Suất ăn cho công nhân Nơm nớp nỗi lo!

08-06-2016 20:05 | Xã hội
google news

SKĐS - Phần lớn số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở các bếp ăn tập thể của công nhân là do cơ sở cung cấp thức ăn không bảo đảm an toàn thực phẩm, nguồn thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật gây hại.

Phần lớn số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở các bếp ăn tập thể của công nhân là do cơ sở cung cấp thức ăn không bảo đảm an toàn thực phẩm, nguồn thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật gây hại. Tệ hơn khi nhiều suất ăn của công nhân chỉ vài ngàn đồng/người, không đảm bảo cả dinh dưỡng lẫn an toàn thực phẩm... Đây là thực trạng rất đáng lo ngại khi mối đe dọa ngộ độc thực phẩm đang xảy ra với rất nhiều người lao động tại không ít khu công nghiệp, khu chế xuất trong cả nước.

Liên tiếp xảy ra ngộ độc tập thể

Mặc dù Tháng hành động ATVSTP đang diễn ra rầm rộ tại các địa phương trong cả nước, nhưng liên tiếp trong thời gian qua, các vụ ngộ độc tập thể đã dồn dập  xảy ra đối với công nhân tại nhiều nhà máy, xí nghiệp. Gần đây nhất, sáng 3/6, hơn 60 công nhân Công ty TNHH Simone chuyên may túi xách (có trụ sở tại Khu công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đã phải nhập viện cấp cứu do nghi ngộ độc thực phẩm. Sau khi được chăm sóc và điều trị tại Trung tâm y tế huyện Châu Thành, đến trưa 3/6, sức khỏe của hầu hết công nhân đều ổn định, một số công nhân đã được xuất viện. Các công nhân cho biết đã ăn cơm trưa tại công ty vào ngày 2/6 với các món: thịt vịt kho gừng, rau củ xào, rau thập cẩm chay, tương hột xào, canh rau má thịt… Đơn vị nấu và cung cấp thức ăn ở bếp ăn của công ty là Công ty Đại Hằng Kim (TP.HCM). Sau khi ăn, đến chiều và tối ngày 2/6, các công nhân xuất hiện triệu chứng đau bụng, buồn nôn, chóng mặt, tiêu chảy… Đến sáng ngày 3/6, khi cố gắng đến công ty làm việc nhưng không làm nổi và tiếp tục có các triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm, hàng chục người đã được đưa đi cấp cứu. Sau khi xảy ra sự việc, Chi cục  ATVSTP tỉnh Tiền Giang đã tiến hành lấy mẫu thức ăn và mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm điều tra nguyên nhân đồng thời đình chỉ bếp ăn của Công ty TNHH Simone 7 ngày để tổng vệ sinh. Được biết, đây không phải lần đầu công nhân Công ty TNHH Simone bị ngộ độc thực phẩm. Trước đó, vào ngày 24/4/2015, hơn 300 công nhân của công ty này cũng bị ngộ độc thực phẩm phải đi bệnh viện cấp cứu.

Chăm sóc, điều trị cho công nhân bị NĐTP.

Một vụ ngộ độc thực phẩm tập thể khác nghiêm trọng hơn đã xảy ra tại Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước với hơn 300 công nhân của 3 công ty ISHENG, XINREN và Sung Ju đã bị ngộ độc với các triệu chứng buồn nôn, ói mửa, chóng mặt, tiêu chảy. Thậm chí, rất nhiều công nhân bị ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Chơn Thành và Bệnh viện đa khoa thị xã Bình Long. Theo nhiều công nhân cho biết, trong bữa ăn trưa với các món đậu hũ nhồi thịt, canh chua rau muống và giá...,  họ đã phát hiện món đậu hũ nhồi thịt có mùi vị rất khó chịu, cảm giác như thịt bị ôi thiu. Đáng chú ý, ngay sau khi vụ ngộ độc tập thể trên xảy ra, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Bình Phước đã tiến hành truy xuất nguồn gốc thực phẩm và kiểm tra trực tiếp tại cơ sở Tuyết Ánh (thị trấn Chơn Thành) là nơi cung cấp thực phẩm cho các bữa ăn của công nhân ở 3 công ty trên. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện có tới hơn 103kg thịt, sản phẩm động vật sử dụng làm thực phẩm được cất giữ trong tủ lạnh của cơ sở Tuyết Ánh đã bị biến đổi về màu sắc và có mùi hôi thối do bảo quản không tốt. Đặc biệt, cơ sở này kinh doanh thịt và sản phẩm động vật sử dụng làm thực phẩm nhưng không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y.

Trong khi đó, ngược ra khu vực phía Bắc, hàng trăm công nhân Công ty TNHH Youngor Smart Shirts Việt Nam ở Khu công nghiệp Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định đã đồng loạt bỏ dở bữa ăn giữa ca vì hoảng hồn khi phát hiện ra có dòi trong suất ăn trưa tại công ty. Đáng chú ý hơn, cũng tại địa bàn Nam Định, trước đó không lâu, hàng trăm công nhân Công ty TNHH giầy Amara Việt Nam (có trụ sở tại huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) đã phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc sau bữa ăn trưa với su su xào, giò, lạc rang và canh rau. Khủng khiếp hơn, một số công nhân sau khi ăn gần hết suất cơm của mình đã phát hiện những sinh vật lạ màu trắng bé xíu ngoe nguẩy trong những... miếng giò!

Rõ ràng, những vụ ngộ độ thực phẩm với hàng trăm, thậm chí cả ngàn người lao động phải nhập viện cấp cứu đã thực sự là hồi chuông báo động về tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Thống kê của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, chỉ riêng trong quý I/2016, cả nước xảy ra 26 vụ ngộ độ thực phẩm nhưng có tới gần 700 người phải nhập viện và 2 trường hợp tử vong. Còn trong năm 2015, riêng tại các bếp ăn tập thể đã xảy ra hơn 30 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm trên 3.000 người phải nhập viện. Điều này cũng cho thấy, phần lớn các vụ ngộ độc xảy ra là ngộ độc tập thể làm nhiều người mắc cùng lúc. Qua điều tra, có tới 70% vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở bếp ăn tập thể của công nhân do cơ sở cung cấp thức ăn không bảo đảm an toàn vệ sinh, nguồn thực phẩm kém chất lượng, còn lại hơn 30% nguyên nhân là do điều kiện vệ sinh bếp ăn tại chỗ.

Bếp ăn tập thể cần đảm bảo vệ sinh và chất lượng để tránh ngộ độc thực phẩm. Ảnh: K. Hà

Buông lỏng kiểm soát

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, cả nước hiện có khoảng 256 khu công nghiệp và khu chế xuất, tạo việc làm cho hơn 1,17 triệu lao động trực tiếp và 1,5 triệu lao động gián tiếp. Để bảo đảm thời gian làm việc và chế độ cho người lao động, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức các bữa ăn trưa, ăn giữa ca cho công nhân. Tuy nhiên, chỉ có số ít doanh nghiệp tự nấu các bữa ăn tập thể cho người lao động, còn phần lớn là khoán trắng hay hợp đồng toàn bộ với đơn vị cung cấp suất ăn, làm gia tăng nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động. Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đã có quy định chặt chẽ từ nguồn gốc thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, nước, phụ gia… cho đến những quy định về thủ tục hành chính như bắt buộc các bếp ăn phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm mới được phép cung cấp suất ăn cho công nhân. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy phần lớn số vụ ngộ độc thực phẩm trong các khu công nghiệp là do thức ăn nấu ở nơi khác mang đến với nguồn thực phẩm rất đa dạng, khó kiểm soát, điều kiện vệ sinh khu chế biến thực phẩm không đạt tiêu chuẩn. Trong khi đó, trách nhiệm quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm của chính quyền địa phương, ban quản lý các khu công nghiệp, chủ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ăn uống còn bị buông lỏng, thiếu kiểm soát.

Đáng lo ngại hơn, một trong những nguyên nhân khiến ngộ độc thực phẩm luôn đe dọa các bếp ăn tập thể là việc sử dụng các bữa ăn giá rẻ rất phổ biến. Nhiều doanh nghiệp sử dụng thực phẩm cung cấp cho công nhân với giá chỉ từ 9.000 - 12.000 đồng/suất ăn, chưa kể tới lợi nhuận của người nấu bếp, cơ sở cung cấp suất ăn nên giá trị thực của mỗi suất ăn còn thấp hơn nhiều. Thực trạng này khiến cho các suất ăn cho công nhân không đảm bảo đủ dinh dưỡng cũng như an toàn thực phẩm. “Tôi đã trực tiếp xuống xóm trọ công nhân và chứng kiến bữa cơm của công nhân thậm chí chỉ có 4.000 đồng/suất. Nhiều doanh nghiệp cho biết, suất ăn thấp nhưng rất nhiều công nhân vẫn chấp nhận vì nếu nâng giá trị suất ăn lên thì công nhân sẽ bị giảm lương. Đây chính là vấn đề khó trong việc quản lý an toàn thực phẩm trong các bếp ăn khu công nghiệp hiện nay...”, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm chia sẻ.

Qua kiểm tra, sai phạm tại các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn cho các khu công nghiệp, khu chế xuất rất phổ biến, với khoảng 20% không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, 16,7% cơ sở không đạt về điều kiện vệ sinh khu chế biến, nhà ăn và trên 10% cơ sở sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc.

Việt Anh
Ý kiến của bạn