Vừa qua, tại Hà Nội, công chúng yêu hội họa trong và ngoài nước đã được chiêm ngưỡng những tác phẩm ký họa màu nước vang bóng một thời nhưng “không có tuổi” của danh họa nổi tiếng Việt Nam Trần Văn Cẩn qua triển lãm Trần Văn Cẩn với ký họa màu nước. Một khán giả đến từ Singapore chia sẻ: “Thật tuyệt vời, triển lãm khiến người xem đến từ khắp nơi có thể cảm nhận được thứ ngôn ngữ toàn cầu vượt qua biên giới và văn hóa”.
Triển lãm Trần Văn Cẩn với ký họa màu nước không chỉ thu hút những người lớn tuổi mà còn hấp dẫn cả các em nhỏ.
Giàu sức sống…
Trần Văn Cẩn (1910 - 1994) vốn là một họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam, ông được mệnh danh là một trong “bộ tứ danh họa” hàng đầu của nền mỹ thuật hiện đại nước ta với câu: “Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn”. Theo họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam “Triển lãm lần này là dịp để công chúng có cơ hội xem lại những hình ảnh về nông thôn, con người Việt Nam được tái hiện lại một cách hiền hòa, thông qua cuốn nhật ký bằng tranh của của họa sĩ Trần Văn Cẩn”.
80 bức ký họa màu nước của họa sĩ Trần Văn Cẩn vừa đưa ra triển lãm là những sáng tác trong những năm từ 1955 - 1979 với 4 chủ đề chính: chân dung, phong cảnh, lao động sản xuất và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Người yêu nghệ thuật đã được chiêm ngưỡng các ký họa chân dung: Hai thiếu phụ và em bé (1955), Chân dung cô T (1963), Bà Ké người Nùng (1964), Cố Thiểm (1966),... trên các chất liệu giản dị, lột tả vẻ đẹp bình dị, mộc mạc của những con người đôn hậu nơi làng quê. Với các ký họa Pháo thủ gái bảo vệ bờ biển (1968), Nữ dân quân Bảo Ninh (1969), Cảnh giới (1969),... tác giả không chỉ góp phần làm phong phú thêm nền mỹ thuật Việt Nam mà còn đưa lại những bức tranh hàm chứa giá trị lịch sử, ghi lại dấu mốc không thể nào quên trong chặng đường đấu tranh giành độc lập dân tộc giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.
Hơn nữa, công chúng nhận thấy tại mỗi tác phẩm ký họa, màu sắc trong tranh Trần Văn Cẩn có sự dung dị, ấm áp. Thiên nhiên trong tranh của danh họa họ Trần có những bảng màu nhẹ nhàng, thể hiện qua các tác phẩm Thuyền sông Hương (1954), Phong cảnh bản Càng (1964), Ráng chiều trên đèo Nai (1965)... Những tác phẩm này tô điểm thêm sự mượt mà và tràn đầy thi hứng lãng mạn như chính con người họa sĩ trước đất trời, tạo vật.
Ít ai biết bộ sưu tập ký họa màu nước của danh họa Trần Văn Cẩn được đem ra triển lãm vừa qua đã từng được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1980, khi đó họa sĩ Trần Văn Cẩn tròn 70 tuổi. Dẫu vậy, đến hôm nay, dù đã 35 năm, những tác phẩm có chút bụi thời gian ấy vẫn làm công chúng yêu hội họa mê đắm bởi ở mỗi tác phẩm đậm đặc những giá trị nghệ thuật.
Không ngừng những mến yêu
Có thể nói, với năng lực sáng tạo dồi dào, hoạ sĩ Trần Văn Cẩn đã định hình cho bút pháp và phong cách sáng tạo riêng của mình. Ở trong các sáng tác ký họa của ông luôn thấm đẫm sắc thái chân thực, hồn nhiên tươi mát và giàu chất trữ tình như tâm hồn lạc quan, yêu đời, phong độ tao nhã và thị cảm trong sáng... Hơn nữa, Trần Văn Cẩn cũng đã dung hợp nhuần nhuyễn yếu tố tạo hình của truyền thống nghệ thuật dân tộc, nhất là tính chất truyền cảm ở nghệ thuật dân gian truyền thống và cũng không quên tiếp thu một cách sáng tạo tinh hoa nghệ thuật tạo hình thế giới, góp phần làm rực rỡ cho nền hội họa nước nhà.
Khi những bức ký họa của Trần Văn Cẩn đến với công chúng một cách rộng rãi, tất cả nhận thấy yếu tố chân thực và từ tốn trong cách thể hiện, không khoa trương trong từng nét vẽ. Mỗi bức ký họa như cuốn nhật ký bằng hình ảnh mà ông ghi chép với tất cả những rung động và xúc cảm chân thực của người nghệ sĩ thực thụ về những miền đất ông đã qua, con người ông đã gặp cũng như hiện thực cuộc sống mà ông trải nghiệm. Dường như hội họa Trần Văn Cẩn vừa hiện đại mới mẻ, giàu liên tưởng lại vừa phát huy được tính dân tộc và đậm đà sắc vị dân gian. Đó là kết quả một cuộc kiếm tìm lâu dài, đúng đắn, sáng tạo và sâu sắc trong hành trình nghệ thuật vô cùng gian nan mà cũng không kém phần hứng khởi của ông. Để có được điều đó, lúc sinh thời dù chiến tranh nhưng ông đi nhiều, vẽ nhiều. Hàng tập ký họa, tranh sơn mài, sơn dầu, thuốc nước, lụa... đã ra đời từ trong thời bom rơi đạn lạc nhưng vẫn đậm chất nghệ thuật. Tác phẩm của ông chứa đựng sâu sắc và đa diện về hiện thực đời sống. Mỗi bức tranh là trang hồi ký về đời sống sinh hoạt những năm tháng tàn khốc nhưng rất mực hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Ông Phạm Hữu Tuấn - một người đến với triển lãm ký họa màu nước của Trần Văn Cẩn chia sẻ: “Họa sĩ Trần Văn Cẩn là một bậc đại thụ về màu nước, đáng để các thế hệ cùng thời cũng như sau này học tập. Hội họa và nghệ thuật chính là cuộc sống. Trần Văn Cẩn đã làm được điều đó, nghĩa là đưa cuộc sống vào trong nghệ thuật, không đánh đố, màu mè. Đó mới là kiệt tác”. Trong khi đó, Joan Marie Kelly - một du khách đến từ Singapore xem xong triển lãm bày tỏ “Thật tuyệt vời khi một công dân/họa sĩ có cơ hội thể hiện cái nhìn của mình trong thời điểm khó khăn như vậy. Điều quan trọng là người xem đến từ khắp nơi có thể cảm nhận được thứ ngôn ngữ toàn cầu vượt qua biên giới và văn hóa. Tôi rất thích triển lãm này”.
Bài, ảnh: Ngân Anh