“Sức mạnh” của nhà cung cấp độc quyền

07-07-2014 01:26 | Thời sự
google news

SKĐS - Vừa qua, trên báo chí và các diễn đàn mạng, dư luận từ Bắc chí Nam đều tỏ ra rất bức xúc vì tình trạng hóa đơn tiền điện tháng 5 tăng đột biến.

Thắc mắc cho đỡ... buồn

Vừa qua, trên báo chí và các diễn đàn mạng, dư luận từ Bắc chí Nam đều tỏ ra rất bức xúc vì tình trạng hóa đơn tiền điện tháng 5 tăng đột biến. Nhiều người dân cho biết, hóa đơn của họ so với các tháng trước đều tăng gấp hai, người nhiều thì gấp ba lần, từ vài trăm ngàn đồng lên 1 - 2 triệu đồng, thậm chí có nhiều hóa đơn vài chục triệu đồng, mặc dù họ vẫn sử dụng điện với cơ cấu như các tháng, hoặc giả chỉ chạy thêm một máy điều hòa nhiệt độ mà thôi.

Dư luận đều chung một ý kiến cho rằng, sự độc quyền của ngành điện lực là nguyên nhân dẫn tới nhiều bức xúc, trong khi ngành điện vẫn chưa có những trả lời rõ ràng, mà chỉ nói chung chung là nhu cầu điện tăng cao dịp nắng nóng.

Công tơ điện ở trên cao, thợ điện còn toát mồ hôi, người dân làm sao tiếp cận để... tự sửa chữa?

Công tơ điện ở trên cao, thợ điện còn toát mồ hôi, người dân làm sao tiếp cận để... tự sửa chữa?

Điều này khiến cho bà con phải đoán già đoán non về nguyên nhân con số khổng lồ trong hóa đơn tiền điện tháng 5 vừa qua: người thì cho rằng vì thay bằng điện kế điện tử nên đồng hồ quay không chính xác, người cho rằng công tơ điện để trên cao nên nhân viên ghi hóa đơn theo kiểu “ước lượng”, lại có người cho rằng ngành điện tùy tiện “tăng một tháng cao điểm rồi bù tiền cho người dân vào một tháng nào đó thấp điểm”... Tóm lại, có một điểm dễ nhận thấy là trong khi các dịch vụ khác chỉ cần người dân thắc mắc một chút là nhà cung cấp phải ra sức thanh minh, giải trình, thì ngành điện cứ lơ mơ là... cúp, khiến không ai dám ho he.

Tôi đang sống giữa Thủ đô, tất nhiên cũng cùng chung một bức xúc như những người dân kia, hóa đơn điện gia đình tháng 5 cũng tăng gấp đôi (từ 1 triệu đồng lên 2 triệu đồng), đặc biệt là các chỉ số và cách tính định mức của riêng tháng 5 rất loằng ngoằng, khác với thông thường. Tuy nhiên, tôi cũng phải hoàn thành trách nhiệm trả tiền điện theo đúng hóa đơn mà không dám “lơ mơ” vì sợ cúp điện. Nhưng qua đây, tôi không bàn thêm về giá, mà lại muốn đơn cử một câu chuyện về cách phục vụ của nhà cung cấp mà bản thân gặp phải, để ngành điện cũng như nhiều ngành dịch vụ khác có thể nhìn lại bản thân mình.

Cùng là dịch vụ, sao khác nhau đến thế

Gia đình tôi sử dụng khá nhiều loại dịch vụ của nhiều nhà cung cấp khác nhau, trong đó quan trọng nhất là điện, nước và internet. Chỉ qua khoảng 5 năm gần đây, trong quá trình sử dụng dịch vụ, tôi đủ khả năng để kiểm chứng cung cách phục vụ của từng nhà cung cấp ra sao và tôi phát hiện ra: có một sự tỷ lệ thuận giữa phục vụ kém và nhà cung cấp độc quyền.

Đơn cử, mạng internet tôi đang sử dụng của nhà cung cấp VNPT, khi gặp trục trặc, tôi gọi tổng đài báo hỏng thì nếu báo buổi sáng, buổi trưa hoặc chiều lập tức có thợ sửa chữa liên lạc để sửa chữa ngay lập tức, họ làm với thái độ nhiệt tình, giải thích cặn kẽ và không một chút đòi hỏi gây khó dễ. Trong khoảng vài năm sử dụng, tôi đã gọi 4 - 5 lần, tuy gặp những người thợ sửa chữa khác nhau nhưng dịch vụ lần nào cũng lập tức và tận tình, dù sự cố có thể do đường dây hoặc do các thiết bị của gia đình.

Nhưng ngày 28/6 vừa qua, nhà tôi bỗng dưng mất điện từ sáng. Cho rằng sửa điện, tôi đợi đến qua trưa mà không có nên gọi tới tổng đài điện lực quận Tây Hồ - nơi cung cấp điện phản ánh. Một giọng thanh niên trực nghe máy và nói: “Sao bây giờ anh mới nói, thế anh đã thanh toán tiền điện chưa”. Hơi nóng mặt, nhưng tôi thầm nghĩ có lẽ khá nhiều hộ bị cắt điện vì chậm trả tiền, nên vẫn trả lời: “Tôi thanh toán đầy đủ tháng nào tháng nấy”. Giọng thanh niên lại nói: “Anh nhớ xem là tháng gần đây nhất anh thanh toán là tháng mấy?”. Tôi cố gắng kiềm chế bực mình và trả lời: “Tháng 6”. Lúc đó anh tổng đài điện mới nói: “Vậy anh cho xin số điện để tôi báo thợ sửa chữa”. Tôi đọc xong số và ngồi chờ nửa tiếng, rồi một tiếng cũng chưa thấy có phản hồi. Gọi lại, vẫn nhân viên kia nghe máy và hỏi y như trước, rồi vẫn hứa báo thợ sửa chữa. Nóng ruột, tôi mượn chiếc thang tre nhà hàng xóm trèo lên bốt điện đặt công tơ, thì thấy cái công tơ nhà tôi bị đóng xuống (có thể do quá tải tự nhảy), tôi liền bật lên và thế là xong. Đến chiều tối, một thợ xưng là của điện lực gọi cho tôi và hỏi: “Nhà anh có điện chưa”, tôi trả lời: “Tôi tự sửa được rồi, chỉ bị nhảy aptomat thôi, đợi các anh chắc chết nóng”. Anh thợ lại tiếp: “Thế thì anh nhớ là lần sau nếu bỗng dưng mất điện, anh cứ lấy thang trèo lên bật lại aptomat là được ngay anh nhé”. Tôi bấm bụng vừa bực vừa buồn cười cái cung cách phục vụ khách hàng của các anh thợ điện. Đấy là tôi thanh niên và cũng vài lần kinh nghiệm “trèo bốt điện” để đóng aptomat, chứ với nhiều người khác, có lẽ họ đành bó gối chịu đựng, chưa kể nhỡ xảy ra nguy hiểm cho người dân khi trèo cao vướng dây điện thì sao. Nhà cung cấp điện chỉ biết thu tiền, nhưng chất lượng dịch vụ lại khá lơ là.

Chợt nghĩ: “Vậy có phải tôi đang may mắn gặp phải những người thợ VNPT tốt bụng?”. Tôi dám chắc là không, đơn giản, bởi lẽ nếu không “tốt bụng” thì tôi sẽ lập tức chuyển sang sử dụng mạng của cả chục nhà cung cấp khác với giá cả đôi khi còn rẻ hơn và chất lượng chẳng kém. Còn với điện, tôi chưa bao giờ dám “nổi nóng”, cũng đơn giản, họ cứ dọa lơ mơ họ “cúp điện” là xong. Chỉ bấy nhiêu thôi, đủ để thấy “sức mạnh” của nhà cung cấp độc quyền.

Hoàng Lê

 


Ý kiến của bạn