày, giảm đồ uống chứa cồn do tác dụng làm giảm khả năng hấp thụ vitamin và khoáng chất.
  • Khi thấy những cơn đau nhức bất thường ở các khớp xương thì phải đi gặp bác sĩ chuyên khoa. Sử dụng thuốc uống theo kê toa và chỉ định của bác sĩ.

Xem thêm video được quan tâm

Bão số 2 đổ bộ, khẩn cấp huy động hơn 400.000 người, hàng trăm xe đặc chủng ứng phó


BS. Nguyễn Văn Thắng
Ý kiến của bạn