Sụn chêm hình đĩa - Nguyên nhân gây đau khớp gối ở trẻ em

30-12-2013 23:45 | Y học 360
google news

SKĐS - Sụn chêm hình đĩa là một bất thường về hình thái sụn chêm, thường do bẩm sinh nên dễ làm sụn chêm bị kẹt khi khớp gối vận động gây đau.

Sụn chêm hình đĩa là một bất thường về hình thái sụn chêm, thường do bẩm sinh nên dễ làm sụn chêm bị kẹt khi khớp gối vận động gây đau. Đây là một trong những nguyên nhân đau khớp gối ở trẻ em khó chẩn đoán mà chỉ tình cờ phát hiện khi thăm khám cộng hưởng từ khớp gối vì một lý do khác.

Thế nào là sụn chêm hình đĩa

Trong khớp gối của mỗi chúng ta có hai sụn chêm là sụn chêm trong và sụn chêm ngoài, các cấu trúc này đóng vai trò phân phối lực truyền từ xương đùi xuống mâm chầy, có thể hiểu nôm na như 1 giảm xóc nằm trong khớp. Bình thường, sụn chêm có cấu trúc dạng như 1 chữ C hay còn được mô tả như là hình trăng lưỡi liềm. Ở trẻ em, cấu trúc sụn khá dai chắc nên tương đối khó tổn thương khi chấn thương khớp gối so với các cấu trúc dây chằng. Tuy nhiên, sụn chêm có nguy cơ tổn thương cao hơn và gây phiền toái nhiều hơn khi có cấu trúc bất thường. Thường gặp nhất trong các cấu trúc bất thường của sụn chêm là "sụn chêm hình đĩa" (discoid meniscus).

Sụn chêm hình đĩa thường gặp ở sụn chêm ngoài, rất hiếm gặp ở sụn chêm trong. Tỷ lệ bị sụn chêm hình đĩa theo y văn chiếm từ 1 - 3% dân số và khoảng 20% các trường hợp bị sụn chêm hình đĩa gặp ở khớp gối 2 bên.

 	Tư thế bệnh nhân khi phẫu thuật nội soi khớp gối cắt sụn chêm rách.

Tư thế bệnh nhân khi phẫu thuật nội soi khớp gối cắt sụn chêm rách.

Nguyên nhân do đâu?

Nguyên nhân của sụn chêm hình đĩa không thật sự rõ ràng, một số tác giả cho rằng có sự bất thường trong quá trình phát triển của thai nhi làm cho sụn chêm bị kéo giãn và hình thành cấu trúc hình đĩa. Chấn thương sụn chêm hình đĩa thường gặp khi gối bị xoắn vặn như khi trụ chân hoặc thay đổi hướng di chuyển, tuy nhiên, một số trường hợp thì cũng không xác định được cơ chế chấn thương rõ ràng.

Khó phát hiện

Do bất thường về hình thái nên sụn chêm hình đĩa dễ bị tổn thương hơn sụn chêm bình thường, tuy nhiên, một số bệnh nhân có sụn chêm hình đĩa nhưng hầu như không có triệu chứng trong suốt cả cuộc đời mà chỉ tình cờ phát hiện khi thăm khám cộng hưởng từ khớp gối vì một lý do khác.

Những triệu chứng chủ yếu của sụn chêm hình đĩa có thể gặp là: đau, hạn chế vận động gối hoặc sưng nề, kẹt khớp gối hoặc không duỗi được hết. Tổn thương sụn chêm hình đĩa do chấn thương dễ gặp ở trẻ thiếu niên nên nếu sau một chấn thương khớp gối hoặc trong trường hợp không có lịch sử chấn thương rõ ràng nhưng bệnh nhân có các biểu hiện như trên, đã loại trừ các nguyên nhân nội khoa khác thì cần phải thăm khám xác định xem liệu có phải tổn thương sụn chêm hình đĩa hay không.

Về mặt chẩn đoán, các triệu chứng lâm sàng mang tính gợi ý. Chẩn đoán xác định dựa vào chụp phim cộng hưởng từ khớp gối để xác định mức độ và hình thái tổn thương.

Tổn thương thường gặp

Về mặt tổn thương, sụn chêm hình đĩa có 3 loại: không hoàn toàn, hoàn toàn và loại có dây chằng Wrisberg di động, dây chằng này có vai trò neo giữ sụn chêm vào mâm chầy, khi bị tổn thương hoặc không có sẽ làm cho sụn chêm di động quá mức dễ gây đau và kẹt khớp.

Sụn chêm hình đĩa dễ bị tổn thương hơn sụn chêm bình thường do cấu trúc bất thường nên dễ làm sụn chêm bị kẹt khi khớp gối vận động gây đau và rách sụn. Trong trường hợp dây chằng neo sụn chêm vào mâm chầy không có hoặc lỏng lẻo, nguy cơ này càng cao hơn. Khi bị tổn thương, kể cả sụn chêm bình thường cũng rất khó liền do cấu trúc nghèo mạch máu.

Điều trị thế nào?

Trong trường hợp tình cờ phát hiện qua chụp phim, nếu bệnh nhân không có phiền toái về mặt lâm sàng thì có thể không cần can thiệp và chung sống tiếp tục. Trong trường hợp có triệu chứng lâm sàng, phẫu thuật là cần thiết. Phẫu thuật được thực hiện qua nội soi với việc cắt sửa phần sụn chêm rách và tạo hình lại sụn chêm cho có cấu trúc gần giống bình thường. Một số trường hợp phần sụn chêm rách cũng có thể được khâu lại, tuy nhiên phụ thuộc vào việc đánh giá tổn thương trong mổ.

Sau mổ, bệnh nhân có thể đeo nẹp mềm hỗ trợ, chống nạng trong một thời gian nhất định sau đó trở lại sinh hoạt bình thường. Một số trường hợp có thể phải phục hồi chức năng nếu như gối bị hạn chế duỗi trong một thời gian dài. Đa số các bệnh nhân có thể trở lại với sinh hoạt vận động bình thường, tuy nhiên, trong một số trường hợp tổn thương nặng có thể bệnh nhân vẫn bị triệu chứng đau và về lâu dài có nguy cơ thoái hóa khớp sớm.

TS. Trần Trung Dũng

 


Ý kiến của bạn