Huyền thoại là những câu chuyện do trí tưởng tượng tập thể đặt ra để giải thích những thành tích kỳ diệu của thần thánh, anh hùng, những hiện tượng tự nhiên hoặc xã hội và gửi gắm những nguyện vọng thầm kín của một cộng đồng. Huyền thoại nằm sâu lắng trong tiềm thức dân tộc và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác qua con đường vô thức.
Ở phương Tây hậu công nghiệp, kỹ trị và khoa học hóa, với chủ nghĩa tiêu thụ, huyền thoại trở thành đối tượng của văn nghệ thiếu nhi, những lễ hội dân gian, những công ty du lịch và khoa học nhân văn.
Ở Việt Nam, huyền thoại không bị xoá mờ đi mà vẫn thể hiện trong đời sống hàng ngày. Lễ cưới dù có hiện đại với váy đầm, xe Mercedes, vẫn phải có trầu cau nhắc nhở một chuyện xưa đầy tình nghĩa. Tết đến, nhà nào cũng có bánh chưng, xưa có thêm bánh dầy, gợi nhớ sự tích thuở vua Hùng. Những lãnh tụ các phong trào chống ngoại xâm, kể cả Chủ tịch Hồ Chí Minh, không quên nói đến sự tích vua Hùng, con cháu Lạc Long Quân - Âu Cơ, để động viên tinh thần yêu nước. Có thể giải thích sự tồn tại sâu đậm của huyền thoại ở nước ta: trước hết, nền văn hóa Việt Nam như các nền văn hóa khác ở Đông Á, được đặc trưng bởi tinh thần cộng đồng, gắn bó với truyền thống...
Đình làng Vị Thượng - Phủ Lý - Hà Nam. |
90% dân ta gọi là dân lương, theo một thứ dung hợp tâm linh gồm Khổng học, đạo Phật, đạo Lão và các tín ngưỡng dân gian xa xưa, bao gồm nhiều huyền thoại (đạo Kitô không chấp nhận huyền thoại dị giáo).
70% dân ta vẫn sống ở nông thôn, sống bằng nông nghiệp là mảnh đất của huyền thoại. Sau 30 năm chiến tranh gây bao đau thương mất mát, nhiều người thấy duy vật phải bổ sung bằng tâm linh.
Bản chất của tôn giáo Việt Nam là gì?
Theo GS. Bruce Mathews (Canada), hai tôn giáo có ảnh hưởng quyết định ở ta là đạo Phật và đạo Thiên Chúa. Nữ GS. Kridtin Pelzer (Hawaii, Mỹ) lại cho tín ngưỡng vật linh bản địa mới là cái gốc. Đó cũng là ý kiến của linh mục Cadicre (Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp) là chuyên gia về tôn giáo Việt Nam: Tôn giáo thực sự của Việt Nam là thờ Thần (gồm cả Thánh, ma quỷ, ông bà ông vải). Đó là cái ruột, còn các tôn giáo du nhập ngoại lai nhiều khi chỉ là cái vỏ. Toan Ánh (trong Tín ngưỡng Việt Nam) cũng cho tín ngưỡng Việt Nam là đạo thờ Thần theo nghĩa ấy. Như vậy, đạo thờ Thần của ta rất gắn với Shintô (Thần đạo) của Nhật. Chỉ khác ở chỗ Thần đạo của Nhật từ thế kỷ 17 đã trở thành quốc đạo, tôn sùng dòng dõi Nhật hoàng; còn đạo thờ Thần của ta đến nay vẫn mang tính dân gian.
Trồng lúa nước phải trông vào trời (mưa thuận gió hòa), vào đất (tốt), vào nước (có đủ). Mặt khác, người ta tin vào khả năng sinh nở của phụ nữ có thể truyền cho đất, khiến lúa tốt, nhiều hạt. Cho đến nay, nữ cấy lúa chứ không phải là nam. Những yếu tố trên, khiến cho từ tục thờ phồn thực đã xuất hiện tục thờ Mẫu với ba vị: Mẫu Thiên (màu đỏ), tượng trưng cho Trời. Mẫu Địa (màu vàng) là Đất. Mẫu Thủy (màu trắng) là nước: thờ Tam Phủ. Về sau thêm Mẫu Thượng Ngàn (Mẫu lục), là núi rừng: thờ Tứ Phủ. Mẫu Liễu Hạnh thường gắn với Mẫu Thiên. Một đặc điểm của thờ Mẫu là hầu bóng, lễ cầu đồng: bà đồng được thần thánh nhập vào có thể giao tiếp với cõi âm, trừ tà, chữa bệnh. Một nhánh của tín ngưỡng này là thờ Đức ông Trần Hưng Đạo và sử dụng ông đồng.
Một hình thức thờ huyền thoại phổ biến là cúng linh hồn người chết trong gia đình, cúng tổ tiên. Hầu hết người Việt Nam thuộc mọi tôn giáo, kể cả vô thần, người cộng sản, người công giáo Vatican II, đều thờ tổ tiên. Đây là một yếu tố văn hoá vững chắc để bảo tồn giá trị gia đình đang xuống cấp trước sự thách thức của hiện đại hóa, đô thị hóa, vì ảnh hưởng toàn cầu hóa. Thờ tổ tiên từng họ, dẫn đến thờ tổ tiên của dân tộc là vua Hùng.
Mỗi nhà có thờ thần Thổ địa, Táo quân, Thần tài, có khi cả Thần hổ, Thần cây đa cổ thụ ngoài vườn... Làng nào cũng có đình thờ Thành hoàng bản thổ. Trong phạm vi cả nước, các thần được thờ ở đền miếu... Phúc Thần (giáng phúc cho dân) có ba hạng: Thượng đẳng Thần (gồm thiên thần uy linh như Tản Viên, Tô Lịch, Phù Đổng và nhân thần là các vị có công to với đất nước như: Trần Hưng Đạo, Bà Trưng)... Trung đẳng thần có công với địa phương (do dân làng thờ cúng trước, không rõ công trạng lắm). Hạ đẳng thần (chỉ có tên và hiệu, nhưng được dân xã thờ phụng).
Ngoài ra, có yêu thần hoặc tà thần, thần ăn trộm, thần ăn mày... Làng: Là tế bào của xã hội truyền thống, làng nào cũng có đình của nam giới, phản ánh trật tự duy lý của Khổng giáo. Lại có chùa và đền Mẫu của nữ thể hiện từ bi về tình cảm. Do đó, có sự cân bằng tâm lý của người nông dân, giữa lý trí và tình cảm. BS. Ed. Tieak, chuyên gia tâm lý trị liệu Mỹ cho biết là ông đang sử dụng huyền thoại người da đỏ để chữa cho một số cựu chiến binh Mỹ mắc bệnh tâm thần sau cuộc chiến ở Việt Nam.
Hữu Ngọc