Sức khỏe tuổi học đường

19-09-2017 14:41 | Thời sự
google news

SKĐS - Sáng 5/9, khi cầm tay con gái đến trường, để con dự ngày khai giảng, bỏ qua chuyện bồi hồi nhớ lại “những ngày xưa” học sinh,

bỏ qua quang cảnh buổi lễ sẽ diễn ra trong đơn sơ vì trường nghèo, trường lớp chật chội, cũ kỹ để quay về thực tại: nỗi lo sức khỏe cho con đến trường. Họp phụ huynh đầu năm cũng chỉ nghe cô giáo bàn về chuyện học, chuyện đóng các khoản tiền, chuyện mua thêm một đống sách thực ra không cần thiết… chứ không nhắc đến chuyện sức khỏe cho các em, chuyện các bệnh tật học đường: cong vẹo cột sống,  tật khúc xạ mắt, bệnh răng miệng, béo phì…

Đặc biệt, ở lứa tuổi vào lớp 1, lứa tuổi  vừa chuyển từ mẫu giáo lên, nhiều chuyện đáng phải lo hơn. Từng chứng kiến: nhiều em do sợ hãi không chịu vào lớp, có em hốt hoảng không ngủ được. Phụ huynh cũng lo lắng, có người sáng sớm cứ đút cho con ăn như thời mẫu giáo xong mới đi làm…

Ở cấp mẫu giáo thời gian chủ yếu của trẻ vẫn là ăn, vui chơi và ngủ, nhưng khi bước vào lớp 1 việc học tập sẽ chiếm nhiều thời gian hơn, trẻ phải dành nhiều thời gian cũng như trí tuệ cho việc học tập tại môi trường tiểu học. Sức khỏe chính là yếu tố quan trọng giúp trẻ hoàn thành nhiệm vụ mới còn nhiều bỡ ngỡ và khó khăn này, phụ huynh cần giúp trẻ có một sức khỏe thật tốt bằng những phương pháp rất khoa học và dễ áp dụng, cụ thể như:

Cân bằng thời gian sinh hoạt, học tập, vui chơi cho trẻ thật hợp lý nhằm đảm bảo cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ.

Chú trọng việc rèn luyện thể lực ngoài trời “vừa sức” với trẻ như cho trẻ chơi bóng, đá bóng, bơi lội dịp cuối tuần, tập thể dục nhịp điệu, chạy bộ nhẹ nhàng cùng với cha,mẹ…giúp trẻ dẻo dai và có một sức đề kháng tốt.

Đặc biệt hơn cần chú ý về chế độ dinh dưỡng cho trẻ, tăng cường bổ sung dưỡng chất cho bé từ thực phẩm. Luôn luôn đảm bảo cung cấp cho trẻ đầy đủ 4 nhóm thực phẩm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và của các chuyên gia dinh dưỡng, nên dự trữ sẵn trong nhà các món ăn nhanh, giàu dinh dưỡng để trẻ tiện dùng trong các bữa phụ như sữa, các chế phẩm từ sữa (váng sữa, bánh flan, phô mai...), bánh bông lan, bánh mì ngọt, trái cây tươi, yaourt (sữa chua). Nên hạn chế dự trữ các món ăn quá ngọt như sữa có đường, bánh ngọt, nước ngọt các loại…sẽ khiến trẻ bị no ngang và không ăn đủ bữa chính gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ, hạn chế cho trẻ ăn các món ăn chứa nhiều dầu mỡ như gà rán, khoai tây chiên, thức ăn nhanh (fast food) để trẻ không bị dư cân, béo phì.

Giúp trẻ  có thói quen rửa tay thường xuyên sạch sẽ hàng ngày: “trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi chơi đùa”.

Đặc biệt, phụ huynh cần nhắc trẻ tuân thủ việc đi ngủ sớm và ngủ đủ giấc trong ngày, hạn chế tối đa việc xem tivi và chơi điện tử sẽ gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và sự khôn lớn của trẻ.

Thiết nghĩ, môi trường học đường cần chú trọng hơn việc giữ gìn sức khỏe cho con trẻ, nhất là trẻ nhỏ mới bước vào lớp 1. Tùy vào tình hình của địa phương, của trường để giúp trẻ có chế độ dinh dưỡng, vận động và nghỉ ngơi hợp lý; tránh tình trạng vì quá coi trọng thành tích học tập mà vô tình “giúp trẻ” giỏi toán, tiếng Việt, giỏi đủ thứ nhưng sức khỏe yếu ớt.


THẾ PHONG - ĐINH THẠC
Ý kiến của bạn