Sudan: Nghịch lý “văn hóa không trừng phạt” tội hiếp dâm

22-03-2014 07:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Một nghịch lý đang tồn tại ở Sudan là tội phạm hiếp dâm thường bị xử lý khá nhẹ, trong khi đó, phụ nữ nếu bị kết tội ngoại tình có thể phải đối mặt với án tử hình bằng cách ném đá cho đến chết.

Một nghịch lý đang tồn tại ở Sudan là tội phạm hiếp dâm thường bị xử lý khá nhẹ, trong khi đó, phụ nữ nếu bị kết tội ngoại tình có thể phải đối mặt với án tử hình bằng cách ném đá cho đến chết. Các nhà hoạt động nhân quyền nhận định, nghịch lý này sẽ khuyến khích nạn hiếp dâm bùng phát.

Hiếp dâm nhưng chỉ bị phạt roi

Phán quyết của Tòa án ở Sudan hôm 20/2 vừa qua về một vụ án hiếp dâm đang khiến nhiều nhà hoạt động nhân quyền bức xúc. Nạn nhân là một cô gái 18 tuổi, di cư từ Ethiopia đến Sudan vài tháng trước. Theo lời kể của nạn nhân, cô đã bị một nhóm thanh niên bắt cóc, đưa đến khu đất trống tại Thủ đô Khartoum để thực hiện hành vi đồi bại. Cô gái đã báo cáo toàn bộ sự việc với cảnh sát nhưng nhân viên cảnh sát từ chối thụ lý vụ án vì đang là thời điểm nghỉ lễ. Ban đầu, nhân viên cảnh sát bị cáo buộc “thiếu trách nhiệm trong công tác” nhưng sau đó người này không bị truy cứu trách nhiệm. “Tôi đã bị tấn công tình dục bởi 7 người đàn ông. Họ thay nhau hãm hiếp tôi”, cô gái hiện chưa được cung cấp danh tính nói. Toàn bộ vụ việc được một trong những thủ phạm quay phim lại và sau đó tung lên mạng xã hội. Từ những hình ảnh trên mạng, cảnh sát đã truy tìm và bắt giữ các đối tượng tham gia, trong đó có cả cô gái. Khi bị bắt, cô gái đã mang thai 9 tháng.

Ban đầu, cô bị cáo buộc ngoại tình và có thể phải đối mặt với bản án tử hình bằng cách ném đá theo luật Sudan. Tuy nhiên, cáo buộc này đã bị bác bỏ khi cô chứng minh được mình là một phụ nữ đã ly hôn. “Kể từ khi bị bắt, cô bị giam giữ trong các nhà tạm giam và không được chuyển đến chăm sóc tại bất kỳ cơ sở y tế nào dù đang ở những tháng cuối cùng của thai kỳ”, một đại diện của Tổ chức Sáng kiến chiến lược về phát triển phụ nữ ở châu Phi (SIHA) nói. Trong phòng giam, cô gái phải nằm ngủ trên sàn bê tông mà không nệm, thiếu thực phẩm, không có đầy đủ quần áo. SIHA cáo buộc Sudan đã phân biệt đối xử đối với nạn nhân vì đó là một người phụ nữ nhập cư. Cô gái bị tòa kết án một tháng tù giam nhưng sau đó hình phạt này bị đình chỉ và chỉ chịu phạt 528 bảng Anh. Ngoài ra, quan chức tòa án cũng cho rằng, cô gái có thể bị phạt thêm vì hành vi nhập cảnh bất hợp pháp.

7 người đàn ông bị cáo buộc đã tấn công tình dục cô gái trẻ đã phải hầu tòa. 3 người trong số đó bị kết tội ngoại tình với hình phạt là 100 roi, 2 người bị phạt tiền cùng với 40 roi về hành vi không đứng đắn, 1 người bị kết tội phát tán tài liệu đồi trụy cũng với hình phạt 40 roi, người đàn ông thứ bảy không bị kết tội vì không đủ chứng cứ. Hình thức phạt bằng đánh roi được thi hành ngay lập tức.

“Khuyến khích” nạn hiếp dâm bùng phát

Các thành viên của SIHA đã lên án mạnh mẽ phán quyết của tòa án ngay sau khi phiên tòa kết thúc. Bà Hala Elkarib, một quan chức của SIHA cho biết: “Phán quyết của tòa án phản ánh những thách thức trong việc giúp đỡ nạn nhân của bạo lực tình dục. Rất khó khăn để giúp các nạn nhân theo đuổi công lý cũng như ngăn chặn tội phạm tình dục với một nền văn hóa “không trừng phạt” thủ phạm như hiện nay. Những hình phạt không thích đáng với tội hiếp dâm đang khuyến khích nạn hiếp dâm bùng phát. Thật nghịch lý khi chính nạn nhân lại phải đối mặt với nguy cơ bị truy tố vì tội ngoại tình, có thể bị chết bằng cách ném đá. Phụ nữ và người di cư là những người thiệt thòi và dễ bị tổn thương nhất ở Sudan. Tỷ lệ bị bạo lực, lạm dụng tình dục và ngược đãi ở nhóm đối tượng này chiếm tỷ lệ rất lớn. Hệ thống tư pháp ở Sudan đã chứng tỏ sự bất lực trong việc bảo vệ đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Sự im lặng của nạn nhân người vô gia cư, dân nhập cư và và phụ nữ nghèo ở Sudan diễn ra khá phổ biến”. SIHA cho biết thêm, các phương tiện truyền thông Sudan cũng là một trong những tác nhân đẩy nạn nhân bị bạo lực tình dục vào “đường cùng”. Trong vụ án trên, các phương tiện truyền thông đã đưa tin rằng, cô gái trẻ nhiễm HIV, thậm chí là một gái bán dâm chuyên nghiệp. “Có những thông tin lên tiếng “bảo vệ” kẻ hiếp dâm là do bị ảo giác”, bà Hala Alkarib chia sẻ.

Phát ngôn viên của Cơ quan Phát triển quốc tế (DFID) cho biết: “Chúng tôi lên án các hành vi vi phạm nhân quyền và hình phạt ném đá phụ nữ đến chết là việc làm không thể chấp nhận trong xã hội hiện đại. DFID kết thúc hỗ trợ cho ngành tư pháp Sudan vì dường như môi trường hoạt động ngày càng xấu đi và gia tăng sự quan ngại sâu sắc của chúng tôi về tình hình vi phạm nhân quyền ở đây”.

Phạm Mạnh Tường (Theo independent.co.uk)


Ý kiến của bạn