Sau một số giải thưởng quốc tế tầm cỡ, Nỗi buồn chiến tranh - tác phẩm văn học của nhà văn Bảo Ninh, trong năm 2016 tiếp tục tạo tiếng vang và được vinh danh Giải thưởng Lớn Sim Hun tại Hàn Quốc. Qua 3 thập kỷ kể từ ngày đến tay bạn đọc, Nỗi buồn chiến tranh viết về người lính cho thấy giá trị, sức sống bền bỉ, sức ám ảnh, sự lay động và nhân văn, thành công nhất... từ thời kỳ đất nước đổi mới.
Văn học Việt Nam từ trước tới nay, đã có nhiều tác phẩm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết..., các tác phẩm nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, âm nhạc... đầy lắng đọng, chất chứa giá trị về hình ảnh người lính. Tuy nhiên, sức sống lâu bền và giá trị “vượt thời gian” của mỗi tác phẩm có số phận riêng. Nổi bật, thành công nhất về mảng đề tài viết về người lính, về chiến tranh trong suốt 30 năm qua chính là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Nhắc đến Bảo Ninh là nhắc đến Nỗi buồn chiến tranh và ngược lại, bởi tác phẩm không chỉ được người dân trong nước biết đến mà tác phẩm này còn được dịch, xuất bản tại nhiều quốc gia trên thế giới.
“Nỗi buồn chiến tranh” – tác phẩm của Bảo Ninh có sức sống, sự lan tỏa vượt thời gian.
Xuất bản lần đầu tiên cách đây 30 năm, tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh đã nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991, đã được vinh danh Giải thưởng châu Á 2011. Cuốn sách này sau khi ra đời đã trở thành một trong những tác phẩm được dịch, xuất bản nhiều nhất ở nước ngoài, sách bán chạy nhất ở Việt Nam. Trong năm qua, Nỗi buồn chiến tranh đã được nhận Giải Sim Hun tại Hàn Quốc - giải thưởng văn học mang tên nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch, nhà ái quốc Sim Daeseop. Cần phải biết rằng Giải thưởng Sim Hun rất uy tín, trong khi đó Nỗi buồn chiến tranh lại giành Giải thưởng Lớn theo tiêu chí mà giải thưởng đưa ra, đó là “dành cho các nhà văn châu Á có thành tích đóng góp cho văn học châu Á và giới thiệu văn học châu Á ra thế giới”, đồng thời “nhà văn Bảo Ninh đã có thành tích về mặt văn học, có quan tâm giúp đỡ người yếu đuối trong xã hội và quan tâm tới giá trị chung trong xã hội”.
Nỗi buồn chiến tranh viết về cuộc đời một chiến binh với những hồi khứ đứt đoạn hay liên tục, là ánh hồi quang chiếu xuống những đoản đời. Tác phẩm này còn là khúc thương ca, tâm ca, tình ca thơ mộng, tuyệt diệu và tuyệt vọng, hãi hùng và bi thảm; quyến luyện thực tại và ảo giác, cuộc sống và cõi chết, quá khứ và vị lai. Ngoài tình yêu, Nỗi buồn chiến tranh còn là cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh và chống chiến tranh. Nhận diện chiến tranh dưới những góc cạnh bi quan, tàn nhẫn nhất: qua kinh nghiệm 10 tàn sát, con người học được những gì về lòng nhân ái? về tình người? về nhân tính? Những điều đó, hầu hết đều đã vắng mặt trên thị trường xương máu. Khi phải trực diện với cái chết, chỉ có một chân lý đáng giá và đáng kể: “Miễn là không ngỏm trong mùa khô”. Bảo Ninh đã tìm được một định nghĩa hoang mang và khốc liệt về chiến tranh: “Chiến tranh là cõi không nhà không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu, vô cảm, là tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người”.
Một trong những khía cạnh bi quan và lạc quan nhất của Nỗi buồn chiến tranh là đối lập bản chất tự tôn, anh hùng của người đàn ông với tiềm năng tự tại, nhẫn nhục ở nữ giới, Bảo Ninh đã đạt tới những mâu thuẫn cao độ trong cùng một tác phẩm. Tình yêu là nguồn của cuộc đời: phụ nữ - qua khả năng yêu đương và sinh nở - góp phần tạo nên sự sống. Nhưng họ không có khí giới, sức lực để bảo vệ sự sống. Ngược lại, nam giới có khả năng yêu đương nhưng không có khả năng sinh nở, dùng sức mạnh như một quyền lực tối cao để tận hưởng và phung phí sinh mạng, như để trả đũa cho sự bất lực của mình trước nghĩa vụ cấu tạo cuộc đời: Ðó là mâu thuẫn sâu xa và bi thảm nhất của con người, trực diện với tình yêu, sự sống và sự chết.
Trong nhiều năm qua, kể từ lúc đến tay bạn đọc, giới chuyên môn và độc giả nhận định Nỗi buồn chiến tranh là một trong những cuốn tiểu thuyết đáng đọc nhất của văn học Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từng đánh giá: “Nỗi buồn chiến tranh đã chạm vào mẫu số chung của nhân loại - đó là câu chuyện của thân phận của mất mát của tình yêu và chiến tranh...”. Điểm mới và sự khác lạ còn được thể hiện ở Nỗi buồn chiến tranh, đó là tác phẩm không có cốt truyện, không tình tiết rành mạch mà chỉ là những mảng hồi ức của nhân vật Kiên, một người lính của Tiểu đoàn 27 độc lập hoạt động trên địa bàn B3 còn sống sót, về cuộc chiến tranh đẫm máu vừa qua và về mối tình với cô bạn học Trường Bưởi tên là Phương. Chiến tranh, trong ký ức của Kiên đồng nghĩa với cái chết và sự hủy diệt. Đọc tác phẩm này chúng ta hiểu con người đau khổ, trăn trở, nhận thức như thế nào về quá khứ, về chiến tranh, về những gì được mất trong cuộc đời. Nhà văn gạo cội Nguyên Ngọc đánh giá: “Về mặt nghệ thuật, Nỗi buồn chiến tranh là thành tựu cao nhất của văn học đổi mới”.