Khoảng một năm trước đây trên internet lan truyền bức thư của Einstein nói về một loại lực vũ trụ (Universal force) gửi cho cô con gái đầu lòng. Nhưng chẳng bao lâu sau đã có người chứng minh một cách thuyết phục rằng nó đã được ngụy tạo...(*)
Tuy vậy những điều nói trong bức thư “ngụy tạo” ấy dường như có ý nghĩa thật lớn lao, xứng với tầm cỡ của nhà khoa học vĩ đại của nhân loại, và hơn thế nữa nó tương đồng với tư tưởng nhân văn mà Einstein đã tỏa sáng trong suốt cuộc đời mình. Vì vậy tôi để chữ ngụy tạo trong dấu ngoặc kép với hàm ý không có nghĩa xấu xa. Có lẽ tác giả chỉ muốn mượn uy tín của Einstein để nói lên sức mạnh vô biên của tình yêu của con người đối với vạn vật. Lương tri nhân loại mách bảo chúng ta như vậy, chứ không chỉ là ý riêng của Einstein.
Tác giả đưa vào ngòi bút của Einstein những câu thế này: “Khi cha công bố Thuyết tương đối, rất ít người có thể hiểu được. Giờ đây điều mà cha sắp tiết lộ với nhân loại rồi cũng sẽ vấp phải những hiểu lầm và thành kiến của cả thế giới.
Vì vậy, cha mong con giữ kín lá thư này trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ cho tới khi xã hội đủ tiến bộ để có thể chấp nhận những điều mà cha sắp giải thích dưới đây.
Có một loại lực vô cùng mạnh mẽ, loại lực mà tới tận bây giờ khoa học cũng chưa thể tìm ra định nghĩa chính xác nào cho nó. Lực này bao gồm và chi phối mọi loại lực khác. Thậm chí còn đứng sau vô vàn hiện tượng do vũ trụ vận hành mà chúng ta vẫn chưa thể lý giải. Đó là tình yêu”.
Đúng là rất ít người đương thời hiểu được Thuyết tương đối của Einstein. Nhưng không thể tin rằng vào lúc ấy lại ít người hiểu được sức mạnh của tình yêu để có thể đồng cảm được với những điều mà tác giả thật sự của bức thư sẽ gán cho Einstein. Cũng không có lẽ xã hội lúc ấy chưa đủ tiến bộ để lĩnh hội tư tưởng nhân văn cốt lõi về tình thương, lòng trắc ẩn và tinh thần vị tha đã tồn tại hàng ngàn năm trước trong giáo lý của các tôn giáo nguyên thủy như Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Vậy thì hà cớ gì mà tác giả lại phải mượn đến uy danh của Einstein để mà cảnh báo nhân loại? Phải chăng chính tác giả cũng đã rất hiểu nỗi lo lắng của Einstein về sự tha hóa của con người, về sự xuống cấp nguy hại của văn hóa, giáo dục và đạo đức xã hội trong thế giới vật chất ngày càng sung mãn nhờ các thành tựu huy hoàng của khoa học và kỹ thuật. Tác giả cũng nhìn thấy mặt trái của tấm huy chương của nền khoa học hiện đại dựa trên nền tảng duy vật, duy lý và thực chứng: nó gây ra sự ngộ nhận tai hại rằng khoa học là vạn năng, sẽ phát hiện được tất cả các quy luật của thế giới vật chất và cả tinh thần, sẽ chinh phục được tự nhiên; và phủ nhận hoàn toàn đời sống tâm linh và đức tin. Xã hội với não trạng như vậy rõ ràng là chưa đủ tiến bộ để hiểu được những gì hàm chứa trong định nghĩa sức mạnh của tình yêu mà tác giả bảo là của Einstein.
“Lực này bao gồm và chi phối mọi loại lực khác, thậm chí còn đứng sau vô vàn hiện tượng do vũ trụ vận hành mà chúng ta vẫn chưa thể lý giải”.
Hơn ai hết Einstein là người ước mơ xây dựng một lý thuyết trường thống nhất bao gồm tất cả các loại lực tương tác duy trì sự vận hành hoàn hảo của thế giới tự nhiên, được biết cho đến lúc ấy là lực điện từ, lực hấp dẫn, lực tương tác hạt nhân yếu và lực tương tác hạt nhân mạnh. Ông đã bỏ ra hơn 40 năm cuối đời, như con đà điểu rúc đầu trong đống cát (theo lời thú nhận của chính ông), để thực hiện ước mơ, nhưng đã thất bại trong tuyệt vọng. Vì thế cái lực vũ trụ mà tác giả đưa vào ngòi bút của Einstein không phải là một lực đồng thứ nguyên với bốn lực vật lý nói trên, mà là một loại lực khác hoạt động trong thế giới tinh thần và tâm linh của con người, “loại lực giải thích mọi điều và thổi ý nghĩa vào cuộc sống”.
Đi xa hơn tác giả còn thay mặt Einstein giải thích: “Để giúp khái niệm tình yêu trở nên dễ hình dung hơn, cha đã thực hiện một sự thay thế đơn giản trong phương trình nổi tiếng nhất của mình. Thay vì sử dụng công thức E=mc2, ta chấp nhận rằng năng lượng hàn gắn thế giới có thể tạo ra từ tình yêu nhân với tốc độ ánh sáng bình phương. Chúng ta hoàn toàn có thể kết luận rằng: tình yêu chính là năng lượng bất khả chiến bại, bởi nó là vô hạn”. Rõ ràng đây chỉ là một phép phiếm chỉ để nói lên sức mạnh của tình yêu. Công thức bất hủ của Einstein cho ta biết rằng một khối lượng vật chất cực kỳ nhỏ bé có thể tạo ra một năng lượng khổng lồ: mấy đề-xi-mét khối uranium được làm giàu có thể tạo ra sức công phá đủ tiêu hủy cả một thành phố lớn có diện tích như của Hiroshima trong Thế chiến thứ hai. Đại lượng vật lý c là tốc độ ánh sáng (300.000km/giây) có mặt trong công thức phi vật lý N (năng lượng hàn gắn thế giới) = t (tình yêu) c2 chỉ là để nói lên sức mạnh vô hạn của tình yêu.
Phải chăng người bày đặt ra câu chuyện lý thú này đã cảm thức được một cách sống động rằng ngày nay chúng ta đang sống trong thời đại mà cái ác đang thắng cái thiện ở tầm vĩ mô, ngay tại cơ tầng văn hóa - giáo dục xã hội trên phạm vi toàn cầu, và muốn nhắc nhủ nhân loại hãy trở về với các giá trị nhân văn nguyên thủy. Vì vậy một năng lượng vô biên tạo ra bởi tình yêu để có thể hàn gắn thế giới tinh thần và tâm linh đang có nguy cơ tan rã há chẳng cần lắm sao?
(*) Xem chẳng hạn http://www.huffingtonpost.com/katharine-rose/the-truth-behind-einstein-letter.