1. Sức đề kháng là gì?
GS.TS. Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng, Đại Học Y Hà Nội cho biết, sức đề kháng chính là miễn dịch của cơ thể, là khả năng cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài như virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng... và tìm cách tiêu diệt nếu mầm bệnh đã xâm nhập vào cơ thể.
Nếu sức đề kháng kém, hệ thống miễn dịch suy yếu, cơ thể rất dễ mắc cảm cúm, cảm lạnh hay các bệnh lý đường hô hấp, tiêu hóa…
Sức đề kháng, hệ miễn dịch của mỗi người được hình thành, phát triển từ khi còn là bào thai cho đến khi trưởng thành và phụ thuộc nhiều vào nhiều yếu tố như gen, tuổi tác, giới tính, thói quen ăn uống và luyện tập.
Thực tế cho chấy, có những người sinh ra rất yếu nhưng chăm chỉ, chịu khó luyện tập, ăn uống khoa học, lành mạnh sẽ có sức đề kháng tốt, cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai. Ngược lại, có những trường hợp sinh ra khỏe mạnh nhưng ăn uống thiếu khoa học, ít vận động dẫn đến béo phì và nhiều hệ lụy với sức khỏe. Hoặc có người sinh ra khỏe mạnh do được thừa hưởng gen khỏe mạnh nhưng có người cứ thay đổi thời tiết thì bị dị ứng, hắt hơi, sổ mũi do gen dị ứng…
2. Tại sao sức đề kháng tốt là chìa khóa để chống lại bệnh tật?
Sức đề kháng hay hệ thống miễn dịch là một mạng lưới phức tạp gồm các cơ quan, tế bào và protein giúp bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng, đồng thời bảo vệ các tế bào của chính cơ thể. Bên cạnh đó, hệ thống miễn dịch lưu giữ hồ sơ về mọi vi khuẩn, virus… mà nó đã từng đánh bại để có thể nhận biết và tiêu diệt một cách nhanh chóng nếu vi khuẩn, virus... đó xâm nhập cơ thể một lần nữa.
Ngoài ra, sự bất thường của hệ thống miễn dịch có thể dẫn đến các bệnh dị ứng, suy giảm miễn dịch và rối loạn tự miễn dịch. Do đó, có thể nói, sức đề kháng tốt, hệ miễn dịch khỏe mạnh là chìa khóa để chống lại bệnh tật.
Tuy nhiên, để nâng cao sức đề kháng, tăng cường miễn dịch, ngoài yếu tố không tác động được như gen di truyền thì những yếu tố có thể tác động, thay đổi như lối sống, thói quen ăn uống, tập luyện... có vai trò quan trọng.
Sức đề kháng kém dễ khiễn cơ thể mắc bệnh.
3. Biện pháp tăng cường sức đề kháng
Để tăng cường sức đề kháng, nâng cao miễn dịch, bạn cần thay đổi, cải thiện dinh dưỡng, thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo thói quen lối sống lành mạnh.
Người có lối sống điều độ, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, không ăn quá nhiều... sẽ phòng ngừa được thừa cân, béo phì, các bệnh mạn tính không lây nhiễm như tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường...
Người có lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, uống rượu nhiều sẽ phải đối diện nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư...
Chính vì thế, ngay từ bây giờ, mỗi người cần thay đổi thói quen để tăng cường sức đề kháng, nâng cao miễn dịch giúp cơ thể khỏe mạnh, bằng cách:
Tập luyện: Thay vì ngồi nhiều giờ trước màn hình máy tính thì nên tập luyện thể dục, vận động thân thể, tập yoga... hay các hoạt động thể lực trung bình khoảng 150 phút mỗi tuần.
Tập luyện giúp tăng sức đề kháng, chống lại virus, vi khuẩn
Chú ý chế độ dinh dưỡng: Dinh dưỡng cung cấp năng lượng và duy trì sức mạnh cho gân, cơ với các nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu như chất đạm, chất béo, chất bột đường.
Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng còn cần cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết để cơ thể khỏe mạnh do các yếu tố này ảnh hưởng nhiều đến sức đề kháng. Chẳng hạn, nếu cơ thể thiếu vitamin C, A, D hay các khoáng chất như kẽm, sắt... sẽ làm giảm sức đề kháng và khiến cơ thể dễ mắc bệnh hơn.
Chế độ ăn uống lành mạnh giúp tăng sức đề kháng.
Bổ sung nước và ngủ đủ giấc: Mặc dù cả quá trình hydrat hóa không bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh nhưng việc bổ sung đủ nước sẽ giúp cải thiện hệ tiêu hóa, chức năng tim mạch, thận và hỗ trợ các hoạt động thể chất. Mỗi người trưởng thành dưới 65 tuổi nên uống 40ml nước/kg cân nặng/ngày.
Bên cạnh đó, giấc ngủ và tình trạng miễn dịch có mối quan hệ chặt chẽ. Nếu bạn ngủ đủ giấc, khoảng 7-8 tiếng mỗi đêm sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại bệnh tật tốt hơn.
Mời bạn xem tiếp video:
Thực phẩm tốt cho tiêu hóa và giấc ngủ vào buổi tối | SKĐS