Vì sao chọn sức khỏe tâm thần cho người cao tuổi
Trước thực trạng trên, WHO kêu gọi cộng đồng xã hội, các ban ngành, đoàn thể hãy quan tâm đến sức khỏe tâm thần người cao tuổi và chọn chủ đề này cho Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới năm nay.
BS. La Đức Cương - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I đọc diễn văn khai mạc Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới. |
Các rối loạn tâm thần thường gặp ở người cao tuổi
Bệnh mất trí: Mất trí là một hội chứng bao gồm giảm sút trí nhớ, suy nghĩ, hành vi và khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày như ăn, mặc, vệ sinh cá nhân... Một báo cáo của WHO và Hiệp hội quốc tế về bệnh Alzheimer (ADI) năm 2012 ước tính có khoảng 4,7% người mắc bệnh mất trí ở nhóm người từ 60 tuổi trở lên, tương đương với khoảng 35,6 triệu người trên thế giới đang sống với bệnh mất trí. Tổng số người mắc bệnh mất trí được dự tính là gần gấp đôi cứ mỗi 20 năm, phần lớn sự gia tăng này nằm ở các nước thu nhập thấp và trung bình.
Trầm cảm: Các triệu chứng trầm cảm ở người cao tuổi khác với trầm cảm ở lứa tuổi sớm hơn. Họ có nhiều biểu hiện thực thể hơn. Điều này, đi kèm với tỷ lệ cao của các bệnh kết hợp, có thể gây khó khăn trong chẩn đoán.
Các rối loạn tâm thần khác: Lạm dụng chất thường được coi là vấn đề của giới trẻ, tuy nhiên cũng thường gặp ở người cao tuổi. Các vấn đề lạm dụng chất ở người cao tuổi thường bị bỏ qua hoặc chẩn đoán nhầm. Các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống như nghỉ hưu, hôn nhân tan vỡ hoặc người thân chết, cô lập xã hội, khó khăn về tài chính, các rối loạn tâm thần và một số bệnh thực thể mạn tính là các yếu tố chính góp phần dẫn đến lạm dụng chất. Các thay đổi tâm lý đi kèm với sự lão hóa và gia tăng sử dụng các loại thuốc khác, đặc biệt là thuốc giảm đau, an thần có thể khiến cho việc uống rượu ở liều thấp cũng có hại đối với người cao tuổi vì làm tăng tổn thương gan và là nguyên nhân gây ra nhiều tai nạn, chấn thương.
Và khuyến cáo của WHO
Trước thực trạng trên, WHO đã đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục sức khỏe tâm thần cho người cao tuổi như:
Thúc đẩy phong cách sống lành mạnh trong cộng đồng dân cư nói chung, bắt đầu từ nhóm trẻ tuổi với các chiến lược như tăng cường các hoạt động thể chất và tinh thần, phòng chống thuốc lá, phòng ngừa sử dụng rượu bia một cách có hại, phát hiện và điều trị sớm các bệnh không lây nhiễm có thể góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe tâm thần ở người cao tuổi.
Phát hiện và điều trị các rối loạn tâm thần ở người cao tuổi càng sớm càng tốt. Quan trọng là cải thiện vốn xã hội và huy động sự tham gia của cộng đồng và gia đình trong việc hỗ trợ người cao tuổi. Cần hỗ trợ và lôi kéo các tổ chức phi lợi nhuận, phi Chính phủ và các nhóm đồng đẳng của người cao tuổi.
Đấu tranh chống lại sự ngược đãi người cao tuổi và "chủ nghĩa tuổi tác" bằng cách mời người cao tuổi tham gia đầy đủ vào các hoạt động xã hội hàng ngày.