Cuộc sống con người luôn bị chi phối bởi vô vàn những sự kiện và biến cố gây ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc, khiến chúng ta cảm thấy buồn khổ, căng thẳng, lo lắng và bất an, chẳng hạn như: sự thay đổi công việc, mâu thuẫn gia đình, mất người thân, khó khăn về tài chính, vấn đề tình cảm, thay đổi chỗ ở... Về lâu dài, khi những cảm xúc tiêu cực này tích tụ, chúng sẽ dẫn đến những hệ lụy về mặt sức khỏe thể chất.
Do vậy, sức khỏe cảm xúc có vai trò thiết yếu đối với con người, quyết định chất lượng cuộc sống, sự khỏe mạnh và thành công của mỗi chúng ta. Công trình nghiên cứu của Villemure và Bushnell đăng trên tạp chí The Journal of the International Association for the Study of Pain năm 2002 khám phá ra rằng thái độ và cảm xúc tích cực giúp những bệnh nhân nằm viện mau chóng hồi phục và xuất viện hơn những người bi quan; trong khi đó, nghiên cứu gần đây của Vaccaro và các cộng sự đăng trên tạp chí The Journal of The European Psychiatric Association tháng 3/2016 khẳng định rằng quản lý cảm xúc là một kỹ năng quan trọng giúp chúng ta thành công trong nhiều nghề nghiệp gắn liền với giao tiếp con người. Những người có sức khỏe cảm xúc tốt ý thức được những suy nghĩ, cảm giác, cảm nhận và hành vi của mình. Họ học được những cách thức tích cực và lành mạnh để thích nghi với stress và xử lý những vấn đề hàng ngày của cuộc sống. Họ luôn biết cách hài lòng với bản thân, đạt đến sự tự tin và có được những mối quan hệ tốt đẹp.
Quản lý cảm xúc là một kỹ năng quan trọng giúp chúng ta thành công trong nhiều nghề nghiệp gắn liền với giao tiếp con người
Cảm xúc tiêu cực tác động đến sức khỏe thể chất như thế nào?
Khoa học đã chứng minh rằng giữa cơ thể và cảm xúc của con người luôn tồn tại một mối quan hệ mật thiết. Cơ thể chúng ta luôn có phản hồi tương ứng với những gì chúng ta nghĩ, cảm nhận và hành động. Mỗi khi chúng ta căng thẳng, lo lắng hay giận dữ, cơ thể chúng ta sẽ phát ra một phản ứng nhất định để báo cho chúng ta về tình trạng bất ổn đó. Nhiều thống kê đã cho thấy tình trạng cao huyết áp và loét bao tử xảy ra đáng kể ở những người vừa trải qua những biến cố chấn động về mặt tâm lý, chẳng hạn như mất người thân.
Sau đây là một vài triệu chứng bất ổn về mặt thể chất gây ra do sự tích tụ những cảm xúc tiêu cực: đau lưng, đau ngực, nhức đầu, mất cảm giác ngon miệng khi ăn, khô miệng, táo bón hoặc tiêu chảy, tình trạng mệt mỏi cực độ hoặc kéo dài, khó ngủ hoặc mất ngủ, tính tình cáu bẳn, tim đập nhanh, khó thở, đổ mồ hôi nhiều, đau dạ dày, và nhiều triệu chứng khác.
Nhiều nghiên cứu khoa học khẳng định rằng sức khỏe cảm xúc tồi làm suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, khiến chúng ta dễ bị cảm và mắc phải nhiều căn bệnh truyền nhiễm khác suốt khoảng thời gian bất ổn về mặt cảm xúc. Bên cạnh đó, mỗi khi bị những cảm xúc tiêu cực chi phối, phần lớn chúng ta có xu hướng bỏ mặc cơ thể, không còn hào hứng với các hoạt động chăm sóc sức khỏe bản thân như rèn luyện thể chất, ăn uống điều độ và đủ chất, hoặc uống thuốc theo đúng toa thuốc của bác sĩ. Một số người thậm chí đối mặt với các cảm xúc tiêu cực bằng cách lạm dụng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích, góp phần làm cho sức khỏe của bản thân trở nên tồi tệ hơn.
Kỹ năng khắc phục cảm xúc tiêu cực
Nếu những cảm xúc tiêu cực của bạn kéo dài và tích tụ đến mức ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày, hãy tìm đến bác sĩ tâm lý ngay lập tức. Trong phần lớn các trường hợp, chúng ta hoàn toàn có thể tự mình lấy lại được sự cân bằng về cảm xúc, với bước đầu tiên quan trọng là nhận diện những cảm xúc tiêu cực của bản thân và xác định nguyên nhân gây ra chúng. Việc sắp xếp và phân biệt những tác nhân khiến bạn cảm thấy buồn phiền, căng thẳng hoặc âu lo trong cuộc sống sẽ giúp bạn quản lý được cảm xúc của mình. Sau đây là một vài đề xuất giúp chúng ta rèn luyện và dần dà thuần thục kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân:
Bày tỏ cảm xúc và cảm nhận một cách phù hợp: nếu những sự căng thẳng, buồn phiền hoặc lo lắng đang khiến bạn cảm thấy không ổn về mặt thể chất, việc kìm nén chúng bên trong chỉ càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Hãy tập thói quen mạnh dạn chia sẻ cho gia đình, người thân hoặc những người bạn tin tưởng nhất về chúng. Nếu bạn đang tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý, hãy mạnh dạn chia sẻ những vấn đề khiến bạn bất an, để họ có thể giúp bạn lấy lại được sự cân bằng về mặt tinh thần và cải thiện sức khỏe cảm xúc của mình.
Cân bằng cuộc sống: đừng để bản thân mình bị ám ảnh bởi việc cơ quan, việc nhà, vấn đề chăm sóc con cái hay bất kỳ điều gì khiến bạn khó chịu hoặc tích tụ những cảm xúc tiêu cực. Điều này không có nghĩa bạn phải giả vờ vui vẻ bên ngoài trong khi bản thân đang đầy ắp sự căng thẳng, lo lắng và bực dọc bên trong. Việc xử lý những vấn đề gây khó chịu là quan trọng, nhưng chúng ta cần đồng thời tập trung vào những khía cạnh tích cực và vui vẻ của cuộc sống. Bạn có thể tập thói quen viết nhật ký về những sự kiện tốt lành và những chuyện khiến bạn cảm thấy vui vẻ trong ngày. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thái độ sống tích cực và lạc quan giúp con người nâng cao sức khỏe thể chất và chất lượng cuộc sống. Học cách buông bỏ những chuyện không vui, và hãy luôn dành ra những khoảng thời gian chất lượng trong ngày để bạn được đắm mình trong những thú vui hoặc những công việc bạn yêu thích. Luôn ghi nhớ rằng những sở thích hay thú vui này quan trọng với cuộc sống của bạn không kém gì công việc của bạn.
Hình thành cơ chế tự phục hồi cảm xúc bản thân: những người có sức khỏe cảm xúc tốt rèn luyện được cho mình khả năng tự phục hồi mỗi khi gặp phải những vấn đề hoặc biến cố không vui. Những lúc đó, họ biết cách thích ứng và xử lý tình huống gây căng thẳng một cách tích cực và lành mạnh. Cơ chế tự phục hồi có thể được tự học và nâng cao bằng nhiều chiến lược khác nhau, bao gồm kỹ năng mạnh dạn tìm kiếm sự trợ giúp mỗi khi gặp khó khăn, sự tự tin vào bản thân, thái độ sống lạc quan, chấp nhận thay đổi và sống có định hướng. Các bác sĩ, chuyên gia tâm lý và những khóa học kỹ năng sống có uy tín có thể giúp bạn rèn luyện được cơ chế tự phục hồi bằng liệu pháp hành vi nhận thức (cognitive behavioural therapy - CBT) hoặc các kỹ thuật tự giúp (self-help techniques).
Nghe nhạc, thiền, Yoga, hoặc Thái Cực quyền giúp bạn lấy lại được sự cân bằng về cảm xúc
Thư giãn cơ thể và tĩnh tâm: các hoạt động giúp thư giãn như nghe nhạc, thiền, yoga, hoặc Thái Cực Quyền giúp bạn lấy lại được sự cân bằng về cảm xúc. Các bài tập hít thở sâu và thể dục hàng ngày là vài cách thức đơn giản giúp bạn thư thái ngay lập tức.
Chăm sóc bản thân: sức khỏe cảm xúc và sức khỏe thể chất có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Tinh thần của chúng ta thư thái khi và chỉ khi cơ thể chúng ta khỏe mạnh. Hãy duy trì sự cân bằng này bằng việc ăn uống điều độ và đầy đủ dưỡng chất, ngủ đủ, thường xuyên rèn luyện thể chất; tuyệt đối không lạm dụng rượu bia, đồ uống có cồn và chất kích thích. Những thói quen sống lành mạnh này giúp giải phóng cơ thể và tâm trí chúng ta khỏi mọi sự âu lo của cuộc sống hàng ngày, giúp chúng ta đạt đến sự cân bằng về mặt tinh thần để làm việc hiệu quả hơn và tận hưởng cuộc sống cá nhân của mình một cách trọn vẹn hơn.