Sức mạnh của sự tử tế

01-02-2017 08:24 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - “Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay lễ đài quốc gia.

“Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay lễ đài quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có nỗ lực và chí hướng cao xa đến mấy cũng chỉ là những điều tầm phào”.

Đấy là lời bình trong bộ phim nổi tiếng Chuyện tử tế của Trần Văn Thủy cách nay đã hơn 30 năm. Đã hơn 30 năm nay, cùng với số phận nhọc nhằn của bộ phim tài liệu này (xem Chuyện nghề của Thủy, NXB Trẻ 2013), sự tử tế trong xã hội ta hình như ngày càng thiếu vắng trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người. Đó là nỗi đau nhân thế, là sự hổ thẹn cắn rứt lương tâm không của riêng ai. Vậy ta phải làm gì? Phải bền bỉ đánh thức sự tử tế để nỗ lực và chí hướng cao xa của mỗi chúng ta và của cả cộng đồng không trở thành những chuyện tầm phào!

Mở đầu cuốn sách rất mỏng nhưng rất hay Sức mạnh của sự tử tế (NXB Tri thức 2015) các tác giả - hai nữ doanh nhân trẻ  thành đạt ở Hoa Kỳ, viết:

“Chúng tôi viết Sức mạnh của sự tử tế là vì chúng tôi hoàn toàn không đồng tình với cái khôn ngoan phổ biến, rằng “hiền lành thì thua thiệt” và “không có cái gì tốt mà tồn tại bình yên”. Nền văn hóa của chúng ta đang truyền bá thuyết Darwin về xã hội - ai thích nghi thì sẽ sống sót và thứ triết lý sát phạt “một mất một còn”. Nhưng điều đó trái ngược hoàn toàn với cách chúng tôi thành công trong công việc và trong cuộc sống”. Theo họ “hiền lành (tử tế - chú thích của người viết bài này) không phải là ngây ngô. Hiền lành là từ cứng rắn nhất trên đời này!”.

Ngay ở chương đầu cuốn sách, các tác giả đã chỉ rõ 6 nguyên lý sức mạnh của sự tử tế, đó là: Tạo ấn tượng tích cực; Tin vào điều tốt lành; Tin vào sự thay đổi của người khác; Lòng tốt (nhân ái, trắc ẩn, vị tha, bao dung - chú thích của người viết bài này) phải tự nhiên; Không phát tán tiêu cực; Hãy làm và quý trọng lòng tốt.

Các chương tiếp theo, bằng các câu chuyện có thật trong cuộc sống, tác giả đã trình bày một cách sáng rõ những kỹ năng thiết yếu để hình thành và sử dụng sức mạnh của sự tử tế. Chẳng hạn ở Chương VI Nói ra sự thật: Nói ra sự thật luôn tốt hơn là che giấu nó ở bất kỳ cấp độ nào, lĩnh vực hoạt động nào của con người.

Còn nhớ tâm trạng đau đớn đến tuyệt vọng của Solzhenitsyn - nhà văn Nga nổi tiếng (bị trục xuất khỏi Liên Xô từ 1972 vì tác phẩm Quần đảo Gulak của ông mới được trao giải Nobel Văn chương) khi trở về Tổ quốc mình vào năm 1974.

Ông bàng hoàng nhận ra rằng cả xã hội đang bị băng hoại vì chìm ngập trong dối trá. Ông kêu gọi giới những người có học Nga lúc ấy “Không cần phải đi dưới súng phun lửa đang nhắm vào những người biểu tình, chỉ cần làm mỗi một việc: Hít thở. Chỉ cần làm mỗi một việc: Không nói dối...  Không nói dối, không tham gia vào việc dối trá, không đồng lõa với dối trá” (xem bài Tầng lớp kỹ giả của Solzhenitsyn trong cuốn Về trí thức Nga, NXB Tri thức 2009).

Để làm người tử tế, để có thể tận dụng được sức mạnh của sự tử tế thì việc đầu tiên phải làm là không dối trá. Solzhenitsyn gợi ý ta rằng: Đừng đổ lỗi chỉ cho cơ chế hay thể chế. Hãy thành tâm nhận phần lỗi của mình; Bức xúc cũng không làm ta vô can; Người ta đứng ngạo nghễ phía trên bởi vì ta cam chịu quỳ xuống; Hãy bắt đầu từ việc KHÔNG NÓI DỐI.

Chương IX của cuốn sách Hãy tựa đầu lên vai người khác tác giả khẳng định kỹ năng quan trọng nhất cho bất kỳ ai muốn khai thác sức mạnh của lòng tốt, của sự tử tế là phải thấu hiểu nỗi thống khổ và sự tuyệt vọng của con người để người khác có thể tựa đầu vào bờ vai mình với sự ấm áp và lòng tin.

Cái bao trùm lên mọi kỹ năng xét cho cùng vẫn là tình yêu với sức mạnh vô địch của nó. Chỉ có năng lượng vô biên của sức mạnh tình yêu mới có thể hàn gắn được thế giới tinh thần và tâm linh của con người.

Trong đoạn kết của lời bình phim Chuyện tử tế có viết thế này: “Vậy ra, xét cho cùng ở trên đời này không có một nghề nghiệp nào, không có một công việc gì, và cũng không có một người nào trở nên tử tế nếu không bắt đầu từ tình thương yêu con người, sự trân trọng đối với con người và đi từ nỗi đau của con người”. Thật là chí lý!

Hình như cả nhân loại đang vấp phải vấn đề của mình trong tiến trình phát triển: Cái ác đang thắng cái thiện ở tầm vĩ mô, ở cơ tầng văn hóa - giáo dục xã hội. Việt Nam ta không phải là một ngoại lệ, có chăng chỉ là một ngoại lệ đặc biệt trầm trọng thôi. Chưa bao giờ dối trá và bạo lực lại đầu độc cuộc sống của cộng đồng đến kinh hoàng thế này! Thay vì bức xúc, nên chăng là mỗi chúng ta cũng lại bắt đầu từ những việc nhỏ nhất có thể làm được để trở lại với nguyên lý ban đầu: Làm người tử tế. Một xã hội chỉ có thể phát triển lành mạnh khi có nhiều người tử tế, khi cái thiện áp đảo cái ác ở mọi cấp độ, mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội.


GS. Chu Hảo
Ý kiến của bạn