Giới hạn về tuổi tác giữa các giai đoạn chịu ảnh hưởng của yếu tố di truyền, môi trường, chất dinh dưỡng… tạo nên sự khác biệt. Những thay đổi sẽ dần dần diễn ra và nhìn nhận bản chất tinh tế của những biến đổi này giúp chúng ta biết trân trọng những điểm mạnh và điểm yếu qua mỗi đoạn đường của cuộc sống.
Các giai đoạn phát triển quan trọng
Theo lẽ tự nhiên, phải mất trung bình 12 năm để cơ thể nữ giới dậy thì và có khả năng sinh sản. Hệ thống kinh nguyệt của bé gái được đánh thức phụ thuộc vào việc các hệ thống hormone khác có hoạt động bình thường hay không, trong đó hormone tăng trưởng đóng vai trò quan trọng.
Những thay đổi mà tuổi dậy thì gây ra khá rộng, bao gồm sự tăng vọt về lượng của hàng loạt các hormone như hormone sinh dục nữ, hormone duy trì thai... hay những thay đổi trông thấy về diện mạo như sự phát triển của nhũ hoa. Những thay đổi phức tạp của hormone trong chu kỳ kinh nguyệt cũng bắt đầu với sự tham gia của não bộ, các tuyến nội tiết, buồng trứng và các cơ quan khác. Theo quan niệm chung, bé gái ở độ tuổi dậy thì chưa được coi là đã đủ trưởng thành về mặt tâm lý để trở thành một bà mẹ, nhưng cơ thể của các em đã có khả năng thụ thai.
Tiếp theo tuổi dậy thì là thời kỳ hoạt động sinh dục, kéo dài đến khi mãn kinh. Khoảng 18 - 45 tuổi, là thời kỳ công năng sinh dục của người phụ nữ phát triển nhất. Trong thời kỳ này, người phụ nữ thường hành kinh đều đặn, tỷ lệ vòng kinh có phóng noãn tăng lên do hoạt động nội tiết của trục dưới đồi - tuyến yên - buồng trứng đã được hoàn chỉnh. Khoảng 45 - 55 tuổi, là thời kỳ công năng sinh dục đi theo chiều hướng lão suy. Mãn kinh là sự kiện quan trọng của thời kỳ này, với biểu hiện đặc trưng là các cơ quan dần dần lão hóa. Bắt đầu vào khoảng 60 - 65 tuổi, là thời kỳ các cơ quan trong cơ thể ngày càng thêm lão hóa.
Những rủi ro tới sức khỏe
Sức khỏe của phụ nữ và trẻ em gái chịu ảnh hưởng sinh học của giới tính và nhiều yếu tố xã hội khác. Phụ nữ sống lâu hơn nam giới tuy nhiên lại bị bệnh nhiều hơn và có nhu cầu sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhiều hơn, đặc biệt là nhu cầu về dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Các bệnh không lây nhiễm vẫn là gánh nặng lên sức khỏe của phụ nữ trên toàn cầu. Bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho phụ nữ. Trong số các loại ung thư, ung thư cổ tử cung và ung thư vú là phổ biến nhất, và ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong nhóm bệnh lý ung thư ở phụ nữ. Bệnh trầm cảm ở nữ giới phổ biến hơn nam giới (5,1% so với 3,6%). Trong suốt thời gian sống của người phụ nữ, cứ 3 người thì có 1 người có khả năng bị bạo lực về thể chất và/hoặc tình dục. Mỗi ngày, trên thế giới có khoảng 830 phụ nữ tử vong vì các nguyên nhân có thể phòng ngừa liên quan đến thai kỳ và sinh con. Phụ nữ, đặc biệt là những người trẻ tuổi từ 15-24 tuổi, chiếm đa số trong những người sống chung với HIV.
Trẻ em nữ ở tuổi vị thành niên 10-19 tuổi: Tuổi vị thành niên là giai đoạn mà sự khác biệt giới tính trở nên rõ ràng hơn và các chuẩn mực về giới tính bắt đầu hình thành. Rối loạn trầm cảm dẫn đến tự tử là nguyên nhân bệnh tật và tử vong hàng đầu ở trẻ em nữ vị thành niên. Ở lứa tuổi này, trẻ có nguy cơ bị lạm dụng tình dục nhiều hơn. Ước tính có 3 triệu trường hợp phá thai không an toàn mỗi năm trong nhóm tuổi này. Và có khoảng 15 triệu cô gái trẻ kết hôn trước 18 tuổi. Trên toàn cầu, trẻ em gái vị thành niên và phụ nữ trẻ chiếm 2 trong số 3 trường hợp nhiễm HIV mới.
Thiếu máu do thiếu sắt, thừa cân và béo phì do dinh dưỡng không hợp lý. Chán ăn do nguyên nhân thần kinh là loại rối loạn ăn uống phổ biến nhất và tình trạng rối loạn tâm thần ở lứa tuổi này có tỷ lệ tử vong cao nhất.
Phụ nữ cần trang bị kiến thức và áp dụng lối sống khoa học để phòng ngừa rủi ro bệnh tật.
Tuổi sinh sản 15 - 49 tuổi và trưởng thành 20 - 59 tuổi: Bệnh tật và tử vong liên quan đến mang thai, sinh đẻ và thời kỳ hậu sản là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại nhất. Các bệnh lý của bà mẹ, bao gồm trầm cảm sau sinh, lỗ rò sản khoa và các biến chứng khác từ thủ thuật sản khoa, thường phổ biến hơn 20 lần so với tử vong mẹ. Đây là độ tuổi mà người phụ nữ cần được tiếp cận và kiểm soát các biện pháp tránh thai an toàn và hiệu quả nhằm ngăn ngừa mang thai ngoài ý muốn.
Đau lưng, bệnh tim thiếu máu cục bộ, đột quỵ và rối loạn trầm cảm chính là nguyên nhân hàng đầu ảnh hưởng đến số năm sống hiệu chỉnh theo mức độ tàn tật (DALYS) đối với phụ nữ trong độ tuổi 45–59. Có bằng chứng cho thấy phụ nữ bị bệnh tim mạch có xu hướng được chẩn đoán và điều trị muộn và kém tích cực hơn so với nam giới.
Từ 60 tuổi trở lên: Tuổi sống khỏe được xác định bởi chất lượng của sức khỏe và hạnh phúc, không có sự kỳ thị hoặc phân biệt đối xử. “Kẻ giết người” lớn nhất của phụ nữ ở giai đoạn này là bệnh tim, đột quỵ và bệnh phổi mạn tính. Phụ nữ ở độ tuổi trên 65 có tỷ lệ thương tích cao hơn nhiều so với nam giới - có thể liên quan đến bệnh loãng xương và cơ địa đã mắc các bệnh mạn tính khác. Chứng mất trí thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới ở nhóm tuổi này. Với tuổi thọ dài hơn, phụ nữ thường đảm nhận vai trò chăm sóc cho các thành viên khác trong gia đình vào cuối đời.
Làm gì để phòng ngừa?
Tùy từng giai đoạn khác nhau mà có những cách phòng ngừa nguy cơ rủi ro bệnh tật. Bằng cách nhận thức được những thay đổi này và nhu cầu vốn có của từng giai đoạn, chúng ta cần thực hiện lối sống khoa học, ngủ đủ giấc, ăn đủ chất dinh dưỡng, luyện tập và trang bị cho mình những kiến thức, hiểu biết về cuộc sống… điều này giúp phụ nữ phát triển toàn diện mạnh mẽ tránh được rủi ro ở mọi giai đoạn của cuộc đời.