Hệ miễn dịch của trẻ được hoàn thiện dần sau khi sinh
Từ khi sinh ra, hệ miễn dịch của trẻ phát triển qua 2 giai đoạn: Giai đoạn của hệ miễn dịch thụ động và giai đoạn của hệ miễn dịch chủ động.
Hệ miễn dịch bẩm sinh (hệ miễn dịch thụ động) là hệ miễn dịch được "mượn" từ một nguồn khác. Trẻ sơ sinh thường có được khả năng miễn dịch thụ động là nhờ có hệ thống kháng thể từ mẹ truyền cho trong giai đoạn bào thai và bú mẹ. Tuy nhiên, hệ miễn dịch bẩm sinh còn non yếu và chưa đủ sức đề kháng với các tác nhân gây bệnh.
Hệ miễn dịch chủ động (hệ miễn dịch tự thân) là loại miễn dịch thích ứng bảo vệ cơ thể khỏi mầm bệnh khi chúng xâm nhập vào cơ thể. Từ tháng thứ 6 trở đi, kháng thể từ mẹ truyền sang dần giảm đi, hệ miễn dịch của trẻ bắt đầu chuyển từ miễn dịch thụ động sang miễn dịch chủ động.
Tuy nhiên, hệ miễn dịch chủ động cần thời gian để phát triển, hoàn thiện và phải đến năm 3-4 tuổi, cơ thể bé mới có đủ lượng kháng thể gần bằng của người lớn. Lúc đó hệ miễn dịch mới đủ khỏe mạnh để bảo vệ bé khỏi bệnh tật.
Do vậy, khoảng thời gian từ 6-36 tháng được gọi là giai đoạn "khoảng trống miễn dịch" hay thiếu hụt miễn dịch, khiến cho trẻ dễ bị bệnh vặt, ho, sốt, sổ mũi dai dẳng, dẫn đến biếng ăn, suy dinh dưỡng...
Sữa non - dinh dưỡng vàng giúp "hoàn chỉnh" hệ miễn dịch của con
Theo WHO, sữa mẹ là thực phẩm lý tưởng cho trẻ sơ sinh. Sữa mẹ an toàn, sạch sẽ và chứa các kháng thể giúp bảo vệ chống lại nhiều bệnh phổ biến ở trẻ em. Sữa mẹ cung cấp tất cả năng lượng và chất dinh dưỡng mà trẻ sơ sinh cần cho những tháng đầu đời. Trẻ được bú mẹ cũng được cung cấp tới hơn một nửa nhu cầu dinh dưỡng trong khoảng 6 tháng đầu tiên sau sinh.
Sữa non là món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho mẹ. Được tiết ra trong 24-72 giờ đầu sau khi mẹ sinh con, sữa non mang đến nguồn dinh dưỡng dồi dào và những kháng thể thiết yếu, đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sự phát triển toàn diện của con, đặc biệt là hệ miễn dịch.
Theo thông tin chia sẻ trên website chăm sóc sức khỏe WebMD (của Mỹ), sữa non đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch của bé nhờ những ưu điểm sau:
Cung cấp lượng kháng thể dồi dào: Sữa non chứa các tế bào bạch cầu (bạch cầu), sản xuất kháng thể (globulin miễn dịch - IgA, IgG, IgM) có thể chống lại nhiễm trùng. Khi bú sữa non, bé sẽ nhận được các kháng thể này, có thể tăng cường hệ thống miễn dịch, chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm.
Sữa non được xem như một loại "kháng sinh tự nhiên" không gây tác dụng phụ: Các kháng thể trong sữa non hoạt động như một loại kháng sinh tự nhiên cho trẻ sơ sinh bằng cách bảo vệ trẻ khỏi các vi khuẩn trong môi trường.
Tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch: Sữa non có màu vàng nhạt, đặc sánh, khác biệt hoàn toàn so với sữa mẹ trưởng thành. Tuy lượng ít, nhưng sữa non lại chứa hàm lượng dinh dưỡng cao gấp nhiều lần sữa mẹ trưởng thành, đặc biệt là giàu immunoglobulin (IgA, IgG, IgM), lactoferrin, lysozyme - là những yếu tố miễn dịch quan trọng giúp bảo vệ bé khỏi vi khuẩn, virus.
Ngoài việc tăng cường hệ miễn dịch, có nhiều nghiên cứu cho thấy sữa non còn mang lại những lợi ích khác cho bé như hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường trí não, phát triển thị giác… nhờ chứa các thành phần như choline, taurine…
Choline là một chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ, đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển não bộ. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng nó có thể ảnh hưởng đến trí nhớ của trẻ sơ sinh. Trong khi đó, Taurine có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển của hệ thống thần kinh trung ương. Bổ sung taurine có thể hỗ trợ hệ thống thần kinh trung ương, giảm chứng co giật và rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).
Sữa non có chứa những thành phần vô cùng quan trọng cho sự phát triển của trẻ trong giai đoạn đầu đời. Vì vậy, các bà mẹ thường được động viên cho con bú sớm nhất có thể.
Có thể nói, việc tăng cường dinh dưỡng miễn dịch cho con là điều quan trọng để hệ miễn dịch của trẻ luôn hoạt động ở mức tốt nhất. Ngoài ra, cần chú ý tiêm vaccine cho trẻ đầy đủ, và khuyến khích, hướng dẫn trẻ giữ vệ sinh sạch sẽ, dạy trẻ thực hiện các quy tắc để hạn chế tối đa các tác nhân có thể lây nhiễm ở nơi công cộng.
Hoàng Quân