Sức mạnh diệu kỳ của tình mẹ

18-06-2014 07:00 | Dược
google news

SKĐS - Những cử chỉ hôn nhẹ vào má con, vuốt ve, cưng nựng... là những hành động mang tính chất tâm lý làm thỏa mãn tình cảm của mẹ đối với đứa con thân yêu của mình.

Những cử chỉ hôn nhẹ vào má con, vuốt ve, cưng nựng... là những hành động mang tính chất tâm lý làm thỏa mãn tình cảm của mẹ đối với đứa con thân yêu của mình. Và hơn thế nữa, những hành động này còn ẩn chứa trong nó những sức mạnh tâm lý tiềm tàng và mang lại một hiệu ứng tích cực cho sự phát triển tính cách của con sau này...

Sức mạnh diệu kỳ

Công trình nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học Sức khỏe cộng đồng mới đây cho thấy, người mẹ không chỉ sinh ra mà còn ảnh hưởng rất nhiều tới sự phát triển tính cách của đứa con sau này.

Trước hết, các nhà khoa học nhận ra một điều rất khác biệt, đó là, có những cá thể khi lớn lên thì rất hiền tính và hạnh phúc nhưng lại có những cá thể lớn lên lại trở thành những người cục cằn, thô lỗ, khó tính. Thử điều tra ngược về sự khác nhau này với hoàn cảnh ấu thơ từ khi lọt lòng, một kết quả thú vị tạm thời được ghi nhận: những người nhẹ nhàng, dịu dàng, vui vẻ thường là những người được chăm sóc đầy đủ trong vòng tay mẹ thời thơ ấu.

Sự quan tâm chăm sóc của mẹ ảnh hưởng tới sự phát triển tính cách của con sau này.

Sự quan tâm chăm sóc của mẹ ảnh hưởng tới sự phát triển tính cách của con sau này.

Vậy nên, người ta đã đặt ra giả thiết, liệu có phải sự âu yếm của mẹ có ảnh hưởng hoặc tác động lên sự hình thành tính cách của con? Và để kiểm chứng, các nhà khoa học tiến hành theo dõi những đứa trẻ từ khi mới được 8 tháng tuổi cho đến khi phát triển thành đứa trẻ vị thành niên (15 - 16 tuổi). Sự thay đổi tâm lý, hình thành tính cách tại thời điểm vị thành niên được ghi chép, phân loại và so sánh với sự âu yếm chăm sóc của người mẹ từ lúc ấu thơ. Những nỗ lực này nhằm đưa ra xác định: có hay không sự liên quan vô hình giữa tình cảm mẹ và tính cách con.

Toàn bộ 500 cặp “bà mẹ - đứa trẻ” được theo dõi sát sao. Sự quan tâm, âu yếm của mẹ được ghi chép và cho điểm từ thấp đến cao tùy thuộc mức độ tương tác của mẹ dành cho con. Kết quả cho thấy, trong số 500 bà mẹ, có 85% trong số này âu yếm con mức độ trung bình, 10% có sự âu yếm dưới mức cần thiết và chỉ có 5% bà mẹ đạt mức âu yếm ở mức cao. Và cũng rất bất ngờ, có khoảng 10% những đứa trẻ khi lớn lên có tính cách cáu bẳn, hay suy nghĩ, lo lắng và sợ sệt. Chúng trở nên hung dữ hơn mức cần thiết khi có một tình huống xảy ra hoặc là chúng lại trở nên quá nhút nhát hoặc quá mất tự tin với một sự việc rất đỗi bình thường. Điều kỳ lạ, đa phần những đứa trẻ mang sắc thái tâm lý tiêu cực lại nằm ở nhóm ít được các bà mẹ quan tâm chăm sóc. Trong khi đó, những đứa trẻ được quan tâm, chăm sóc, âu yếm đầy đủ từ người mẹ lại trở thành những người rất tự tin, vui vẻ, hoạt bát, dám thể hiện trước đám đông, biết cách giải quyết tình huống và giải tỏa stress. Chúng là những đứa trẻ rất lạc quan.

Và lý giải của y học

Các nghiên cứu của y học đã chứng minh những hiện tượng trên hoàn toàn có thật và có cơ sở khoa học. Sự vui vẻ, hiền tính hay hung dữ đã được mã hóa một phần trong bộ gen di truyền, liên quan tới các vùng nhân xám dưới vỏ và các vùng não liên hợp còn đầy bí ẩn của não bộ. Gen di truyền mang những thông tin mã hóa định sẵn quy định kích thước và cấu trúc của các phần não liên hợp như hồi đai, hồi hải mã, phức hợp hạnh nhân - những cấu trúc còn đầy bí ẩn. Nhưng có những bằng chứng thực tế bắt buộc người ta phải thừa nhận, tốc độ phát triển và mức độ đạt được của sự phát triển lại phụ thuộc tương đối vào sự tương tác xã hội trong những năm đầu đời. Mà ở đây chính là sự tương tác của người mẹ.

Y học đã chứng minh, trong những năm tháng đầu đời, não bộ của bé chưa hoàn hảo. Chúng được phát triển rất nhanh trong năm đầu tiên. Và sự phát triển này tiếp tục được thực hiện trong nhiều năm sau đó cho đến lúc trưởng thành. Nhưng sự phát triển quan trọng nhất liên quan tới hình thành tính cách mang tính bản năng lại là trong thời gian đầu đời này, khi mà não bộ hình thành sự kết nối, phát triển mạnh mẽ các trung tâm và tăng thể tích đến tối ưu ở các vùng dưới vỏ. Đây chính là các vùng liên quan đến sự hình thành tính cách bản năng của một đứa trẻ.

Sự phát triển của não bộ trong thời kỳ này phụ thuộc rất lớn vào sự tương tác của người mẹ. Bởi người mẹ là người duy nhất lúc này đem phản ánh xã hội vào đứa con. Mẹ có thể âu yếm, vuốt ve, cưng nựng hay yêu thương, mẹ cũng có thể nghiêm khắc, khó tính hay gắt gỏng. Tất cả sắc thái này của người mẹ đã được phản ánh, ghi nhận vào con và tạo mầm định hướng cho sự phát triển trong tương lai. Nếu người mẹ thường xuyên nói chuyện với con, thường xuyên cưng nựng con, thường xuyên vuốt ve con, thường xuyên đem đến một không gian hòa bình cho con thì dường như các trung tâm hung dữ như phần trước của vùng dưới đồi và hồi hải mã không quá lớn (thể tích nhỏ hơn 10% so với đứa trẻ hung dữ). Chúng giúp cho các đứa trẻ rất nền tính, vui vẻ và hạnh phúc.

(Theo J. Epid. Com. Health)

  Nam Phong

 


Ý kiến của bạn