Ngày 19/10, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức Hội nghị sơ kết 2,5 năm thực hiện Ðề án 1816 (tháng 8/2008 – tháng 6/2011). Với những kết quả đạt được, TS. BS. Phạm Việt Thanh - Giám đốc Sở Y tế đã nhận định rằng đề án đã có sức hấp dẫn và lan tỏa tích cực…
Tỷ lệ chuyển viện các bệnh lý khó đã giảm
Tại hội nghị, BS. Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM cho biết, qua 2,5 năm thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế, đã có 24 bệnh viện đóng trên địa bàn TP.HCM cử cán bộ đi luân phiên, hỗ trợ cho 28 tỉnh (với tổng cộng 64 đơn vị nhận hỗ trợ) với tổng số 2.719 lượt cán bộ luân chuyển. Đáng chú ý, không chỉ các BV tuyến tỉnh được hỗ trợ mà 13 đơn vị y tế cấp quận huyện cũng đã nhận được sự hỗ trợ trực tiếp của các BV, các y bác sĩ tại TP.HCM. Qua đó, đã có tổng cộng gần 1.900 kỹ thuật chuyên môn ở 26 chuyên ngành khác nhau như sản, nhi, nội, ngoại, gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, nội soi… được chuyển giao cho tuyến dưới. Đặc biệt, khoảng 90% kỹ thuật sau khi tuyến trên chuyển giao đã được tuyến dưới thực hiện tốt. Ngoài việc chuyển giao kỹ thuật, các BV tham gia đề án còn tổ chức gần 16 ngàn lớp tập huấn và trực tiếp tham gia công tác khám chữa bệnh tại địa phương (khám 137.599 lượt bệnh nhân và phẫu thuật cho 5.459 lượt bệnh nhân) giúp giảm tải hiệu quả cho một số BV tuyến cuối. Báo cáo của các đơn vị nhận hỗ trợ cho thấy một kết quả thật sự đáng để vui mừng khi mà tỷ lệ chuyển viện các bệnh lý khó đã giảm hẳn. Sau khi được chuyển giao kỹ thuật, BVĐK Phú Yên đã giảm được 90% tỷ lệ chuyển viện bệnh nhân bị chấn thương sọ não, BVĐK Sa Đéc (Đồng Tháp) giảm chuyển viện 30% bệnh nhân tim mạch. Với một kỹ thuật đặc thù trong ngành sản phụ khoa là cắt tử cung qua ngả bụng, ngả âm đạo, BVĐK Long An, BV Cần Giuộc, BV Bến Lức (Long An) và BVĐK Đồng Tháp giảm chuyển viện từ 70 - 90%...
Riêng tại TP.HCM, đề án cũng được thực hiện tốt tại các quận huyện. Theo BS. Nam, trong hai năm đầu thực hiện đề án, TP.HCM được giao nhiệm vụ chủ yếu hỗ trợ cán bộ luân phiên cho các tỉnh phía Nam. Từ cuối năm 2010 và đầu năm 2011, TP.HCM mới bắt đầu triển khai rộng rãi đề án 1816 tới các BV quận huyện. Tuy vậy, cũng đã có 152 cán bộ y tế có trình độ được cử xuống luân phiên và chuyển giao được 43 kỹ thuật khó; tổ chức 28 lớp tập huấn, khám và phẫu thuật tại chỗ cho hơn 9.700 lượt bệnh nhân. Đặc biệt, sự linh hoạt, sáng tạo đã được thể hiện khi BV tuyến thành phố còn lập phòng khám chuyên khoa tại BV quận, huyện (phòng khám vệ tinh). Điển hình là BV Nhi đồng 2 lập phòng khám tại BV quận Bình Thạnh, khám 200 bệnh nhi mỗi ngày. BV Chấn thương chỉnh hình lập phòng khám tại quận 5; BV Mắt, Viện Tim lập phòng khám tại quận 7 và huyện Nhà Bè… Cũng cần phải nói rằng nếu không có sự chủ động và tích cực của Sở Y tế và mỗi đơn vị thì đề án sẽ không có được kết quả đáng khích lệ ấy. Trong quá trình triển khai đề án, ngoài Ban chỉ đạo Đề án 1816 của Sở Y tế TP.HCM do Phó Chủ tịch UBND TP làm trưởng ban, Giám đốc Sở làm phó ban thì tại nhiều BV như Từ Dũ, Chấn thương chỉnh hình cũng lập Ban chỉ đạo của đơn vị để sát sao hơn với công tác đầy ý nghĩa này.
Điều trị một ca sinh non tại Bệnh viện đa khoa An Giang. |
Ưu tiên đưa đề án đến với vùng sâu, vùng xa
Theo TS.BS. Phạm Việt Thanh, hiệu quả cao nhất của ngành y tế thành phố sau 2 năm thực hiện Đề án 1816 là đào tạo chuyển giao kỹ thuật và đưa dịch vụ kỹ thuật cao đến với người dân vùng sâu, vùng xa. Các bệnh viện tuyến tỉnh đã có thể triển khai thường quy các kỹ thuật chuyên môn cao như: phẫu thuật sọ não, vi phẫu thuật, thận nhân tạo, can thiệp mạch máu, phẫu thuật nội soi… các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đã mạnh dạn giữ bệnh nhân ở lại điều trị góp phần giảm tải cho tuyến trên. Đặc biệt, đề án này đã làm thay đổi nhận thức về tính trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội của các cán bộ y tế thành phố đối với đồng nghiệp của mình đang làm việc tại những vùng mà điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn. Điều này góp phần quan trọng vào sự công bằng, hiệu quả và phát triển trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tiếp tục thành tích hơn hai năm qua, Sở Y tế TP.HCM đã xây dựng kế hoạch tăng cường cán bộ y tế về cơ sở và xác định phương hướng hoạt động cho giai đoạn 2011-2015 sẽ tập trung vào việc tăng cường chất lượng và ưu tiên đưa đề án đến với vùng sâu, vùng xa. Song song đó là chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ tuyến dưới ngay tại cơ sở hoặc đưa về thành phố đào tạo chương trình nâng cao tại BV, trường ĐH y khoa… Chỉ đạo tại hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế biểu dương những thành tích của TP.HCM trong việc triển khai và thực hiện đề án. Theo thứ trưởng, trong thời gian tới, ngành y tế TP.HCM và các BV tuyến trên cần tăng cường hơn nữa việc chuyển giao kỹ thuật song song với đào tạo để nâng cao trình độ tuyến dưới, giúp tuyến dưới tự chủ để giảm tải cho tuyến trên, hoàn thành tốt những mục tiêu đúng đắn mà đề án đã đề ra, đồng thời tăng cường BV vệ tinh, phòng khám vệ tinh, rút ngắn thời gian điều trị và chú ý xây dựng mô hình bác sĩ gia đình.
Bài và ảnh: Tuân Nguyễn