Sức khỏe ở trong tay mình

17-09-2020 09:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Chẳng hiểu sao mỗi khi cần xin ý kiến về một vấn đề văn hóa hay cần tìm người đọc trước cho bản thảo bài báo còn đang lăn tăn vài chỗ, tôi lại tìm đến nhạc sĩ Dân Huyền, mặc dù tôi và ông thuộc hai thế hệ cách xa nhau. Chính sự uyên bác trong các lĩnh vực âm nhạc, thơ ca, báo chí... cùng sự giản dị, khiêm nhường mà tôi thấy ông gần gũi như người ông của mình vậy.

Nếu ai đó để ý thì những năm gần đây, mỗi khi có một nhạc sĩ cao tuổi về với đất mẹ là nhạc sĩ Dân Huyền lại có một bài viết trên báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV.VN). Bài viết như một nén tâm nhang với những kỷ niệm, chi tiết độc mà chỉ có ông, người sống cùng thời với họ mới có thể biết được và viết được, bởi những người cùng thời với ông nhiều người đã về với tiên tổ, một số khác thì cũng đã ốm yếu, trí nhớ giảm sút. Qua những bài viết này, độc giả đã hình dung ra cả một thời bao cấp đầy khó khăn, vất vả, thiếu thốn nhưng không cản được tinh thần, sự lạc quan và lòng yêu nghề của những người nhạc sĩ tài hoa. Họ đắm đuối dâng cho đời những lời ca nốt nhạc đẹp nhất, hay nhất, tuyệt vời nhất mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Ngày ngày nhạc sĩ Dân Huyền vẫn say sưa trên phím đàn.

Ngày ngày nhạc sĩ Dân Huyền vẫn say sưa trên phím đàn.

Một lần tôi gặng hỏi: “Tại sao bác lại chỉ gửi bài trên VOV.VN?” thì bất ngờ nhận được câu trả lời của ông rằng: “Vì đó là cơ quan tôi (ông từng làm Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyển, Đài Tiếng nói Việt Nam), nơi đã cho tôi có sự nghiệp như ngày hôm nay”. Một lần khác đến chơi nhà ông, tôi nói đùa rằng: “Bác hay viết “lời điếu” cho các nhạc sĩ trên báo, vậy sau này ai sẽ viết cho bác đây?”. Không một chút nghĩ ngợi, ông cười sảng khoái để lộ hàm răng móm mém rồi bảo: “Có Ngô Khiêm đây rồi!”... Tôi biết, khi đó là ông đang nói đùa, chứ nhạc sĩ Dân Huyền sẽ có rất nhiều người viết “điếu văn” mà tôi sẽ chỉ xin là một trong những người ấy mà thôi.

Ngoài đời nhạc sĩ Dân Huyền là người vui tính, hòa nhã và rất thích chơi chữ. Chẳng thế mà ngay chính cái bút danh Dân Huyền (Dân thêm dấu huyền) ông cũng “chiết” từ tên khai sinh Phạm Ngọc Dần của mình. Ngoài ra ông còn lấy bút danh Uyên Hồng trong một số bài viết, mà Uyên Hồng đọc ngược lại là “Ông Huyền”. Hiện nay, ông đang sống trong một căn hộ khá bình dị, đơn sơ tại gác 4, Khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam (ngõ 192 đường Giải Phóng, Hà Nội). Ở đó, ngày ngày người nhạc sĩ bị “tra tấn” bởi tiếng ồn ào, náo nhiệt của nhiều loại phương tiện, trong đó có tàu hỏa nhưng chúng cũng không làm giảm đi cảm xúc, sự thăng hoa của ông với nghệ thuật. Người ta thường thấy nhạc sĩ ngồi hàng giờ trước màn hình máy tính hay một loại nhạc cụ nào đó, vẫn thấy bóng dáng người nhạc sĩ đi về trong những chuyến gặp gỡ bạn bè, tìm tòi những cảm xúc mới và đặc biệt là đều đặn suốt 23 năm qua cứ mỗi sáng chủ nhật ông lại đến với Câu lạc bộ “Đàn và hát dân ca” Đài Tiếng nói Việt Nam, nơi ông làm chủ nhiệm, để giúp những người yêu dân ca được thỏa mãn niềm đam mê.

Nhiều năm quen biết và thân thiết với ông, tôi còn thấy ở ông toát lên một tinh thần tự học mà giới trẻ chúng tôi cần phải học hỏi. Đó là việc ở tuổi 82, ngày ngày ông vẫn sáng tác nhạc, làm thơ, viết báo trên máy vi tính rồi chơi Facebook, dùng Gmail để kết nối, trao đổi với bạn bè gần xa. Ông sử dụng thành thạo máy vi tính không kém một người trẻ nào. Với phương châm “Muốn biết thì hỏi, chưa giỏi thì học”, ông đã kiên trì học tin học bởi nó không chỉ giúp ứng dụng cho nghề nghiệp mà còn là niềm vui, làm hạn chế sự lão hóa của bộ óc. Tuy nhiên, những ngày gần đây, nhạc sĩ có than phiền với tôi về đôi mắt của mình. Ông bị đục thủy tinh thể, mắt trái thì coi như mù, mắt phải còn 1/10. Dù đã mổ nhưng đôi mắt vẫn chưa có tiến triển gì, điều đó cũng không ảnh hưởng nhiều lắm đến công việc hiện tại của ông. Bởi vẫn thấy ông viết bài đều đều trên các báo (mà sau ông tâm sự là nhờ người cháu gõ hộ), vẫn thấy ông “lên” facebook thường xuyên để “cập nhật trạng thái” của mình hay đăng những ca khúc, bài hát soạn lời mới... Đó cũng là cách ông quảng bá tác phẩm của mình với công chúng một cách hiệu quả.

Là người hóm hỉnh, thích làm thơ vui, ông cũng đã tự làm thơ tặng mình như một phương châm sống. Ông bảo, với ông cũng có 16 chữ vàng và 4 tốt để luôn luôn ghi nhớ và thực hiện: “Không thân không sơ, không chặt không lỏng, không cương không nhu, có lý có tình” - “Ăn tốt, ngủ tốt, tiêu hóa tốt, sinh hoạt tốt” (kể cả sinh hoạt tổ dân phố, hội người cao tuổi, chi bộ...). Còn về sức khỏe, ông đã làm riêng một bài thơ mang tên Sức khỏe: “Sức khỏe ai bán mà mua/ Ai cho mà hưởng, ai thừa mà vay/ Sức khỏe mình ở trong tay/ Chiến thắng bệnh tật hàng ngày tự tin”.

Nhẩn nha sống và viết, có thể thấy ở nhạc sĩ Dân Huyền một sự dẻo dai, bền bỉ và lòng say mê nghệ thuật không có điểm dừng. Mong ông sẽ mãi giữ được tinh thần ấy để tiếp tục “truyền lửa” cho những người hoạt động dân ca hôm nay.


Ngô Khiêm
Ý kiến của bạn