Hà Nội

Sức khỏe bất thường, có nên đến bệnh viện khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp?

30-06-2021 13:07 | Thời sự
google news

SKĐS - Những ngày gần đây, một số bệnh viện cho biết, đã tiếp tiếp nhận bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, thậm chí đã có trường hợp tử vong do tâm lý ngại không dám đến bệnh viện vì sợ lây nhiễm COVID-19.

Tử vong vì “ngại” đến bệnh viện

BSCK II Vương Trung Kiên - Giám đốc BVĐK Thạch Thất (Hà Nội) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân 64 tuổi, từng bị gút mãn tính, viêm loét dạ dày, suy thận mãn tính, không có tiền sử dịch tễ liên quan đến COVID-19. Trước đó, bệnh nhân vì lo sợ dịch bệnh COVID-19 nên không đến cơ sở y tế để thăm khám định kỳ mà tự điều trị ở nhà bằng thuốc mua trên mạng.

Khi sức khoẻ quá yếu, có biểu hiện nôn ra máu, tím tái bệnh nhân mới tới viện cấp cứu. Tại bệnh viện, bệnh nhân đã ngưng thở ngưng tim, mạch không bắt được, huyết áp không đo được.

Ngay lập tức bệnh nhân được cấp cứu ngừng tuần hoàn, ép tim ngoài lồng ngực, đặt ống nội khí quản, sonde dạ dày... Sau 15 phút cấp cứu bệnh nhân có mạch trở lại, sonde dạ dày ra khoảng 500ml máu đỏ tươi. Bệnh nhân tiếp tục được các y bác sĩ tiến hành hồi sức tích cực, truyền máu, truyền dịch bồi phụ lại khối lượng tuần hoàn. Tuy nhiên, do lượng máu mất quá lớn, bệnh nhân đến viện quá muộn nên bệnh nhân đã không qua khỏi dù đã được cấp cứu tích cực.

Kiểm soát, phân luồng người bệnh ngay khi tới cổng bệnh viện

Không chỉ những trường hợp có bệnh lý nền, người cao tuổi mà ngay cả trẻ nhỏ cũng gánh chịu hậu quả, nguy hiểm đến tính mạng khi gia đình lo sợ dịch bệnh COVID-19 nên không đưa trẻ tới bệnh viện.

TS.BS. Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và chống độc BV Nhi trung ương cho biết, vừa qua, một bé trai 3 tuổi (ở quận Đống Đa, Hà Nội) có biểu hiệu đau bụng. Thay vì đưa con đến bệnh viện để khám, mẹ bé đã mua thuốc về nhà tự điều trị. Khi thấy tình trạng bệnh của con nặng lên, người phụ nữ này mới đưa con đến Khoa Cấp cứu và chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương). Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán, bé trai bị viêm phúc mạc ruột thừa, chậm chút nữa thì biến chứng nhiễm trùng huyết và sốc…

Theo TS.BS. Lê Ngọc Duy, thời điểm bình thường trước đây, trung bình mỗi ngày, Khoa Cấp cứu và chống độc của bệnh viện tiếp nhận khoảng 200 trẻ, thì nay giảm còn khoảng 50 trẻ.

Theo TS. Duy, hầu hết bệnh nhi đến bệnh viện thời điểm này đều rơi vào tình trạng nặng, khiến việc điều trị khó khăn hơn. Sai lầm tai hại mà không ít phụ huynh mắc phải, đó là việc tự ý mua thuốc điều trị cho con. Việc điều trị sai có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Theo ghi nhận tại nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội như: Đức Giang, Thanh Nhàn, Việt Nam - Cuba…, số lượng bệnh nhân đến khám thời điểm này giảm từ 30 đến 50%.

Kiểm soát, đo thân nhiệt cho người tới khám chữa bệnh tại BV Nhi Trung ương

Trước khi đến bệnh viện nên gọi điện cho bác sĩ để được tư vấn

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay, việc tụ tập, đi đến nơi đông người là nên hạn chế. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là khi có bệnh, người dân không đến bệnh viện, nhất là với đối tượng trẻ em, người già, bệnh diễn biến rất nhanh, để lại hậu quả đáng tiếc…

Để tránh lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở y tế đã áp dụng nghiêm ngặt quy trình phòng dịch theo bộ Tiêu chí an toàn bệnh viện của Bộ Y tế. Các bệnh viện thực hiện việc phân luồng, sàng lọc bệnh nhân ngay từ đầu, đồng thời bố trí lối đi riêng cho người có bệnh lý nền, người có nguy cơ cao… để loại bỏ nguy cơ dịch bệnh xâm nhập. Đối với người bệnh cần bình tĩnh, không vì quá lo ngại mà từ chối điều trị bệnh. Khi đến bệnh viện, người dân cần tuân thủ thông điệp “5K” của Bộ Y tế.

Khi đến viện vào thẳng các luồng đã được hướng dẫn chi tiết và giờ hẹn qua điện thoại

Còn theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, hiện có hai thái cực xảy ra, đó là nhiều người sợ không dám đến bệnh viện, ngược lại, nhiều người chỉ mới có triệu chứng sốt, ho, đau họng… dù không có tiền sử dịch tễ liên quan đến vùng dịch đã lập tức đến bệnh viện khám, vì lo mình bị nhiễm COVID-19 cũng là điều không nên.

Hiện tại, nhiều bệnh viện đã thiết lập mô hình đường dây nóng, sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, website… hoạt động 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin, tư vấn và giải quyết kịp thời các vấn đề người dân quan tâm, thắc mắc.

Bên cạnh đó, bộ phận chăm sóc người bệnh thuộc phòng quản lý chất lượng của bệnh viện cũng thường xuyên thăm hỏi bệnh lý, nhắc nhở bệnh nhân đến tái khám theo định kỳ, theo lịch hẹn của bác sĩ hoặc trực tiếp tư vấn cho bệnh nhân. Ngoài ra, các bệnh viện cũng đã triển khai mô hình khám bệnh từ xa, khám chữa bệnh trực tuyến...

Để tránh lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở y tế, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu lưu ý, bệnh nhân trước khi đến bệnh viện nên gọi điện cho bác sĩ để được tư vấn, chẩn đoán tình trạng bệnh. Những ca bệnh nặng sẽ được khuyến cáo đến bệnh viện sớm, cấp cứu kịp thời; các ca nhẹ không cần đến bệnh viện sẽ được tư vấn chữa bệnh từ xa. Nếu bệnh nhân đến bệnh viện đông quá, nơi khám sàng lọc quá tải cũng sẽ là nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Ngược lại, bệnh nhân nặng vì lo sợ, không tới bệnh viện sẽ nguy hiểm đến tính mạng.


Thanh Loan
Ý kiến của bạn