Hà Nội

Sức mạnh của “giả dược”

30-11-2017 19:30 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Từ hàng trăm năm nay, những viên thuốc giả vờ (giả dược) với tác dụng “ảo”vẫn giữ vững được vị trí của mình trong quá trình điều trị hay nghiên cứu bởi nó không chỉ mang tính xã hội mà còn...

Từ hàng trăm năm nay, những viên thuốc giả vờ (giả dược) với tác dụng “ảo”vẫn giữ vững được vị trí của mình trong quá trình điều trị hay nghiên cứu bởi nó không chỉ mang tính xã hội mà còn ẩn chứa trong đó những sức mạnh tinh thần huyền bí mà khoa học chưa có lý giải thích đáng.

Hiệu ứng giả dược

Có nhiều lý do để giải thích tại sao điều trị bằng giả dược mang lại kết quả. Các chuyên gia giải thích rằng, có mối liên hệ giữa tác động của thuốc với việc người dùng trông đợi kết quả xảy ra cho dù thuốc có thực sự có tác dụng hay không.Tác dụng của giả dược chỉ đơn giản là cảm nhận của bệnh nhân chứ không thể được cho là tác dụng của bất cứ thành phần nào trong viên “giả dược”.

Hiệu ứng giả dược có liên quan đến sự mong đợi và nhận thức của người bệnh. Nếu được dùng một “viên thuốc” được xem là có tác dụng tốt, nó có thể chữa lành. Nhưng nếu “viên thuốc” được xem là có hại thì nó lại gây nên các tác động tiêu cực, được gọi là hiệu ứng “nocebo”.

Hiện tượng kỳ thú khi dùng giả dược

Hiện tượng kỳ thú là cùng một loại giả dược nhưng ở hai vai trò khác nhau lại đem lại các tác dụng trái ngược hoàn toàn. Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã dùng giả dược và nói với bệnh nhân là họ đang được dùng một chất kích thích. Sau khi dùng thuốc, nhịp tim của họ tăng, huyết áp cũng tăng và tốc độ phản ứng của họ được cải thiện. Vẫn với viên thuốc đó nhưng được giới thiệu là thuốc giúp ngủ ngon, thật ngạc nhiên, thuốc lại cho tác động ngược với thử nghiệm trước. Người bệnh cảm thấy dễ đi vào giấc ngủ hơn khi được uống thuốc.

Vì giả dược phụ thuộc vào nhận thức và kì vọng nên các yếu tố thay đổi lên nhận thức cũng làm tăng cường độ của hiệu ứng giả dược. Ví dụ, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng màu sắc và kích thước của viên giả dược cũng tạo sự khác biệt. Các thuốc có gam màu nóng có tác động kích thích tốt hơn trong khi các thuốc có gam màu lạnh lại thể hiện tác động tốt hơn trên bệnh trầm cảm. Viên nang tỏ ra có hiệu quả hơn dạng viên nén, viên thuốc lớn hơn có tác dụng tốt hơn viên nhỏ và nếu bệnh nhân được uống thuốc giả dược nhiều lần trong ngày hơn thì cảm thấy tình trạng bệnh được cải thiện nhanh chóng và rõ ràng hơn.

Giả dược có tác dụng ngay cả khi... nói thật

Mặc dù giả dược thường gắn liền với việc tạo ra “ảo tưởng” cho người bệnh, khiến họ cảm giác đang được điều trị bằng thuốc thật nhưng các nghiên cứu được thực hiện bởi Trường đại học Y Harvard (Mỹ) lại cho rằng, ngay cả khi không “nói dối” bệnh nhân thì giả dược vẫn thể hiện tác dụng. 80 bệnh nhân mắc chứng ruột kích thích được chia thành hai nhóm. Một nhóm không điều trị, nhóm kia được cho dùng giả dược và bệnh nhân được bác sĩ cho biết các viên thuốc giả dược đó thực sự không có hoạt chất chữa bệnh. Kết quả đáng ngạc nhiên là những bệnh nhân dùng giả dược mặc dù biết rõ về tính chất của các viên thuốc này vẫn báo cáo có cải thiện các triệu chứng.

Bên cạnh đó, còn có những quan điểm giải thích hiệu ứng giả dược còn được cho là do mối quan hệ bác sĩ - bệnh nhân. Người bệnh cảm thấy được bác sĩ chăm sóc tận tình, chu đáo và chia sẻ được những mối lo lắng với bác sĩ nên tư tưởng thoải mái, tin tưởng, yên tâm khiến tình trạng bệnh cũng được cải thiện.

Rõ ràng hiệu ứng giả dược có liên quan mật thiết đến yếu tố tâm lý. Mặc dù không chứa hoạt chất chữa bệnh nhưng giả dược lại là công cụ thay thế hay chữa bệnh hiệu quả trong một số trường hợp, nghe có vẻ “vô bổ” nhưng thực chất lại rất hữu ích và đầy lý thú đối với các nhà điều trị. Bên cạnh đó, đối với người bệnh, không bao giờ nên tự ý sử dụng giả dược vì dù đó chỉ là viên đường thì đối với những người có cơ địa nhạy cảm vẫn có thể gây ra những tác dụng phụ.

“Nghiện” giả dược

Giả dược không phải là thuốc giả, thuốc nhái nhưng được sản xuất với hình dáng như thuốc thật và thực chất chỉ tạo ra hiệu ứng giả dược mà không có tác dụng dược lý. Giả dược có thể gặp ở dạng viên nén trơ, dung môi tiêm truyền, phẫu thuật giả... Nhiều người cho rằng, khi bệnh nhân biết viên thuốc mình uống chỉ là giả dược thì hiệu ứng giả dược không còn, song điều này không phải lúc nào cũng đúng. Bằng chứng là có những nghiên cứu cho thấy khi bệnh nhân được bác sĩ thông báo là họ được dùng giả dược thì họ cảm thấy thuốc không có tác dụng ngay mà lại có tác dụng vào cuối tuần. Chính vì vậy, những bệnh nhân này “nghiện” dùng giả dược, rất mong tiếp tục được kê đơn dùng giả dược.

Giả dược rõ ràng đóng một vai trò rất đặc biệt trong y tế nhờ những giá trị mà phương pháp này mang lại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế thì biện pháp này giống như việc chữa bệnh bằng yếu tố tâm lý, chính vì thế chỉ nên được coi là biện pháp hỗ trợ chứ không thể thay thế cho các phương pháp điều trị chính thống.


Ths. Nguyễn Minh Trang
Ý kiến của bạn