Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tổng số thí sinh nhập học trên toàn quốc trong năm ngoái là 521.263 đạt 83,39% (cao hơn số nhập học của năm 2021, 2020); trong số 330 cơ sở đào tạo có 194 cơ sở đào tạo (58,67%) có tỉ lệ nhập học đạt trên trên 80% so với chỉ tiêu và chiếm 79,42% tổng số nhập học của toàn quốc.
Khối ngành thu hút thí sinh trúng tuyển, xác nhận nhập học cao nhất đó là Kinh doanh và Quản lý với 24,54%; Máy tính và Công nghệ thông tin - 11,79%, Công nghệ kỹ thuật 9,18%, Nhân văn 8,68% và Sức khỏe xếp vị trí thứ 5 - 6,35%.
Nằm trong top 10 ngành học tỷ lệ thí sinh nhập học cao nhất phải kể đến các ngành như: Khoa học xã hội, Sư phạm, Kỹ thuật, Pháp luật, Kiến trúc và Xây dựng.
Bên cạnh những ngành học có sức hút lớn với thí sinh thì theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong 3 năm liên tiếp, 4 lĩnh vực Nông lâm nghiệp và Thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.
Lý giải việc các cơ sở đào tạo tuyển kém, Bộ GD&ĐT cho biết chủ yếu do các nguyên nhân như: Chưa đủ uy tín, thương hiệu để hấp dẫn thí sinh, do vị trí địa lý, sự cạnh tranh khi chỉ tiêu hàng năm tăng, lĩnh vực đào tạo thí sinh ít có nhu cầu theo trào lưu xã hội, ngành đào tạo hẹp, ngành mới thí điểm đào tạo, ngành thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.
Để chuẩn bị cho tuyển sinh đại học 2023, Bộ GD&ĐT khuyến cáo các trường đại học cần nắm bắt thị trường lao động, cùng sự khác biệt trong quan niệm và nhu cầu của giới trẻ trong chọn trường và chọn ngành của thí sinh.
Trường cũng cần đổi mới nội dung ngành và chương trình đào tạo, môi trường và phương pháp đào tạo, truyền thông và quảng bá tuyển sinh. Các bộ, ngành sử dụng nguồn nhân lực cần thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo.