Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của y tế cơ sở được coi là “người gác cổng” của hệ thống y tế chăm sóc sức khoẻ ban đầu, là nơi dễ tiếp cận với chi phí thấp, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.
Trước đề nghị từ một số địa phương, xóa bỏ các trạm y tế do không đủ điều kiện, người dân không có nhu cầu vì nằm gần bệnh viện tuyến trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Không thể nào xóa bỏ các trạm y tế được! Bởi các trạm y tế phải làm chức năng không ai thay thế được đó là dự phòng chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc sức khỏe người dân tại cộng đồng và tốt nhất.
Nếu cơ sở vật chất, nhân lực trạm y tế không đủ điều kiện thì phải lồng ghép với phòng khám đa khoa khu vực để phòng khám khu vực vẫn có bộ phận tiêm chủng phòng chống bệnh, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, khám chữa bệnh có chất lượng để người dân không đi lên tuyến trên.
Quản lý bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế giảm quá tải cho tuyến trên.
Vai trò của y tế cơ sở rất quan trọng, được coi là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế; đồng thời là tuyến đầu, “người gác cổng” của hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu, trực tiếp gần dân nhất. Y tế cơ sở là nơi dễ tiếp cận với chi phí thấp, công bằng xã hội, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. Chính vì thế, việc triển khai trạm y tế xã phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình với 6 nguyên tắc: liên tục - toàn diện - lồng ghép - phối hợp - dự phòng - gia đình - cộng đồng sẽ giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân một cách hiệu quả.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế cho biết, thực trạng quản lý bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã theo nguyên lý y học gia đình vẫn còn khoảng trống quản lý điều trị rất lớn với 86,4% người tăng huyết áp chưa được điều trị; 56,9% người không được phát hiện. Tỷ lệ này với bệnh đái tháo đường cũng cao với 68,9% số người không được phát hiện và 71,1% chưa được điều trị. Thực tế, hiện nay, các trạm y tế xã mới thực hiện quản lý được 13,6% người bệnh tăng huyết áp; 28,9% người bệnh đái tháo đường.
Ông Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, hiện nay, chất lượng chuyên môn giữa các tuyến không chênh lệch nhiều do điều trị bệnh không lây nhiễm mạn tính đã có hướng dẫn chuyên môn, quy trình kỹ thuật, phác đồ điều trị được chuẩn hóa, phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, thực tế người dân vẫn dồn lên tuyến trên gây gia tăng chi phí, bội chi quỹ BHYT.
Mục tiêu Nghị quyết 20-NQ/TƯ ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đặt ra mục tiêu, đến năm 2025 có 95% và đến 2030 có 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm. Vì thế, để giảm tải cho y tế tuyến trên, mục tiêu ngành y tế đặt ra là phát huy vai trò y tế cơ sở, tăng cường chuyển giao kỹ thuật tuyến trên cho y tế cơ sở để các trạm y tế thực hiện nhiệm vụ phát hiện, quản lý và điều trị người bệnh mắc các bệnh mãn tính tại trạm y tế xã.