Tính chất thủ công thể hiện ở công nghệ sản xuất, các sản phẩm đều là sự kết giao giữa phương pháp thủ công tinh xảo và sáng tạo nghệ thuật. Chính đặc tính này tạo nên sự khác biệt giữa sản phẩm thủ công mỹ nghệ và những sản phẩm công nghiệp hiện đại được sản xuất hàng loạt. Và ngày nay, cho dù không sánh kịp tính ích dụng của các sản phẩm công nghiệp nhưng sản phẩm thủ công mỹ nghệ luôn tạo được sức hút với những người sành điệu.
Bắt tay với du lịch
Thời gian gần đây, rời khỏi những tạo hình đơn giản, thô sơ ban đầu, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam ở nhiều làng nghề đã “lột xác” với dáng vẻ bắt mắt và trở thành món đồ thời thượng được bán với giá cao hơn rất nhiều. Ở Trảng Bom - Đồng Nai có những hộ làm mộc mỹ nghệ hàng chục năm nay, sản phẩm ở đây là các mô hình tàu, thuyền, máy bay hoặc tranh ghép gỗ làm quà tặng du lịch khá độc đáo. Với những điển hình phát triển trong ngành mỹ nghệ tại huyện Trảng Bom, có thể nhận thấy các chủ cơ sở không chỉ đơn thuần phát triển ở mức độ nhỏ lẻ, ổn định mà còn có sự đổi mới tư duy, hội nhập, nắm bắt xu hướng thị trường để hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển mở rộng theo hướng lâu dài, bền vững. Chính sự chủ động, mạnh dạn của các chủ cơ sở, doanh nghiệp đã tạo nên thành công chung cho hoạt động sản xuất công nghiệp nông thôn tại huyện Trảng Bom nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung.
Rời khỏi những tạo hình đơn giản, thô sơ ban đầu, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam ở nhiều làng nghề hiện nay đã “lột xác” với dáng vẻ bắt mắt, trở thành món đồ thời thượng được bán với giá cao hơn.
Cơ sở tranh ghép gỗ Nguyễn Đựng ở xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom là một ví dụ. Cơ sở này chuyên sản xuất các loại giỏ đựng trái cây, móc khóa, hộp nữ trang, tranh ghép... nhằm phục vụ quà lưu niệm cho khách du lịch. Các sản phẩm của cơ sở đều được sản xuất trên công thức cơ bản là tạo hình các chi tiết rồi ghép nối thành một khối sản phẩm hoàn chỉnh theo từng chủ đề khác nhau. Điều độc đáo ở đây là không sử dụng sơn để tạo màu mà dựa trên màu sắc tự nhiên của chất liệu các loại gỗ tràm, gỗ nồng mức... Tranh ghép gỗ vừa mộc mạc vừa có tính mỹ thuật cao, thân thiện với môi trường, có lẽ vì thế mà khách du lịch rất ưa chuộng mặt hàng này, tạo điều kiện cho cơ sở duy trì hoạt động đều đặn.
Không chỉ Đồng Nai, mặt hàng thủ công mỹ nghệ cũng rất phát triển ở nhiều địa phương khác, trong đó có Bến Tre. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi với cảnh quan sông nước hữu tình, những vườn cây ăn trái sum suê, những làng nghề thủ công truyền thống đã tạo nên sức hút với du khách trong và ngoài nước. Cây dừa đã gắn chặt với người dân Bến Tre bao đời nay, từ trong chiến tranh, lao động và sản xuất, để rồi từ cây dừa, người dân Bến Tre đã tạo ra những giá trị không chỉ về mặt kinh tế mà kể cả về mặt văn hóa. Dừa được sử dụng trong ẩm thực, trong xây dựng nhà ở, trong thơ ca và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, là những món quà lưu niệm đầy ý nghĩa mỗi khi du khách gần xa ghé thăm Bến Tre.
Trước đây, ở Bến Tre, nghề sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu dừa chưa thành một nghề chính thức, còn phát triển tự phát, chỉ có một số hộ dân tự làm mỹ nghệ dừa để trang trí trong nhà hoặc để biếu tặng người thân, bạn bè. Sau này, khi kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đặc biệt là du lịch Bến Tre ngày càng có nhiều du khách quốc tế biết đến thì nghề sản xuất truyền thống liên quan đến mỹ nghệ dừa cũng phát triển rộng khắp và trở thành một ngành kinh tế chính, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho người dân. Những người dân xứ dừa với đôi bàn tay khéo léo, tài hoa cộng với óc thẩm mỹ đã tạo dựng nên một ngành nghề mới, biến những thứ có giá trị thấp của cây dừa thành những sản phẩm mỹ nghệ dừa có hồn, có giá trị mỹ thuật cao, đặc sắc với hàng trăm mẫu mã phong phú, độc đáo.
Hiện nay, Bến Tre có đến hàng chục cơ sở làm thủ công mỹ nghệ dừa có quy mô lớn. Mỗi cơ sở lại có đến hơn chục vệ tinh khác đang hoạt động rải rác đều khắp các huyện. Sản phẩm của các cơ sở này tạo ra sẽ được cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước theo đơn đặt hàng, hàng năm xuất khẩu đi một số nước như: Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Anh, Thụy Sĩ... Ngoài ra, trong các cuộc hội chợ xúc tiến thương mại - du lịch trong tỉnh, khu vực và nước ngoài thì các sản phẩm mỹ nghệ cũng được giới thiệu đến du khách với mục đích đưa sản phẩm mỹ nghệ vươn xa hơn nữa trên thị trường quốc tế, khẳng định thương hiệu, mở rộng mạng lưới phân phối.
Hiện nay, các sản phẩm mỹ nghệ dừa đã được các nghệ nhân sáng tạo nên gần 500 sản phẩm đa dạng như túi xách, ví, đũa, muỗng, mặt nạ, đèn ngủ, búp bê, vỏ đồng hồ và các con vật trong đời sống hàng ngày... Cọng dừa ngoài được dùng để bó chổi, qua bàn tay khéo léo của người thợ thủ công còn được đan thành những sản phẩm mỹ nghệ lẵng hoa, giỏ đựng quà... Chà dừa có thể biến thành những chiếc lồng đèn với kiểu dáng đa dạng.
Diện mạo mới, giá trị mới
Thay đổi tư duy về bao bì nhằm làm tăng giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ - đó là điều mà những người làm nghề đều nằm lòng. Tuy nhiên gần đây, sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam mới có những sự chuyển đổi rõ rệt, mang tính thẩm mỹ cao và ngay lập tức mang lại giá trị kinh tế cho người làm nghề. Cơ sở của anh Vũ Thanh Liêm - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hahanco, làng nghề sừng Thụy Ứng, huyện Thường Tín, Hà Nội là một trong số không nhiều cơ sở sản xuất ký hợp đồng chế tác đồ trang sức với thương hiệu nổi tiếng Hermes.
Nhiều sản phẩm được thực hiện theo thiết kế mới, sang chảnh và đẹp đến ngỡ ngàng, đến mức nếu không nói ra thì không ai nghĩ được chúng lại xuất phát từ ngôi làng nhỏ bé ven đô Hà Nội. Những chiếc vòng tay, vòng cổ, hoa tai đẹp trau chuốt, kiểu dáng sang trọng, màu sắc nhã nhặn và bắt mắt được treo trong căn phòng giới thiệu sản phẩm bé nhỏ ven đường của gia đình anh, mà khách đến xem ai cũng nghĩ đó là hàng nhập khẩu từ nước ngoài về. Ngay cả những chiếc lược sừng quen thuộc vẫn bán cho thị trường trong nước cũng có cho mình một đời sống mới, kiêu kỳ và lộng lẫy hơn. Chủ cơ sở sản xuất cho biết, thông thường, 1 chiếc lược như vậy bán ở Việt Nam chỉ có giá khoảng vài chục nghìn đồng, còn ở Nhật Bản là khoảng hơn 700 nghìn đồng.
Trước đây, giới chuyên gia rất lo ngại về tương lai của sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam bởi bất cập lớn nhất của ngành này vẫn là thiết kế mẫu mã sản phẩm dựa trên “mô típ” cũ, hàng hóa vì thế khó xuất khẩu được sang thị trường ngoại. Có tới 90% sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam dựa trên thiết kế của khách hàng nước ngoài. Tuy nhiên, sự lo ngại ấy đã được giải tỏa bởi giờ đây, sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã có một diện mạo mới và một đời sống khác.