Hà Nội

Sức khỏe của bệnh nhân là niềm vui của chính mình

27-02-2018 08:20 | Xã hội
google news

SKĐS - Những ca từ trong sáng tác của nhạc sĩ Trần Tiến làm cháy lên trong trái tim mỗi người thầy thuốc lòng yêu người, yêu nghề không nguôi.

“Lăn lăn, lăn lăn viên thuốc ân tình

Lăn vào trẻ nhỏ, lăn vào tử sinh

Lăn lên núi cao, lăn về biển rộng

Giành lại cho tôi, giành lại cho em

Tình yêu cuộc sống”

Những ca từ trong sáng tác của nhạc sĩ Trần Tiến làm cháy lên trong trái tim mỗi người thầy thuốc lòng yêu người, yêu nghề không nguôi. Tôi đã từng tự hỏi “hạnh phúc mang màu gì” và khi đặt bút viết lên những dòng chữ này, tôi đã có câu trả lời cho chính mình. Tôi muốn viết thật nhiều về chị, về người phụ nữ mang trên mình chiếc áo blouse, người bác sĩ đã dành cả cuộc đời làm nghề cho sự nghiệp y học cổ truyền nước nhà. Vâng, tôi muốn nhắc đến BS CKII. Lê Thị Phương – nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông.

Giấc mơ làm bác sĩ

Bác sĩ Phương sinh ra và lớn lên trên miền quê Thường Tín-Hà Tây (nay là Hà Nội), trong một gia đình nghèo, làm ruộng có 5 chị em. Năm 1974, do gia đình có 4 chị em gái và 1 em trai còn nhỏ chưa đến tuổi nhập ngũ, chị đã xung phong ra chiến trường. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, chị trở về là cán bộ của trường Quân y (nay là Học viện Quân y). Trong suốt thời gian làm việc tại trường Quân y, với sự nỗ lực không mệt mỏi, vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, ngày đêm miệt mài học tập, năm 1977, chị tham dự thi vào trường Đại học Y Hà Nội. Không phụ công học hành, chị đã đạt điểm thi cao nhất trong nhóm cán bộ của trường Quân y tham gia thi vào Đại học Y Hà Nội năm đó. Trong suốt quãng thời gian 6 năm học tập tại nhà trường, với một lòng yêu nghề đến cháy bỏng, chị đã có kết quả học tập cao. Chị từng tâm sự rằng, mỗi lần đi trực trong bệnh viện, phải chứng kiến những cái chết, những nỗi đau đến xé lòng của bệnh nhân, bản thân không cầm được nước mắt và quyết tâm phải trở thành thầy thuốc giỏi để chữa bệnh cứu người.

Con đường chữa bệnh cứu người

Năm 1983, chị ra trường và được cử về Sở Y tế Hà Tây công tác. Đến cuối năm 1984,  chị xin về công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông. Chị được cử đi học rất nhiều khóa đào tạo và được bổ nhiệm ở những vị trí chuyên môn, cũng như quản lý khác nhau. Trong gần 30 năm làm nghề và công tác tại Bệnh viện, chị được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của Bộ, của ngành và của Nhà nước. Năm 2005, chị vinh dự được đón nhận danh hiệu Thầy thuốc ưu tú của Chủ tịch nước trao tặng và càng vinh dự hơn, khi đó chị là bác sĩ trẻ tuổi nhất của tỉnh Hà Tây (cũ) đón nhận danh hiệu này. Chị chủ nhiệm nhiều đề tài các cấp như: điều trị hội chứng đại tràng chức năng; điều trị hạ axit uric máu bằng bài thuốc y học cổ truyền; điều trị tiểu đường tuýp 2 bằng thuốc y học cổ truyền…

Ngoài ra, chị còn có dự án cấp thành phố về Thử nghiệm thuốc huyết áp LHN (giai đoạn 2000-2004), dự án Trồng và bào chế dược liệu tại Hòa Bình (năm 2009-2010) theo chương trình Nông thôn- Miền núi.

BS. Lê Thị Phương luôn đam mê học tập, nâng cao chuyên môn

Yêu thương bệnh nhân như người thân

Chia sẻ về cuộc đời làm nghề của mình, BS. Phương không giấu được những niềm xúc động khi nhớ lại những kỷ niệm đặc biệt với người bệnh. Trong khoảng cuối những năm 1997, 1998, khi xuống làm việc tại các tuyến y tế cơ sở, trên đường gặp bệnh nhân đã cao tuổi đi làm đồng, dưới trời nắng nóng và bị ngã. Chị cùng với các y, bác sĩ đã sơ cứu và phát hiện bệnh nhân bị cao huyết áp. Khi tìm hiểu, chị được biết bệnh nhân rất nghèo, có con hy sinh trên chiến trường. Do hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện thăm khám, nên bệnh nhân hoàn toàn không biết bản thân bị cao huyết áp. Xuất phát từ sự thương cảm bệnh nhân, đặc biệt những bệnh nhân nghèo ở nông thôn, chị đã đau đáu một nỗi niềm phải tìm ra và phát triển thuốc điều trị huyết áp bằng y học cổ truyền cho bệnh nhân, để những người nghèo có điều kiện sử dụng và dự phòng được bệnh tật. Vì vậy, mà dự án cấp thành phố về thử nghiệm thuốc huyết áp LHN (giai đoạn 2000-2004) của chị đã rất thành công, mang lại nhiều cơ hội cho người bệnh. Chị cho biết: “Bệnh huyết áp ngày càng trẻ hóa và không phải ai cũng có điều kiện phát hiện được. Nếu không điều trị kịp thời thì bệnh sẽ gây biến chứng, ảnh hưởng đến tim, gan, thận, tổn thương mạch máu não… và dẫn đến tử vong”.

Rồi có trường hợp bệnh nhân bị sỏi mật (dạng sỏi bùn) có chỉ định phẫu thuật, đã phẫu thuật nhiều lần, có biến chứng và tiên lượng không qua được, chi phí điều trị rất tốn kém. Khi được đưa vào khoa chị, chị đã huy động các y, bác sĩ trong Bệnh viện hội chẩn và cho bệnh nhân sử dụng thuốc đông y. Sau một thời gian kiên trì điều trị, với sự can thiệp của y học cổ truyền, bệnh nhân đã dần ăn uống được, khỏe mạnh trở lại. Thông cảm với hoàn cảnh khó khăn, chạy chữa nhiều nơi của gia đình bệnh nhân, chị cùng các đồng nghiệp đã tạo điều kiện và tìm mọi cách để miễn giảm viện phí cho họ. Chị luôn dành tình cảm đặc biệt đối với những người bệnh nghèo, đó đã trở thành một động lực thôi thúc chị không ngừng nghiên cứu các loại thuốc đông y và đưa xuống cộng đồng, để dự phòng được bệnh tật sớm nhất cho mọi người.

BS. Lê Thị Phương thăm khám và chia sẻ với bệnh nhân

Hậu phương vững chắc

Nói về gia đình, chị chia sẻ, chị là dâu trưởng trong gia đình 8 anh, chị, em, bố mẹ chồng già yếu. Công việc của chị vô cùng bận rộn, thường xuyên phải trực đêm, xa nhà. Nhưng không vì thế, mà chị chểnh mảng công việc, chị sắp xếp mọi công việc một cách hợp lý để vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là một người thầy thuốc trong bệnh viện, vừa hoàn thành tốt việc chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái. Vợ chồng chị có hai người con gái, cả hai đều học giỏi và thành đạt.

​Chồng chị cũng là bác sĩ nên luôn đồng cảm và chia sẻ với vợ về sự vất vả của công việc y tế, tạo mọi thuận lợi để chị yên tâm công tác. Chị cũng tâm sự, bằng ấy năm làm nghề, không đếm nổi những hôm hẹn về ăn cơm trưa với bố mẹ, chồng và các con nhưng bận bệnh nhân và bận công tác nghiên cứu, làm xong đã quá trưa nên lại không về được. Hay những buổi chiều tối hẹn đi đón con, rồi lại lỡ hẹn vì bận rộn công việc cơ quan nên ở lại xử lý xong mới về. Những lúc ấy, chị thấy có lỗi với gia đình, nhưng cả gia đình đều thấu hiểu và chưa bao giờ giận chị. Chị cũng tâm sự rằng, để có được những thành công trong sự nghiệp, gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc nhất của chị để chị vượt qua mọi thử thách và chông gai.

​Trong câu chuyện về cuộc đời làm nghề của chị, nhiều năm làm Trưởng khoa và  lãnh đạo Bệnh viện, thường xuyên phải giành giật sức khỏe cho bệnh nhân. Ở nơi chị, luôn hiện lên một bản lĩnh, một tâm huyết với nghề nghiệp, một lòng yêu người, yêu nghề không nguôi. Chị trải lòng: “Nghề Y là vậy, bác sĩ nào cũng phải hy sinh đời tư, không nhiều thì ít,cũng sẽ phải chứng kiến sự ra đi của bệnh nhân mà mình không thể làm gì hơn để có thể cứu họ, giành lấy sự sống cho họ nên mình làm được gì cho bệnh nhân thì cố mà làm thôi. Đã làm nghề, nghề gì cũng vậy, thì phải yêu lấy nghề em ạ!”

Chia tay chị - một người cả cuộc đời cống hiến cho lĩnh vực y học cổ truyền,  lòng tôi lâng lâng đến lạ. Hạnh phúc không ở đâu xa lắc, nó ở trong chính cuộc sống đời thường này. Hạnh phúc của người thầy thuốc giản dị mà cao cả, thiêng liêng: chữa lành vết thương cho người bệnh, sức khỏe của bệnh nhân là niềm vui của chính mình.

Nhân dịp ngày Thầy thuốc Việt Nam, xin được gửi lời tri ân đến Bs. Phương và các thầy thuốc trên mọi miền của Tổ quốc. Chúc các thầy thuốc luôn mang trong mình một ngọn lửa nhiệt huyết, một tình yêu thương con người nồng nàn và đóng góp hết sức mình vào sự nghiệp y tế của nước nhà.


Huệ Anh
Ý kiến của bạn