Đến thời điểm này đã có 18 bệnh nhi sơ sinh được chuyển từ BV Sản Nhi Bắc Ninh lên 3 bệnh viện tuyến TW gồm: BV Nhi Trung ương, BV Phụ sản Trung ương và BV Bạch Mai. Trong đó, tại Bệnh viện Nhi Trung ương có 4 trẻ đang trong tình trạng nặng, được cách ly riêng một phòng.
Riêng tại BV Phụ sản Trung ương, TS Lê Minh Trác - Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh cho biết, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, Ban giám đốc BV Phụ sản TW đã chỉ đạo Trung tâm và các bộ phận liên quan chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để tiếp nhận các cháu từ BV Sản Nhi Bắc Ninh chuyển lên.
Chiều ngày 21/11, tất cả các cháu chuyển đến BV Phụ sản Trung ương đều phải thở máy, tuy nhiên đến chiều ngày 22/11, cả 7 trẻ này đã đều không phải thở máy. Có 3 cháu nhẹ cân từ 1kg đến 1,4 kg hiện đang có sự hỗ trợ của mây trợ thở, 4 cháu thở oxy. Dự kiến có 2-3 cháu sẽ ra viện trong tuần tới. Riêng có 3 cháu cân nặng 1-1,4 kg dự kiến sẽ phải nằm nuôi dưỡng trong lồng ấp từ 1 đến 2 tháng.
TS Lê Minh Trác cũng cho biết thêm, khó khăn lớn nhất trong việc nuôi dưỡng 3 trẻ nhẹ cân trên là vấn đề dinh dưỡng, các cháu sinh non, nên mọi tổ chức cơ thể đều non, dễ bị suy hô hấp, ruột dễ hoại tử, khả năng miễn dịch kém, dễ viêm não và xuất huyết… Do đó, các y bác sĩ phải theo dõi sát sao vấn đề dinh dưỡng theo hướng nuôi ăn tăng dần, kiểm tra hệ tiêu hóa hằng ngày, đặc biệt trong quá trình chăm sóc phải tuyệt đối giữ vệ sinh vô khuẩn. Về điều trị, TS Trác cho biết, các y bác sĩ phải lên phương án sử dụng kháng sinh hợp lý, cân bằng nước điện giải, chống suy hô hấp.
"Tất cả 7 trường hợp này đều sẽ được BV Phụ sản Trung ương miễn phí hoàn toàn viện phí"- TS Lê Minh Trác cho biết.
Trẻ sơ sinh được chuyển từ BV Sản Nhi Bắc Ninh lên điều trị tại Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, BV Phụ sản Trung ương. Ảnh: Ngọc Thảo.
Cũng liên quan đến các trường hợp trẻ sơ sinh được chuyển lên từ BV Sản Nhi Bắc Ninh, chiều 22/11, PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết cho biết sẽ miễn hoàn toàn viện phí cho 3 trường hợp trẻ sơ sinh được chuyển từ BV Sản Nhi Bắc Ninh lên. Các bé đang được điều trị tích cực, có biểu hiện nhiễm khuẩn rất nặng. Bé nặng nhất được nằm cách ly riêng một phòng. Bệnh viện đã tập trung mọi nguồn lực, thuốc men, máy móc, cố gắng bằng mọi cách cứu các cháu.
Trước đó, sáng 20/11, có 4 bé sơ sinh tử vong ở đơn nguyên Sơ sinh Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh. Bốn em bé đều là trẻ sinh non, yếu, nhẹ cân và kèm bệnh lý bẩm sinh, phải thở máy, nằm lồng ấp. Cuối giờ chiều ngày 21/11, Hội đồng chuyên môn y tế tỉnh Bắc Ninh với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành Sản- Nhi đến từ BV Phụ sản Trung ương và BV Nhi Trung ương đã họp báo công bố kết luận nguyên nhân 4 trẻ sơ sinh tử vong tại BV Sản Nhi Bắc Ninh.
Tại cuộc họp báo, bà Tô Thị Mai Hoa- Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh- Chủ tịch Hội đồng chuyên môn cho biết, sau khi nghiên cứu hồ sơ, quá trình tiếp đón, thăm khám, xử trí, cấp cứu cho bệnh nhân, các thành viên Hội đồng đã đi đến kết luận như sau. Bốn trẻ sinh non tháng, nhẹ cân so với tuổi thai trên các bà mẹ có tiền sử sản khoa bệnh lý, đã được xử lý sản khoa phù hợp. Các trẻ đều có tình trạng suy hô hấp sau sinh, được xử trí cấp cứu và điều trị tích cực.
Các trẻ đều có tình trạng nhiễm khuẩn sau 3 đến 5 ngày điều trị, tiến triển đến tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn. Trẻ không có đáp ứng với các biện pháp điều trị chống sốc tại Bệnh viện. Nguyên nhân của tình trạng nhiễm khuẩn sơ sinh có thể liên quan đến vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện.
Đây là loại vi khuẩn kháng thuốc, thậm chí đa kháng thuốc. Sự hiện diện của vi khuẩn kháng thuốc, thậm chí đa kháng thuốc trong máu rất dễ dẫn đến tình trạng trạng sốc nhiễm khuẩn. PGS.TS Trần Minh Điển cũng cho hay, kết quả chính xác sẽ có trong chiều tối nay.
Cũng theo PGS.TS Trần Minh Điển, vi khuẩn có mặt ở mọi nơi, từ đất, nước, không khí, bề mặt, cơ thể... Đối với người khỏe mạnh, có thể khống chế được các vi khuẩn, nhưng cơ thể có miễn dịch không ổn định trên nền bệnh nặng sẽ phải hỗ trợ bằng kháng sinh. Hiện nay, tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh xuất hiện tại nhiều bệnh viện càng làm cho việc điều trị thêm khó khăn.