Sức khỏe của bác sĩ

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu

Đại biểu Quốc hội khóa XV, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

20-07-2019 17:12 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Ai cũng nghĩ các bác sĩ đều biết cách chăm sóc bản thân, nhưng thật ra nhân viên y tế thường gây nguy hiểm cho sức khỏe của họ hơn là chăm sóc nó. PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội đã chia sẻ như vậy trên trang cá nhân của anh khi hay tin một đồng nghiệp rất giỏi của mình mới phát hiện ra những khối u.

Báo Sức khỏe &Đời sống xin giới thiệu bài viết của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ với các y bác sĩ và cả những người ngoài ngành về công việc thầm lặng của các bác sĩ. Họ nhiều khi quên ăn quên ngủ để chăm sóc sức khỏe cho người khác mà quên chính bản thân mình.

Tại sao các bác sĩ bỏ bê bản thân là câu hỏi tôi thường đặt ra cho mình và hôm nay xin được giãi bày cùng các bạn trong và ngoài ngành Y.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội

Theo tôi có 5 lý do chính, mà tùy từng trường hợp cụ thể lý do chủ yếu sẽ thay đổi, nhưng "loanh quanh" chắc cũng chỉ có vậy.

Thứ nhất, bác sĩ là nhóm người tự hào với nghề cao quý nhất vì vậy họ thường đặt sự nghiệp và nghĩa vụ của họ lên trước nhu cầu của họ. Đối với họ, chú ý đến nhu cầu của mình là một dấu hiệu của sự yếu đuối. Họ sẽ thực vui khi được khen là có sức khỏe phi thường, làm việc quên ngày đêm, chẳng có một phút dành cho mình. Hiện tượng này cũng hay gặp ở quan chức và các CEO thành đạt. Hậu quả là khi vừa bắt đầu hưu trí thì bao bệnh tật ập đến ầm ầm.

Thứ hai, là vì quá quen với bệnh tự khỏi không cần điều trị nên họ luôn "tặc lưỡi" cho qua những triệu chứng mới xuất hiện, để rồi lúc đi khám đã qua mất khoảng thời gian "vàng" để xử lý bệnh.

Thứ ba và cũng khá hay gặp, "gần chùa gọi bụt là anh" nên các bác sĩ thường "cậy" thế bệnh khó mấy chắc rồi cũng được bạn bè mình xử lý được. Không chết đâu mà sợ!

Thứ tư, là việc lạm dụng thuốc của nhân viên y tế là rất phổ biến. Họ thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau, kháng sinh không giống ai, thậm chí thuốc chuyên khoa khác họ cũng chỉ cần hỏi đồng nghiệp hoặc tra trên mạng. Hậu quả cuối cùng là bệnh nhân là bác sĩ thông thường là bệnh rất khó chữa.

Cuối cùng, là hội chứng ám ảnh luôn theo đuổi các bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa. Họ lo sợ mắc chính bệnh mình gặp hàng ngày, "sinh nghề tử nghiệp" nên họ thường chỉ lo đến bệnh ấy mà quên mất bác sĩ cũng là con người, mọi bệnh tật đều có thể mắc nếu như ta sơ ý.

Chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. Ảnh minh họa

Thưa các đồng nghiệp y tế yêu quý của tôi, khi đặt nhu cầu chăm sóc bản thân cuối cùng có vẻ như bạn thật anh hùng và đáng được khen ngợi. Xin thưa không phải vậy. Bằng cách hy sinh sức khỏe, bạn đã làm tổn hại đến chất lượng chăm sóc mà bạn cung cấp cho bệnh nhân của mình. “Trước khi bạn có thể chăm sóc người khác, bạn phải tự chăm sóc bản thân mình” - câu slogan mà bản thân tôi trước đây nghe cũng cảm thấy hơi "lên gân" nhưng càng về già càng thấm.

Rất nhiều lời khuyên được các chuyên gia đưa ra như ngủ đủ, ăn kiêng, tập thể dục, học thiền... Nhưng theo tôi rất khó thực hiện đối với các nhân viên y tế. Ngủ đủ làm sao được khi trực đêm trực hôm, ăn cơm bệnh viện thì có món gì ngon cho vào mồm là “chén”, đang thiền mà điện thoại cấp cứu gọi thì có khi thiền còn phản tác dụng...  Vậy nên tôi chỉ xin có 2 lời khuyên với các bạn và cho chính bản thân tôi:

1. Các bạn thừa biết cái gì tốt cái gì xấu cho sức khỏe, nên tăng làm tốt giảm làm xấu nhất có thêm trong khả năng của mình.

2. Đừng sợ tìm kiếm sự giúp đỡ y tế. Bạn cũng là một con người, và bạn xứng đáng với mọi sự chăm sóc mà bạn có thể nhận được. Không có gì xấu hổ khi yêu cầu giúp đỡ. Hãy nhớ rằng con người bạn quan trọng hơn sự nghiệp của bạn.


PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu
Ý kiến của bạn