Hà Nội

Sức khỏe bệnh nhân đậu mùa khỉ ở Bình Dương giờ ra sao?

02-10-2023 14:07 | Y tế

SKĐS - BS Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương đã trả lời phỏng vấn Báo SK&ĐS về tình hình sức khỏe bệnh nhân đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng chống bệnh này trên địa bàn.

PV: Thưa ông, ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên của Bình Dương hiện nay sức khỏe ra sao?

BS Nguyễn Hồng Chương: Đến sáng nay, 2/10, sức khỏe bệnh nhân nhân đậu mùa khỉ ổn định. Bệnh nhân tỉnh, da niêm hồng, không xuất hiện sang thương mới trên da có nổi sẩn vùng bẹn, không đau bụng, bụng mềm, bệnh nhân được chẩn đoán đậu mùa khỉ bội nhiễm da...

Giám đốc Sở Y tế Bình Dương thông báo sức khỏe bệnh nhân đậu mùa khỉ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương.

PV: Bệnh đậu mùa dù được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B, tuy nhiên chúng ta không thể chủ quan. Xin ông cho biết, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh này hiện nay thế nào và người dân có nên lo lắng về dịch bệnh mới này không?

BS Nguyễn Hồng Chương: Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra. Đây là bệnh truyền nhiễm từ động vật có mang virus, bệnh có thể lây truyền từ động vật sang người hoặc từ người sang người.

Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm thấp, khó gây thành dịch, bệnh lây nhiễm trong trường hợp tiếp xúc khoảng cách gần với người đã bị bệnh, tiếp xúc vùng da có trầy xước, quan hệ tình dục, tiếp xúc với dịch tiết của người mắc bệnh, vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

Bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện ở Việt Nam khiến nhiều người dân lo lắng về mức độ lây lan cũng như những tổn thương và triệu chứng mà căn bệnh gây ra. Tuy nhiên, theo chuyên gia y tế, các biện pháp phòng chống điều trị vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đã đánh giá "bệnh có thể đã du nhập Việt Nam và lây truyền từ người sang người trong cộng đồng. Trước đây các ca nhiễm chủ yếu được ghi nhận tại những nước xa Việt Nam như châu Phi, châu Âu, cơ hội bệnh xâm nhập thấp.

Tuy nhiên vài tuần nay, số ca mắc đậu mùa khỉ ở Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á như Thái Lan tăng cao. Chuyên gia y tế nhận định, về nguyên tắc, những ca bệnh nội địa này có nguồn gốc từ du nhập, tức bệnh từ nước ngoài đã du nhập vào Việt Nam, tác nhân gây bệnh thầm lặng lây truyền vài thế hệ trước khi bị phát hiện trong cộng đồng. 

Bệnh đậu mùa khỉ lây truyền từ người qua người kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Bệnh lây truyền chính qua tiếp xúc trực tiếp (bao gồm cả quan hệ tình dục), qua giọt bắn lớn.

Người dân không nên lo lắng thái quá và hãy tiếp nhận thông tin từ ngành Y tế và cơ quan báo chí chính thống.

PV: Bình Dương đang thực hiện phòng chống bệnh đậu mùa khỉ như thế nào?

BS Nguyễn Hồng Chương: Sau ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên xuất hiện, Bình Dương đã triển khai nhiều phương án phòng dịch, cách ly ca nhiễm và những người tiếp xúc. Sở Y tế Bình Dương đã công bố nhiều thông tin về cách phòng tránh lây nhiễm đến với người dân.

Giám đốc Sở Y tế Bình Dương thông báo sức khỏe bệnh nhân đậu mùa khỉ - Ảnh 2.

Sức khỏe bệnh nhân đậu mùa khỉ đang điều trị ở Bình Dương đến sáng nay 2/10, tỉnh, da niêm hồng.

Ngay khi nhận được thông báo có ca mắc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cùng ngành Y tế tỉnh đã đến địa phương phối hợp với y tế cơ sở xử lý ca bệnh, điều tra, giám sát, khoanh vùng và tiến hành phun khử khuẩn môi trường xung quanh khu vực nhà ở của bệnh nhân, tránh lây lan trong cộng đồng.

Trước đó, ngành Y tế đã sẵn sàng các phương án ứng phó dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh truyền thông minh bạch bằng nhiều hình thức cho người dân, cộng đồng về các biện pháp dự phòng dịch bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã hướng dẫn triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn đúng theo quy định. Đặc biệt, khi phát hiện trường hợp bệnh, các đơn vị khẩn trương thực hiện điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính đậu mùa khỉ để xác định nguồn lây nhiễm, quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch, không để dịch lan rộng ra cộng đồng.

Y tế Bình Dương yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm tổ chức cách ly, điều trị trường hợp dương tính, tránh tử vong, lưu ý không để xảy ra lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị, tổ chức giám sát và báo cáo ca bệnh theo quy định.

Ngoài việc thực hiện các khuyến cáo phòng, chống Bệnh đậu mùa khỉ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người dân cần lưu ý các trường hợp sau:

Với người bệnh, người có triệu chứng sốt, phát ban cấp tính dạng mụn mủ quanh bộ phận sinh dục, lòng bàn tay, chân, thân mình, mặt, cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục, cần liên hệ ngay cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.

Cố gắng tránh tiếp xúc gần với bệnh nhân đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở, nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử lý.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp sau:

1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm sự phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

4. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

6. Đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Bệnh nhân đậu mùa khỉ ở Bình Dương hiện ra sao?Bệnh nhân đậu mùa khỉ ở Bình Dương hiện ra sao?

SKĐS - Sáng nay, 26/9, Sở Y tế Bình Dương thông tin về sức khỏe trường hợp bệnh nhân đậu mùa khỉ của tỉnh này.

Lê Hoàng
Ý kiến của bạn