Bước đi này được đánh giá là bước ngoặt lịch sử tại châu Phi, bởi nội chiến Sudan là một trong những bài toán hóc búa nhất quốc gia này phải đối mặt.
Một trang mới trong lịch sử Sudan được mở ra vào thứ bảy khi các lực lượng ký kết thỏa thuận cuối cùng, chấm dứt 8 tháng khủng hoảng và bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp 39 tháng. Việc ký kết thỏa thuận là đỉnh điểm của một cuộc cách mạng vĩ đại mà tất cả người dân Sudan đều thống nhất.
Lễ ký thỏa thuận lịch sử đem lại hòa bình cho Sudan và sự ổn định lâu dài cho châu Phi.
Phát biểu sau lễ ký, Chủ tịch Hội đồng quân sự chuyển tiếp của Sudan, Trung tướng Abdul Fattah al-Burhan nói rằng các lực lượng vũ trang là đối tác của nhân dân trong giải phóng và kêu gọi thanh niên tiếp tục đóng góp cho thời kỳ chuyển tiếp. Người đứng đầu Hội đồng quân sự chuyển tiếp của Sudan nhấn mạnh, đất nước đang tiến tới giai đoạn xây dựng và thanh niên là lực lượng nòng cốt có kỹ năng khoa học và trình độ cao có thể đóng góp, đưa đất nước lên một giai đoạn mới trong hàng ngũ các cường quốc tiên tiến trong tương lai gần. “Lực lượng quân sự và tất cả các lực lượng hãy cùng nhau xây dựng đất nước. Lực lượng quân sự cũng là đối tác của nhân dân trong thực hiện các nguyện vọng và cùng đi tới đích hoặc đấu tranh tới thắng lợi”. Chủ tịch Hội đồng quân sự chuyển tiếp của Sudan nói. “Vận mệnh của đất nước đã thay đổi quan trọng với những nỗ lực của chúng ta. Hỡi những người dân Sudan vĩ đại! Chúng ta hãy duy trì thắng lợi ngày hôm nay, nỗ lực xây dựng đất nước, vượt qua giai đoạn chuyển tiếp”.
Tuyên bố Hiến pháp là cơ sở để xác định quyền hạn của các cơ quan, gồm hội đồng lãnh đạo hỗn hợp, hội đồng bộ trưởng và hội đồng lập pháp trong giai đoạn chuyển tiếp. Văn kiện này cũng quy định lực lượng vũ trang Sudan và các lực lượng hỗ trợ nhanh nằm dưới quyền chỉ huy của quân đội - là một bộ phận của hội đồng lãnh đạo hỗn hợp, trong khi lực lượng cảnh sát và cơ quan tình báo sẽ chịu sự giám sát của cả hội đồng lãnh đạo hỗn hợp và hội đồng bộ trưởng. Ngoài ra, tuyên bố cũng đề cập việc thành lập hội đồng lập pháp với 67% số ghế là thành viên của FFC, số ghế còn lại dành cho các đảng đối lập khác.
Thỏa thuận vừa ký kết giữa các lực lượng chính trị ở Sudan được dư luận khu vực và quốc tế ủng hộ mạnh mẽ. Liên minh châu Phi cho rằng thỏa thuận thể hiện ý chí của người dân Sudan và là một thành tựu lịch sử vĩ đại. Các nước Ả-rập, đại diện Liên minh châu Âu cũng bày tỏ ủng hộ người dân Sudan xây dựng đất nước ổn định, hòa bình với một tương lai tốt đẹp hơn.
Đánh giá về thỏa thuận trên, Liên đoàn Arab (AL) bày tỏ tin tưởng rằng Tuyên bố Hiến pháp sẽ giúp mở ra một giai đoạn mới quan trọng và phù hợp với nguyện vọng của người dân Sudan về dân chủ và hòa bình toàn diện trên khắp đất nước. AL cam kết sẽ hỗ trợ các bên liên quan tại Sudan để thúc đẩy hòa bình, dân chủ, ổn định và phát triển toàn diện.
TMC nắm quyền lãnh đạo tại Sudan kể từ khi Tổng thống Omar al-Bashir bị phế truất ngày 11/4 vừa qua sau 30 năm cầm quyền. Sau nhiều tuần diễn ra làn sóng biểu tình do FFC phát động yêu cầu TMC chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự, hai bên đã tiến hành đàm phán về chia sẻ quyền lực.
Trong một tuyên bố mới nhất, các quốc gia châu Phi đều nhất trí ủng hộ các nỗ lực ngoại giao tại Sudan. Quốc vụ khanh phụ trách đối ngoại của Ả-rập Xê-út Adel al-Jubeir khẳng định, nước này đang phối hợp chặt chẽ với giới chức Sudan để quốc gia châu Phi này ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố. Phát biểu trong cuộc họp báo sau lễ ký kết giữa các bên Sudan, tại Thủ đô Khartoum, Quốc vụ khanh Ả-rập Xê-út cho biết “Liên quan đến vấn đề danh sách các nước tài trợ khủng bố, Vương quốc chúng tôi đã làm việc với Sudan trong nhiều năm qua để thu hẹp khoảng cách giữa Mỹ và Sudan. Chúng tôi đã cố gắng đóng góp cho quá trình này. Chúng tôi đã làm việc và chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Sudan để đưa Sudan ra khỏi danh sách các nhà tài trợ khủng bố và thu hút được nhiều hơn sự đầu tư nước ngoài”.
Liên minh châu Phi cũng đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với người được đề cử làm Thủ tướng của chính quyền chuyển tiếp Sudan - TS. Abdullah Hamdok và Người đứng đầu Hội đồng quân sự chuyển tiếp Sudan, Trung tướng Abdul Fattah al-Burhan.