Hà Nội

Sức khỏe răng miệng kém có thể dẫn đến các bệnh lý mạn tính

18-11-2024 21:18 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Sức khỏe răng miệng kém có thể dẫn đến các bệnh lý như tim mạch, tiểu đường và các vấn đề về hô hấp. Tuy nhiên, nhận thức về thực hành vệ sinh răng miệng của người dân vẫn còn thấp.

Ngày 18/11, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM phối hợp với Hội Hàn lâm Nha khoa dự phòng Châu Á tổ chức Hội nghị Quốc tế lần thứ 16 của Hội Hàn lâm Nha khoa dự phòng Châu Á tại TPHCM.

Phát biểu tại hội nghị, TS.BS. Hà Anh Đức - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: "Việt Nam là quốc gia đang phát triển, hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng ngày càng cải thiện. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn gặp nhiều thách thức trong việc chăm sóc sức khỏe răng miệng. Nha khoa dự phòng ở nước ta cần được thực hiện để đảm bảo tương lai cho người dân".

Sức khỏe răng miệng kém có thể dẫn đến các bệnh lý mạn tính
- Ảnh 1.

TS.BS. Hà Anh Đức - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: P.T.

Việc đánh răng hằng ngày, kiểm tra răng miệng thường xuyên, điều trị bằng fluor và giáo dục về vệ sinh răng miệng đúng cách giúp duy trì sức khoẻ răng miệng, tránh sự phát triển của các bệnh liên quan đến răng miệng. Từ đó, giúp giảm nguy cơ sâu răng, bệnh nướu răng và ung thư miệng, giảm chi phí điều trị, giảm gánh nặng kinh tế cho hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Ở Việt Nam, hơn 85% trẻ em từ 6-8 tuổi bị sâu răng; nhiều vùng nông thôn không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc và giáo dục nha khoa cơ bản nên nhận thức về thực hành vệ sinh răng miệng vẫn còn thấp.

Bên cạnh đó, thói quen văn hóa, chế độ ăn uống, không kiểm tra nha khoa thường xuyên khiến tình trạng răng miệng nặng hơn khi phát hiện và điều trị.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, sức khỏe răng miệng kém có thể dẫn đến các bệnh hệ thống như bệnh tim, tiểu đường và các vấn đề về hô hấp.

Theo TS.BS. Hà Anh Đức, văn hoá phòng ngừa đóng vai trò quan trọng, tuy nhiên còn gặp nhiều thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực của tập thể. 

Để tăng cường dự phòng bệnh răng miệng tại Việt Nam, cần: Khởi động các sáng kiến toàn quốc để giáo dục mọi người về tầm quan trọng của vệ sinh răng miệng; Thu hút các trường học, nơi làm việc và trung tâm cộng đồng để thúc đẩy kỹ thuật đánh răng, thói quen ăn uống lành mạnh và giá trị của việc kiểm tra nha khoa định kỳ.

Sức khỏe răng miệng kém có thể dẫn đến các bệnh lý mạn tính
- Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: P.T.

Đồng thời, phát triển quan hệ đối tác với các trường học để cung cấp dịch vụ khám nha khoa thường xuyên và phòng ngừa sâu răng bằng verni fluor; giúp tiếp cận với kem đánh răng có fluor và triển khai các chương trình fluor hóa nước nếu khả thi, vì fluor đã được chứng minh làm giảm sâu răng. Ngoài ra, đào tạo giáo viên để củng cố thực hành vệ sinh răng miệng tốt trong lớp học.

TS.BS.CKII Lê Trung Chánh – Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị - khẳng định, Triển lãm và Hội nghị Nha khoa Phòng ngừa Quốc tế AAPD 2024, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với chủ đề "Nha khoa dự phòng trong kỷ nguyên mới". Hội nghị này đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với Việt Nam và khu vực châu Á trong việc thúc đẩy các chương trình nha khoa dự phòng, cải thiện sức khỏe răng miệng.

"Hội nghị diễn ra trong 3 ngày (17 - 19 /11) với hơn 70 diễn giả hàng đầu về lĩnh vực nha khoa dự phòng trong nước và quốc tế với hơn 250 hội thảo viên tham gia từ khắp nơi trên thế giới cùng hơn 30 gian hàng triển lãm trưng bày các thiết bị nha khoa mới nhất", Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM cho hay.

Hơn 3.000 đại biểu tham dự Hội nghị Khoa học và triển lãm Răng Hàm Mặt Quốc tế 2024Hơn 3.000 đại biểu tham dự Hội nghị Khoa học và triển lãm Răng Hàm Mặt Quốc tế 2024

SKĐS - Hội nghị Khoa Học và triển lãm Răng Hàm Mặt Quốc tế (VIDEC 2024) có hơn 3.000 đại biểu tham dự và hơn 100 báo cáo tới từ các chuyên gia nha khoa hàng đầu thế giới.


Phạm Thương
Ý kiến của bạn